* Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy - Trường THCS Dương Hà (Gia Lâm):
Biến giờ Địa lý thành các tour du lịch nhỏ
Với hơn 10 năm đứng lớp, cô Bích Thủy không chỉ là GV “cứng” của trường, mà còn tích cực tham gia bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi của huyện. Phương châm làm việc mà cô luôn tâm huyết và ghi nhớ: Để có thể truyền kiến thức, trước tiên phải truyền được “lửa” cho học trò của mình.
Theo cô Bích Thủy, HS là đối tượng có nhu cầu dịch vụ, còn GV là người cung cấp dịch vụ. Vì vậy, cô luôn trăn trở, đối tượng của cô như thế nào và cần gì, từ đó giúp các em lĩnh hội kiến thức một cách tốt nhất. Cô quan niệm: Trong dạy học, GV không phải là người sẽ trao cho HS những gì mình có. Vì thế, cô luôn mong muốn mình sẽ mang đến cho HS những dịch vụ có chất lượng tốt nhất.
Địa lý là môn học thường bị xem là khô khan, khó học. Vì vậy trong các bài giảng của mình, cô luôn cố gắng cập nhật thông tin bằng những hình ảnh, những đoạn clip để HS tiếp cận kiến thức nhanh nhất và hiệu quả nhất. Cô tâm niệm, GV vừa là nhà biên kịch nhưng cũng vừa là diễn viên. Để tránh nhồi nhét kiến thức một cách thụ động, cô luôn nghiên cứu kỹ mục tiêu làm chủ kiến thức, áp dụng các phương pháp dạy học linh hoạt sao cho phù hợp với mức độ kiến thức, đối tượng HS.
Địa lý cũng là môn học có khá nhiều số liệu, nên đôi khi HS có tâm lí ngại học. Vì vậy trong mỗi bài giảng, cô luôn tìm cách để giúp HS nhận thấy đó là những con số biết nói. Từ đó khơi dậy trí tò mò, thích thú của HS và các em không còn cảm thấy sợ các con số. “Chẳng hạn, khi học về địa lý các châu lục, với những mảnh đất mà các em chưa bao giờ đặt chân đến, tôi thường cố gắng biến giờ Địa lý thành các tour du lịch nhỏ, thông qua các hình ảnh và những đoạn video sinh động. Cùng với đó, các em sẽ được đóng vai là các hướng dẫn viên du lịch, vì vậy giờ học trở nên sôi động và HS cảm thấy nhẹ nhàng trong các giờ học Địa lý” - cô Bích Thủy chia sẻ.
Cũng theo cô Bích Thủy, GV phải có niềm tin vào học trò của mình và truyền cảm hứng cho các em trong mỗi giờ lên lớp. Cô nhận thấy, sự tin tưởng và kỳ vọng vào HS chính là nhân tố quan trọng để kích thích các em đạt kết quả cao trong học tập. Từ đó các em phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của mình.
Bằng sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm, năm nào đội tuyển HS giỏi do cô bồi dưỡng cũng đạt giải cấp thành phố. Riêng trong năm học 2017 - 2018, có 10 HS tham gia đội tuyển đều đạt giải, trong đó có 3 giải Nhất và 2 giải Nhì cấp thành phố.
* Cô giáo Bùi Thị Thủy - Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn):
Luôn đổi mới nhưng không để HS “bỡ ngỡ”
Là GV dạy Văn, tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ nhưng cô Thủy luôn nhận thức sâu sắc vai trò của người thầy cũng như ý nghĩa của sự tâm huyết trong dạy - học. Hơn 10 năm công tác, dù trải qua nhiều khó khăn nhưng cô vẫn giữ được ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết với nghề. Cô vẫn luôn nuôi dưỡng tình yêu với phấn trắng, bảng đen và với từng thế hệ học trò…
Tuổi trẻ năng động, không ngại thử thách, đó là lý do khiến cô Thủy luôn nhiệt tình tham gia các phong trào, các cuộc thi do ngành GD Hà Nội tổ chức. Trong 5 năm gần đây, cô 2 lần tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm; thi giảng dạy tích hợp tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong dạy học môn Ngữ văn; soạn giáo án tích hợp liên môn; thi kĩ năng công nghệ thông tin; 2 lần tham gia thi thiết kế bài giảng E- Learning; thi Báo cáo chuyên đề đổi mới sáng tạo trong dạy và học…
Có thể nói, với niềm đam mê dạy học, mong muốn từng bước đạt đến độ chín trong nghề, với khát vọng từng bài giảng sẽ đem đến cho HS sự hứng thú, những tình cảm tích cực, cô Thủy luôn có ý thức đổi mới, sáng tạo trong từng hoạt động, từng giờ dạy. Cô luôn xác định, đổi mới sáng tạo là cần thiết nhưng phải thận trọng, không thể để HS luôn ở trong tình thế lúc nào cũng bỡ ngỡ, bất ngờ. Vì thế cô kết hợp linh hoạt phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại. Mỗi giờ lên lớp, cô sử dụng máy chiếu, khuyến khích HS tham gia sáng tạo, thay đổi cách đọc văn bản bằng hát, đóng kịch… sử dụng kĩ thuật dạy học mới (kĩ thuật 3 lần 3, sơ đồ tư duy), tổ chức trò chơi...
Ngoài ra, cô duy trì việc bình giảng chi tiết… nhằm tạo chiều sâu cho bài học, đồng thời có thể giúp HS tiếp thu kiến thức một cách chủ động, tích cực. Cùng với đó, cô cũng chú ý thay đổi hình thức, thời gian, dung lượng kiến thức trong các bài kiểm tra truyền thống để theo sát với hình thức thi của Kỳ thi THPT quốc gia hiện nay.
Cô đặc biệt dành thời gian quan tâm tới những HS có hoàn cảnh khó khăn. Cô luôn tâm niệm, dù bàn tay nhân ái không đủ sức vươn xa nâng đỡ tất cả những mảnh đời bất hạnh, thì ít nhất đối với những HS do mình giảng dạy cô sẽ cố gắng đem đến cho các em sự hỗ trợ tốt nhất. Đó cũng là lí do, trong 2 năm 2014 và 2017, cô đã tận dụng sức ảnh hưởng của mạng xã hội Facebook đăng bài kêu gọi những tấm lòng vàng giúp đỡ cho HS mắc bệnh hiểm nghèo, gia cảnh khó khăn. Sau 2 đợt kêu gọi, HS của cô đã nhận được số tiền khoảng 170 triệu đồng.
Đối với những HS thuộc hộ gia đình cận nghèo, nghèo có nguyện vọng học chuyên sâu môn Ngữ văn, cô Thủy tình nguyện dạy học miễn phí. Tại Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm, nhiều HS đạt được 8 điểm môn Ngữ văn. Nhờ đó mà các em đã thực hiện được ước mơ học đại học của mình.
Việc làm của cô Bùi Thị Thủy đã có sức lan tỏa trong HS và GV cùng trường, đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Ngữ văn tại Trường THPT Đa Phúc.