Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu James Stavridis, trong một bài báo cho hãng tin Mỹ Bloomberg đã trả lời câu hỏi về những vấn đề chính khác mà khối quân sự lớn quan tâm, trong đó ông đã thẳng thắn chỉ ra, trước thềm hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm, NATO cần phải thừa nhận rằng: Ukraine không nên và không thể là ưu tiên duy nhất của liên minh này.
Vị cựu Đô đốc Mỹ cho rằng, ngoài cuộc xung đột Nga-Ukraine, còn nhiều vấn đề khác quan trọng hơn chưa được khối này quan tâm đúng mức, trong đó có những vấn đề mà họ còn chưa nhận thức ra, có những vấn đề họ nhận thức chưa đúng mức, có những vấn đề nhận thức đúng mức những chưa thể làm gì để thay đổi thực trạng của nó.
Ông Stavridis đặt ra câu hỏi, ban lãnh đạo mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã nhận thức được những gì chuẩn bị tốt đến mức nào để giải quyết những thách thức khác ngoài cuộc chiến ủy nhiệm với Nga ở Ukraine?
Ông chỉ ra rằng, vấn đề nhức nhối đầu tiên với khối này là nguy cơ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người theo chủ nghĩa “hoài nghi NATO” - quay trở lại Nhà Trắng và sự yếu đuối của Tổng thống Joe Biden; vấn đề thứ 2 là mối nguy hiểm rất nghiêm trọng đến từ “Trí tuệ nhân tạo”.
An ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đặt ra một thách thức hiện hữu đối với thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.
Theo ông, các quy tắc và phương pháp tiến hành chiến tranh đang thay đổi trước mắt nhân loại và xu hướng này sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.
Theo Stavridis, đi đôi với chiến tranh mạng là mối đe dọa tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo.
AI sẽ trở thành một công cụ mạnh mẽ mới, thậm chí là trở thành một mô hình “Bộ tổng tham mưu mới” trong các cuộc chiến tranh lai giữa các đối thủ tiềm năng là Mỹ và Nga hoặc Mỹ và Trung Quốc.
Theo thời gian, AI sẽ trở thành một công cụ mạnh mẽ trên chiến trường - từ việc tạo ra các chương trình có thể tư vấn cho người chỉ huy về chiến thuật và chiến lược, đến các hệ thống vũ khí liên kết các nền tảng tấn công và giám sát không người lái trên đất liền, trên biển và trên không.
Công nghệ máy học cũng sẽ cải thiện đáng kể hoạt động hỗ trợ chiến tranh, đặc biệt là về bảo trì và hậu cần - những chìa khóa thực sự cho các hoạt động quân sự hiệu quả trong tương lai.
Theo vị sĩ quan cao cấp của Mỹ và NATO, khối quân sự phương Tây không hành động đủ nhanh để đi trước Nga - quốc gia học hỏi nhanh chóng trong một cuộc xung đột thực sự, hay Trung Quốc - quốc gia đi trước phần còn lại của thế giới trong việc phát triển công nghệ.
Đồng thời, NATO bị giới hạn trong các cuộc thử nghiệm và tính toán giả định mà không phải là một cuộc chiến tranh thực sự như Nga, nên những lý thuyết của họ không được kiểm chứng bằng thực tiễn sống động, dẫn đến sự thiếu phù hợp, đến khi Lầu Năm Góc nhận ra họ sẽ phải trả giá như thế nào trong một cuộc chiến tranh thực sự thì lúc đó cũng đã muộn.