Đổi mới sáng tạo trong dạy học môn Lịch sử: Mỗi thầy cô giáo là một sứ giả

Đổi mới sáng tạo trong dạy học môn Lịch sử: Mỗi thầy cô giáo là một sứ giả

Theo cô, đổi mới sáng tạo trong dạy học là yêu cầu cần thiết đối với mỗi nhà giáo. 

 - Đổi mới sáng tạo trong dạy học là việc làm không thể thiếu trong quá trình dạy học. Vậy quan điểm của cô về vấn đề này như thế nào?

- Đổi mới sáng tạo trong dạy học là yêu cầu cần thiết đối với mỗi nhà giáo. Sự phát triển của khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hoá đã và đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội để các quốc gia dân tộc phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những thách thức không nhỏ, nhất là những biến đổi và diễn biến bất thường của tự nhiên - xã hội đã buộc nhân loại phải đối mặt với nhiều khó khăn và phải tìm cách vượt qua. Chẳng hạn như dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Đổi mới sáng tạo trong dạy học góp phần thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đó là việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ một chiều, ghi nhớ máy móc.

Đối với mỗi GV, giảng viên trong ngành giáo dục, đổi mới sáng tạo là việc làm không thể thiếu trong quá trình dạy học. Nó là nhu cầu, là hoạt động thường xuyên, giúp các thầy cô giáo hoàn thành có hiệu quả nhiệm vụ dạy học của mình. Đồng thời giúp HS có hứng thú học bài, tiếp thu dễ dàng các kiến thức khoa học và biết vận dụng các kiến thức ấy vào cuộc sống.

- Những đổi mới sáng tạo của cô được chuyển thể thành sáng kiến kinh nghiệm. Những sáng kiến ấy đã phát huy hiệu quả như thế nào trong dạy - học?

Đổi mới sáng tạo trong dạy học môn Lịch sử: Mỗi thầy cô giáo là một sứ giả ảnh 1
Cô Lê Thị Mười.

- Trong 18 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại B, C của Sở GD&ĐT Hà Nội mà tôi đã đúc rút từ quá trình giảng dạy của mình, tôi tâm đắc nhất sáng kiến kinh nghiệm: “Tự tạo và sử dụng đồ dùng trực quan dạy trong dạy học, nhằm nâng cao hiệu quả dạy học bộ môn Lịch sử ở trường THPT”.

Tự tạo đồ dùng trực quan, giúp GV khắc phục được tình trạng dạy chay, hoặc nếu có thì chưa phù hợp trong các bài học lịch sử cụ thể. Tôi đã đưa ra các biện pháp nhằm tự tạo và sử dụng các đồ dùng trực quan phù hợp với từng giờ dạy học. Các biện pháp tự tạo và sử dụng đồ dùng trực quan mà tôi đưa ra mang tính khoa học, tính sư phạm cao và có thể sử dụng rộng rãi trong các môi trường và các đối tượng giáo dục.

Sáng kiến kinh nghiệm đó đã phát huy cao hiệu quả dạy học, nhất là với môn lịch sử. Việc sử dụng các đồ dùng trực quan tự tạo sẽ gây hứng thú cho HS mỗi giờ học, giúp các em nhận biết, hiểu sâu các kiến thức lịch sử và nhớ lâu hơn. Điều đó rất phù hợp với đặc trưng bộ môn Lịch sử là cần tái hiện lại các sự kiện, nhân vật lịch sử trong quá khứ. Nếu ta chỉ dạy chay mà không có đồ dùng trực quan sẽ khiến giờ học khô khan, HS không chán học.

- Lịch sử được cho là môn học khô khan, với nhiều số liệu và sự kiện khó nhớ nên ít được HS quan tâm. Vậy làm thế nào để thu hút học sinh vào môn học?

- Lịch sử là môn học dài, khô khan, với nhiều số liệu khó nhớ nên ít được HS quan tâm, thậm chí là sợ học. Làm thế nào để lôi cuốn, thu hút HS vào môn học để các em không chán học và sợ học, để các em nắm được các kiến thức của môn Lịch sử? Đây là vấn đề của cả ngành Giáo dục nước nhà hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên: Chương trình, nội dung môn học, quan điểm của xã hội về bộ môn và phương pháp dạy học lịch sử…

Nên đưa Lịch sử là bộ môn học bắt buộc trong trường phổ thông với các kiến thức cơ bản, các sự kiện lịch sử với các mốc thời gian quan trọng. Chúng ta nên cải tiến sách giáo khoa với nhiều hình ảnh, phim tư liệu, kiến thức cô đọng, trực quan sinh động, đẹp mắt để hấp dẫn HS. Đặc biệt mỗi GV giảng dạy bộ môn Lịch sử trong trường phổ thông cần luôn luôn đổi mới và sáng tạo trong dạy học.

Mỗi thầy cô giáo phải là một sứ giả đưa các em khám phá những trang lịch sử thế giới và dân tộc một cách hấp dẫn có hiệu quả. Thông qua các phương pháp dạy học kết hợp với việc sử dụng đồ dùng trực quan sinh động, GV cần giúp các em có hứng thú học tập bộ môn, có ham muốn tìm hiểu và nắm bắt các kiến thức lịch sử một cách tự giác. Từ đó giúp các em nhớ lâu, hiểu sâu và biết vận dụng các kiến thức lịch sử vào cuộc sống thực tế. Cách thu hút HS vào môn có hiệu quả thì GV phải có phương pháp dạy phù hợp với từng nội dung và đối tượng HS.

Cần phải kết hợp nhiều phương pháp dạy học phù hợp với thực tiễn. Đó là việc tạo ra các trò chơi, các câu đố vui, cách nêu vấn đề bài học ấn tượng… thu hút sự chú ý của HS. Đó là việc thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin và các đồ dùng dạy học vào giảng dạy Lịch sử.

 “GV cần phải đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học để tìm ra con đường ngắn nhất, thu hút HS nhằm nâng cao hiệu quả dạy học. Có như thế mới hấp dẫn, thu hút các em trong học môn Lịch sử”. ThS Lê Thị Mười

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.