Khi học sinh vào vai các nhân vật văn học
Nằm trong khung chương trình của học kỳ I lớp 11, vừa qua, Tổ Ngữ văn Trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức) đã tổ chức chuyên đề Chuyện làng Vũ Đại. Học sinh khối 11 của trường đã sân khấu hóa thể hiện kiến thức hiểu biết về 3 tác phẩm văn học nổi tiếng: Một bữa no, Lão Hạc, Chí Phèo. Theo đó, không gian của sân khấu được nhà trường chuẩn bị mang đậm bức tranh làng Vũ Đại nông thôn Bắc Bộ từ bụi chuối, hồ sen, chum nước, dần sàng... Những trang phục mà các em tham gia cũng đậm nét sinh hoạt văn hoá của đồng bằng Bắc Bộ những năm 1945.
Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên Ngữ văn của trường chia sẻ, việc đổi mới dạy học nhằm giúp cho các em cảm nhận được các tác phẩm văn học một cách sâu sắc, khi các em hóa thân vào từng nhân vật, hiểu được nỗi đau, cảm xúc, tâm trạng của họ. Từ đó, đặt mình vào vị trí của họ để có sự đồng cảm, vị tha… Điều này khiến các em rất hứng thú, hào hứng tham gia. Các em không chỉ học Ngữ văn mà còn được tìm hiểu về văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ những năm 1945 qua không gian của sân khấu.
Đặc biệt, từ việc sân khấu hóa tác phẩm văn học, cô Thu Trang cho biết, rất nhiều học sinh đã thể hiện được sở trường của mình từ đóng kịch, vẽ, hát… Các em cũng rèn được các kỹ năng làm việc nhóm, sắp xếp thời gian. Được biết, tham gia chuyên đề, học sinh sẽ được tính điểm thành phần môn Văn.
Vào vai bà cô của nhân vật Thị Nở, em Phương Trang lớp 11B12 cho biết, em và các bạn rất hào hứng với chuyên đề sân khấu hóa các tác phẩm Chuyện làng Vũ Đại. Tham gia, giúp em nhớ bài lâu hơn, hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm, bởi khi vào vai một nhân vật, em không chỉ tập trung vào vai của mình, mà cũng phải đọc kĩ tác phẩm để hiểu các nhân vật khác. Tụi em chọn ra trích đoạn hay nhất để vào vai, thực sự rất thú vị, đầy ý nghĩa. Chúng em cảm thấy, các nhân vật, các tác phẩm không còn khô khan bất động trên giấy, trên sách mà rất sinh động, có hồn, đầy cảm xúc…
Tương tự, nhằm đổi mới phương pháp học tập, tạo hứng thú cho học sinh bằng việc mở rộng không gian lớp học, tổ Ngữ văn THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) cũng đã tổ chức buổi ngoại khoá với chủ đề “Văn học cách mạng Việt Nam, những chặng đường lịch sử”. Tại đây, học sinh đã có những trải nghiệm bổ ích khi hóa thân vào nhân vật trong các tác phẩm văn học cách mạng. Thông qua các ca khúc cách mạng, những trích đoạn văn học được tái hiện trên sân trường, các em học sinh đã được hoà vào một giờ học Ngữ văn mới lạ.
Tác phẩm Chiếc lược ngà, ca khúc Cô gái mở đường và rất nhiều những ca khúc cách mạng nổi tiếng, rất nhiều những khoảnh khắc đẹp và xúc động về một thời chiến đấu anh dũng của những chiến sĩ cách mạng đã được học sinh thể hiện trên sân khấu. Tại buổi ngoại khóa còn lồng ghép những trò chơi với câu hỏi trắc nghiệm, hỏi đáp nhanh về kiến thức lịch sử cách mạng, những tác phẩm văn học, giúp các em vừa chơi lại vừa ôn tập được những gì đã được học tại lớp.
Chuyên đề Văn học cách mạng Việt Nam - Những chặng đường lịch sử của tổ Ngữ văn Trường THPT Tây Thạnh triển khai. Ảnh: Tuấn Anh |
Đi để trưởng thành
Thời gian qua, tổ Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) đã từng bước đổi mới phương pháp dạy học nhằm hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Dạy học theo dự án, đưa học sinh tới các nhà hát, kịch, rạp phim để xem những thước phim hay kết hợp với ngoại khóa môn Ngữ văn; triển khai tiết đọc sách với nhiều tác phẩm hay; chuyên đề “Hẹn hò với sách”… Nổi bật trong đó chính là những dự án dạy học nhận được “mưa” lời khen của học trò, phụ huynh do thầy giáo Đỗ Đức Anh -Tổ phó tổ Ngữ văn của trường khởi xướng.
Học văn từ cuộc sống là dự án dạy học được thầy Đức Anh ấp ủ và triển khai cho học sinh từ năm 2014 cho đến nay. Theo đó, mỗi một dự án, có những chuyên đề riêng như “Sài Gòn - những góc nhìn trẻ”, “Có thư ngoài cửa”… Với “Sài Gòn -những góc nhìn trẻ”, học sinh sẽ trong vai là những nhà sản xuất phim, đạo diễn, phỏng vấn, “xách ba lô lên và đi”… để làm ra những thước phim chân thật nhất từ cuộc sống do chính các em cảm nhận, trải nghiệm. Đặc biệt, với dự án “Có thư ngoài cửa”, thầy Đỗ Đức Anh và cô Lê Cúc Anh (giáo viên Ngữ văn của trường) đã tạo nên một buổi ra mắt sách đầy thú vị.
Tham gia dự án mỗi học sinh tự viết một lá thư tay cho những người mình ấn tượng, có nhiều tình cảm, hoặc mình ngưỡng mộ. Đó có thể là một người bạn thân, là một giáo viên, là người thân trong gia đình hay chỉ là chú bán kẹo bông, cô bán trà sữa, anh thợ sửa giày...
Từ những lá thư tay được viết rất nắn nót ấy, học sinh được chia theo nhóm bắt đầu chia nhau đi phỏng vấn nhân vật chính trong thư của mình. Sau đó, mỗi nhóm chọn ra một nhân vật mà nhóm tâm đắc nhất, để làm thành những thước phim sống động về nhân vật đó. Bên cạnh đó, mỗi lớp có một Trạm thư chờ ở cửa lớp và trên trang fanpage của dự án để nhận những lá thư chia sẻ của các bạn học sinh muốn gửi gắm đến những người mà mình yêu thương, ngưỡng mộ, quý mến... hay chỉ là những lá thư giãi bày tâm tư tình cảm của mình. Khi có thư, các bạn trong nhóm hồi đáp lại bằng thư tay cho những lá thư gửi đến.
Với hơn 50 lá thư của học trò, được thầy Đỗ Đức Anh và cô Lê Cúc Anh - giáo viên đồng phụ trách dự án biên tập, phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin xuất bản cuốn sách có tên Có thư trên bậu cửa. Buổi ra mắt sách cũng là buổi tổng kết dự án đã nhận được rất nhiều lời khen của học trò, những lời cảm ơn chân thành của các bậc phụ huynh về những đổi mới sáng tạo của các thầy cô trong dạy học, đem lại cho các con những trải nghiệm tuyệt vời.
Thầy Đức Anh chia sẻ, Có thư trên bậu cửa là kết quả miệt mài của thầy và trò trong quá trình thực hiện mùa ba của chủ đề “Học văn từ cuộc sống”. “Tôi hi vọng, qua dự án, học sinh của mình có được những trải nghiệm về cuộc sống, hiểu hơn về hơi thở của xã hội ngoài kia. Từ đó các em sẽ rút ra được bài học cho mình, các em đi để cảm nhận, đi để yêu cuộc đời hơn, để biết san sẻ với những người xung quanh mình… Cuộc đời là một tác phẩm lớn, bất tận và các em sẽ cảm nhận được nó qua lăng kính của riêng mình”.