Những cô giáo luôn “cháy” hết mình trên bục giảng

GD&TĐ - Ngành Giáo dục đang tập trung đổi mới, hơn bao giờ hết giáo viên cần nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành sứ mệnh dạy chữ - dạy người. Đó cũng là tâm niệm của cô giáo Ngô Song Đào và Hà Ánh Phượng.

Cô Ngô Song Đào trong buổi gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Cô Ngô Song Đào trong buổi gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Đây là 2 trong số những nhà giáo vinh dự được tham dự buổi gặp mặt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc năm 2020 nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Truyền cảm hứng cho học trò

29 năm đứng trên bục giảng cô Ngô Song Đào - giáo viên Trường Tiểu học - THCS Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam, Bến Tre)  luôn “cháy” hết mình với từng tiết học. “Sư phạm với tôi như một tất yếu để nối dài dòng chảy truyền thống gia đình. Nhưng quan trọng nhất, tôi yêu những ánh mắt biết nói của học trò. Tôi quý vẻ bỡ ngỡ ham hiểu biết, ưa khám phá thế giới của những con số, bài thơ… của các em. Tôi yêu học sinh như con của mình. Tôi muốn được là một nấc thang trong bước đường đi tới vinh quang của các em” – cô Đào bộc bạch.

Cô Đào luôn ý thức nhiệm vụ “trồng người” của mình – một nhiệm vụ đặc biệt và cao quý. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi giáo dục phải đào tạo ra một thế hệ có kỹ năng tốt, năng động, sáng tạo; đó là thế hệ của những công dân toàn cầu. Nhận thức được điều này, cô Đào không ngừng học hỏi, nghiên cứu từ thực tiễn trong cuộc sống, trong giảng dạy để giúp học sinh học tốt, tiếp cận được phương thức giáo dục mới.

Trong 20 năm bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường, có tới 14 năm liên tục học sinh của cô đạt giải Nhất cấp huyện, luôn có học sinh đạt giải cấp tỉnh. Ngoài ra, cô hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và đạt một số giải trong các cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia như: Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học; Cuộc thi Hành trình kiến tạo tương lai năm 2019….

Thời gian gần đây, cô đã nghiên cứu thành công loại nhang sinh học làm từ lá cây Quao nước - loại cây bản địa vùng sông nước Bến Tre, được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế. “Từ những trải nghiệm qua các cuộc thi, phong trào khởi nghiệp, tôi mạnh dạn thành lập Công ty sản xuất nhang sinh học Thiên Phúc từ lá cây Quao nước.

“Trong giai đoạn hiện nay, ngành Giáo dục đang tập trung đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, hơn bao giờ hết người giáo viên càng phải nỗ lực vượt mọi khó khăn để hoàn thành sứ mệnh của mình”.
Cô Ngô Song Đào

Công ty hoạt động đã 3 năm, tạo việc làm cho phụ nữ vùng quê, thêm sự lựa chọn mới cho người dùng, sản phẩm được bán rộng rãi  trên thị trường” – cô Đào chia sẻ, đồng thời tâm niệm, qua mỗi công việc, cô không chỉ tìm thấy giá trị mới cho bản thân, mà còn là tấm gương cho học sinh noi theo.

“Nghề dạy học là một nghề cao quý, giáo viên là người truyền cảm hứng cho học sinh. Nhưng để thành công, bản thân giáo viên không thể không dựa vào tập thể sư phạm, nơi mình làm việc; đặc biệt là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Chính sự quan tâm, hỗ trợ ấy đã truyền cho tôi nguồn cảm hứng, sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách, để hoàn thành nhiệm vụ” – cô Đào chia sẻ.

Giáo dục là không giới hạn

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Trường ĐH Hà Nội, cô Hà Ánh Phượng đã chọn Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) để thực hiện ước mơ được đứng trên bục giảng của mình. Ngôi trường này có hơn 85% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây, các em còn nhiều thiệt thòi về cơ hội học tập và phát triển như các bạn cùng trang lứa ở thành phố.

“Điều khiến tôi trăn trở nhất là, làm thế nào để “bất cứ học sinh nơi nào cũng có thể được hưởng những nền giáo dục tốt nhất” và “học sinh ở miền núi cũng có cơ hội học tập như học sinh ở thành phố”.

Tôi luôn tâm niệm “giáo dục là không giới hạn” và “Anh ngữ là sinh ngữ”; vì thế trong 5 năm qua, tôi đã cố gắng tìm hiểu những phương pháp dạy học để thu hẹp khoảng cách mà học sinh mình đang có so với đà phát triển của thế giới” – cô Phượng chia sẻ.

Cô Hà Ánh Phượng phát biểu trong buổi gặp mặt Chủ tịch Quốc hội.
Cô Hà Ánh Phượng phát biểu trong buổi gặp mặt Chủ tịch Quốc hội.

Ngày đầu tiên đến lớp, cô Phượng hết sức ngỡ ngàng bởi học sinh nơi đây ngoan ngoãn, lễ phép, nhưng còn rụt rè, ngại tiếp xúc. Cô đã cùng học trò trao đổi thông tin và lựa chọn cách dạy phù hợp nhất. Nhìn lại 5 năm qua, cô - trò đã cùng nhau trải qua một quá trình vô cùng đáng nhớ.

Đó là mô hình “lớp học xuyên biên giới” nhằm kết nối lớp học của các nước trên giới qua giờ học tiếng Anh. Ở đó học sinh không chỉ có cơ hội được luyện nghe, nói, phát âm với  thầy cô giáo và bạn bè nước ngoài, mở mang kiến thức về văn hóa mà còn là niềm say mê môn học ngoại ngữ, niềm khao khát được trở thành những công dân toàn cầu. “Bằng cách này, cô - trò chúng tôi đã du lịch không Visa trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới” – cô Phượng tự hào nói.

Cô Phượng cho biết, bằng phương pháp này, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt, điểm kĩ năng nghe, nói có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các em có thể chủ động trong việc sử dụng ứng dụng hiện đại để tiếp cận tri thức.

“Điều khiến thật sự bất ngờ là, bên cạnh những ứng dụng do tôi hướng dẫn, học sinh còn mạnh dạn đề xuất ứng dụng nhiều tính năng hơn. Khả năng thuyết trình, làm việc nhóm, làm việc độc lập, kĩ năng giải quyết vấn đề, phát triển tư duy phản biện… là những điều mà tôi nhìn thấy rõ ở các em” – cô Phượng nói.

Không chỉ dừng lại ở mô hình lớp học xuyên biên giới, trong 5 năm qua cô Phượng và học trò của mình đã đồng hành trên nhiều dự án, nhiều câu chuyện bên ngoài lớp học… Đó là dự án quốc tế như: “Nói không với ống hút nhựa”. Trong dự án này, cô trò đã làm ra, cung cấp chiếc ống hút bằng tre, nứa miễn phí tới tay những thầy cô và học sinh cũng như quán nước gần trường. Những chuyến du lịch trên mạng tuyên truyền tới nhiều học sinh trên thế giới về chống rác thải nhựa.

Ngoài ra, dự án “Thư viện hạnh phúc”, giúp học sinh có thêm nguồn sách ngoại văn miễn phí trong học tập và tìm kiếm tri thức. “Điều quan trọng mà tôi nhận lại được là, sự tự tin, kĩ năng giải quyết vấn đề và khả năng công nghệ thông tin của các em được tăng lên với những khao khát cháy bỏng được trở thành những công dân toàn cầu”- cô Phượng nói.

Đề cập đến vấn đề chuyển đổi số, cô Phượng đề xuất: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó giáo dục là 1 trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Vì vậy, cô mong muốn Đảng và Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để giúp nhà trường, các thầy cô giáo và các em học sinh tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin nhiều hơn nữa.

Cô cũng đề xuất, mô hình Trường học hạnh phúc ngày càng được lan tỏa sâu rộng đến các trường trên cả nước, để mỗi ngày đến lớp là một ngày vui cho cả thầy và trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.