Xuất thân từ nông dân
Ngoài vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL, GS.TS Nguyễn Thị Lang còn là Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), nhưng ít ai biết rằng bà được sinh ra và lớn lên từ một gia đình có truyền thống làm nông, đông anh em, ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.Bà suy nghĩ phải học thật giỏi để không phụ lòng mong mỏi của gia đình, đóng góp sức mình phục vụ cho quê hương. Những thành tích của bà đã viết lên một câu chuyện thật phi thường với nhiều công trình nghiên cứu khoa học quy mô mang tầm quốc gia và thế giới.
Sau khi tốt nghiệp ngành Sinh học tại Trường ĐH Tổng hợp TPHCM, bà quay về phục vụ cho tỉnh nhà với cương vị là Phó Trưởng phòng Kế hoạch Khoa học, Sở Khoa học tỉnh Bến Tre 10 năm. Cũng vì chữ duyên chữ nợ, nên đến năm 1990, bà theo chồng về TP Cần Thơ, làm việc tại Viện lúa ĐBSCL cho đến nghỉ hưu năm 2016. Trong quá trình công tác tại Viện lúa, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ “Nghiên cứu di truyền tính trạng sinh lý ưu thế lai trên lúa” vào năm 1994, đây cũng là một bước ngoặt phát triển quan trọng trong cuộc đời của bà.
Luận án tiến sĩ đó, bà chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn mà dân gian gọi là “lúa ma”. Đây là một giống lúa hoang dã ở vùng trũng Đồng Tháp Mười. Vào mùa lũ, lúa ma vượt lên nước lũ để trổ đòng, đơm bông. Biết lúa ma có sức sống mãnh liệt, TS Nguyễn Thị Lang đã cùng chồng là GS Bùi Chí Bửu (cũng là một nhà khoa học nổi tiếng về cây lúa) lặn lội về Đồng Tháp Mười tìm cách nghiên cứu kết hợp những tính năng chịu đựng ưu việt của lúa ma với giống lúa cao sản để tạo nên một giống lúa mới. Từ thành công này, đã có thêm hàng chục giống lúa chịu mặn mang họ “OM” ra đời như OM4498, OM5930, OM4900, OM6073.
Từ thành công trên, bà luôn miệt mài nghiên cứu để nhân ra nhiều giống lúa có ưu điểm khác phục vụ cho nông dân, thì cơ duyên lại đến, đưa bà đi học sau tiến sĩ khi “Một lần, các nhà khoa học của Quỹ Rockefeller (Mỹ) đến thăm viện, lúc đó tầm 5 giờ chiều. Thấy tôi vẫn đang ngồi lựa hạt giống, một cán bộ điều phối quỹ đã thắc mắc rằng sao mọi người đã về hết mà tôi còn ở lại. Tôi đáp là muốn tận dụng thời gian tập trung nghiên cứu cây lúa cho tốt. Vị tiến sĩ hỏi về ước mơ của tôi. Tôi thành thật nói về ước ao được đi nước ngoài, học tiếng Anh cho giỏi và đọc nhiều tài liệu liên quan đến giống lúa, làm sao để đưa nông nghiệp ĐBSCL phát triển hiệu quả”.
Sau cuộc trò chuyện, vị tiến sĩ ngoại quốc chủ động xin thông tin liên hệ và sau một tuần, bà Lang nhận được thư mời cùng mẫu hồ sơ đăng ký học chương trình sau tiến sĩ về Công nghệ sinh học ở nước ngoài. Bà đã vượt qua phần phỏng vấn của hơn 20 nhà khoa học và chọn Viện Nghiên cứu lúa quốc tế - Philippines (IRRI) để làm nghiên cứu sau tiến sĩ theo kinh phí của Quỹ Rockefeller.
“Khi vừa qua Viện IRRI, tôi xây dựng các nghiên cứu về bệnh khô hạn, rầy nâu, phẩm chất, bạc lá. Đến năm 2000, tôi làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Nhật Bản về khoa học nông nghiệp (JIRCAS), hoàn thành công trình xây dựng bản đồ gene mặn. Kết quả là các giống lúa lai tạo khi ở Nhật chịu được nồng độ mặn 0,3% thì về Việt Nam, sống trong môi trường có nồng độ mặn lên tới 0,8% vẫn có thể phát triển tốt” - Giáo sư Lang chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Thị Lang hướng dẫn SV nghiên cứu về giống lúa |
Đây là những vấn đề rất thiết thực đối với thực tiễn sản xuất và chất lượng lúa gạo xuất khẩu ở Việt Nam. Thấy bà có tư chất thông minh, siêng năng và ham học hỏi nên các nhà khoa học của các nước tiên tiến tạo nhiều điều kiện cho bà không chỉ học tập, nghiên cứu, mà còn trực tiếp phụ trách nhiều công trình khoa học khác. Bên cạnh đó, bà còn trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sau tiến sĩ cho nhiều nghiên cứu sinh ở Mỹ.
Nhờ tham gia nghiên cứu nhiều dự án của nước ngoài, nên GS Lang được hỗ trợ nhiều máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho Viện lúa ĐBSCL khi trở về Việt Nam. Từ những gì học được ở các nước có nền khoa học tiên tiến, bà tổ chức nhiều lớp học để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy cho các Viện nghiên cứu ở khu vực và các thế hệ học trò sau này.
Tâm huyết với công trình 25 nămChia sẻ về công trình khoa học “Nghiên cứu học giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long” vừa đạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa, do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng, GS.TS Nguyễn Thị Lang cho biết, đó là một quá trình cống hiến dài hơi cho khoa học từ nghiên cứu cơ bản đến chuyên sâu và ứng dụng thực tế. Bởi, từ một giống lúa ma bà đã phải bắt đầu từ việc “cứu sống phôi, tạo gen, tạo giống, ứng dụng vào sản xuất, cho đến ngày nay là một chuỗi quá trình 25 năm cho công trình khoa học đã đạt giải”.
GS Lang chia sẻ bà cảm thấy rất vui, cảm động và trân trọng với giải thưởng cao quý vừa nhận được. Bởi bà cũng không nghĩ rằng công trình của mình là một trong số 4 công trình khoa học vinh dự được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ trao giải. Vì trước giờ giải thưởng này chưa có tiền lệ về lĩnh vực nông nghiệp, đồng nghĩa với việc bà là vị nữ Giáo sư, Tiến sĩ đầu tiên của vùng ĐBSCL được nhận giải thưởng cao quý này.
Đến nay, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã chọn tạo được 43 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia; trên 90 giống triển vọng, ứng dụng vào sản xuất cho 13 tỉnh ĐBSCL, miền Trung và miền Bắc. Trực tiếp giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên, GS.TS Nguyễn Thị Lang thường khuyên học trò phải tạo niềm đam mê nghiên cứu, phải chịu khó tìm tòi. Theo bà, người nghiên cứu thì đi tới đâu cũng nghiên cứu được. “Trước đây, tôi đi dọc đường thấy lúa hoang là nhảy xuống nhổ liền, không đánh mất cơ hội, trên đường thấy lúa hoang, giống lạ mang về trồng, lai tạo để tìm ra gen quý, tích lũy”.
GS.TS Nguyễn Thị Lang tại một sự kiện về nông nghiệp |
Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, để thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học thì “Quan trọng là phải đeo đuổi sự nghiệp, phải liên tục, liên tục mới thành công, nếu bỏ đầu này chạy đầu kia thì không bao giờ thành công, nên dầu khó khăn cách mấy phải cố gắng đeo đuổi”.
Lấy bản thân mình làm ví dụ khi đang là Trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống, Viện lúa ĐBSCL thì năm 2006, ông xã của bà chuyển công tác lên TPHCM. Lúc đó “Nếu tôi bỏ cuộc đi theo ông xã thì công việc nghiên cứu bỏ giữa chừng, tôi quyết định ở lại để tiếp tục nghiên cứu, do đó mới thành công như ngày hôm nay”. GS.TS Nguyễn Thị Lang đúc kết kinh nghiệm quý báu cho những ai muốn theo đuổi nghiệp nghiên cứu là “Phải có đam mê và theo đuổi đến cùng!”.
Bà cũng quan niệm, làm nghiên cứu khoa học đôi lúc phải cứng rắn, phải “lì” để bảo vệ quan điểm cá nhân, bởi “tôi không làm theo phương pháp của người khác, có cái riêng, cái mới của chính mình…”. Đến nay, dù đã nghỉ hưu ở Viện lúa ĐBSCL nhưng bà vẫn đam mê, nhiệt huyết với nghiệp nghiên cứu. Ngoài Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học của Trường ĐH Cửu Long, giảng viên thỉnh giảng của Trường ĐH An Giang, bà còn thành lập Viện nghiên cứu nông nghiệp Công nghệ cao ĐBSCL (tọa lạc tại TP Cần Thơ) với vai trò là Viện trưởng.