Những chuyến tuần tra thót tim ở khu phi quân sự liên Triều

Đối với các binh sĩ Hàn Quốc, việc tuần tra ở khu vực phi quân sự liên Triều đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro phải bỏ mạng vì họ có thể giẫm phải mìn bất cứ lúc nào.

Những chuyến tuần tra thót tim ở khu phi quân sự liên Triều
nhung-chuyen-tuan-tra-thot-tim-o-khu-phi-quan-su-lien-trieu

Một nhóm binh sĩ Hàn Quốc tuần tra ở khu DMZ. Ảnh:EPA

Trong 130.000 thanh niên Hàn Quốc nhập ngũ mỗi năm, chỉ một số ít tân binh được điều động tới trú đóng tại khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên, theo Guardian.

Khu DMZ là một trong những biên giới bày bố quân sự dày đặc nhất thế giới. DMZ phân cách đường biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên. Về mặt kỹ thuật, hai quốc gia này vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1953. Đây cũng là điểm thu hút du khách với hàng nghìn lượt người tham quan mỗi năm.

Căng thẳng dọc khu vực biên giới gia tăng kể từ khi hai binh sĩ Hàn Quốc vấp phải mìn ở khu DMZ hồi tháng 8 năm ngoái dẫn tới bị thương nặng. Seoul tố cáo Bình Nhưỡng cố tình gài mìn nhưng Triều Tiên bác bỏ.

Tử thần rình rập trên đường tuần tra

nhung-chuyen-tuan-tra-thot-tim-o-khu-phi-quan-su-lien-trieu-1

Binh sĩ Hàn Quốc đeo dải băng tay ghi dòng chữ "quân cảnh" khi tuần tra ở khu DMZ trong thời tiết giá rét. Ảnh:ROK Ministry of Defense

Đối với Shin Yong-tae, cựu binh sĩ Hàn Quốc, người từng tham gia các chuyến tuần tra sát biên giới Triều Tiên, mối đe đọa từ những bãi mìn luôn hiện hữu.

"Một lần trên đường tuần tra, tôi nghe tiếng cạch dưới đế giày và liền cảm thấy cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng", anh kể. "Tôi tưởng mình vừa bước lên một bãi mìn".

Lúc đó, vì quá hoảng sợ, các đồng đội của anh lập tức tháo chạy, bỏ Shin lại một mình.

"Tôi thậm chí không thể la lên vì các chuyến tuần tra định kỳ phải được thực hiện một cách yên lặng tuyệt đối", anh nói.

Sau đó, đội trưởng nhóm tuần tra đã cẩn thận dùng dao xới đất xung quanh chỗ đứng của Shin. Tất cả thở phào khi phát hiện ra rằng anh chỉ giẫm lên một chiếc hộp thiếc.

"Tôi bị các đồng đội chế nhạo nhưng hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết rằng chuyện này có thể xảy ra với bất cứ ai và vào bất cứ thời điểm nào", Shin bộc bạch.

Tại khu DMZ, những tiếng nổ thường xuyên vang lên giữa đêm tối, thường là do những con thú nhỏ dẫm lên các quả mìn. Shin cho biết đó là lời nhắc nhở thường trực về mối nguy hiểm chết người đối với các binh sĩ Hàn Quốc làm nhiệm vụ tại đây.

Bên cạnh đó, các binh sĩ Hàn Quốc đóng quân ở khu DMZ còn phải đối mặt với rất nhiều mối hiểm nguy và khó khăn khác nhau, không chỉ riêng mối đe dọa từ Triều Tiên. Thay vì 4 mùa như những nơi khác, tại DMZ chỉ có ba mùa là mùa hè cực nóng, mùa đông lạnh ngắt và mùa băng giá, lúc mọi thứ đều đông cứng. Shin cùng đồng đội phải chịu đựng cái rét khắc nghiệt có khi rơi xuống - 19 độ C với những cơn gió chích buốt không ngừng thổi đến từ phương bắc.

Khác biệt hai miền

nhung-chuyen-tuan-tra-thot-tim-o-khu-phi-quan-su-lien-trieu-2

Binh sĩ Hàn Quốc kiểm tra vị trí mìn phát nổ ở khu DMZ hồi tháng 8 năm ngoái. Ảnh:AP

Những binh sĩ Hàn Quốc ở khu DMZ trải qua các đợt huấn luyện rất cam go. Shin  phải nhớ như in tất cả các câu trong hiệp định đình chiến được soạn thảo vào cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên hồi năm 1953.

Các bên phải tôn trọng hiệp định đình chiến mọi lúc và "đó là lý do tại sao chúng tôi cần thuộc nó... Ở những thời điểm nhạy cảm, một sai lầm thậm chí rất nhỏ cũng có thể đẩy bạn vào tình thế khó khăn", Shin cho hay.

Anh cũng phải nắm rõ mọi điểm mạnh và yếu của đối phương. Họ được dạy về địa thế các ngọn đồi ở Triều Tiên, vũ khí Triều Tiên và tầm bắn của chúng.

"Những kiến thức ấy sẽ giúp tôi giữ mạng sống", Shin thừa nhận.

Tuy nhiên, dù thời tiết khắc nghiệt và phải đóng quân ở các tiền đồn với điều kiện tương đối thiếu thốn, các binh sĩ Hàn Quốc vẫn hưởng những điều kiện sinh hoạt và làm việc tốt hơn phía Triều Tiên.

"Hướng nam của khu DMZ, buổi tối luôn sáng nhờ những bóng đèn điện công suất cao. Thế nhưng ở phía bắc, các binh sĩ Triều Tiên phải sống giữa màn đêm đen kịt. Tôi không thể tưởng tượng nổi họ có thể làm gì với lượng ánh sáng quá ít ỏi như thế", Shin chia sẻ.

Khác biệt không chỉ dừng lại ở đó. "Chúng tôi được trang bị các ống nhòm quân sự có khả năng phóng to vật thể lên 200 lần và sở hữu cả hệ thống quang nhiệt nhằm phát hiện mọi chuyển động của binh sĩ Triều Tiên. Trong khi đó, phía Triều Tiên chẳng nắm trong tay phương tiện nào có thể sánh kịp", anh nói thêm.

Viết di chúc sớm

Cũng giống như mọi binh sĩ khác trên thế giới, Shin Yong-tae luôn phải đối mặt với nguy cơ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đến giờ, anh vẫn nhớ rõ cái ngày mà Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong, nơi hơn 1.000 người Hàn Quốc cư trú vào năm 2010.

"Tất cả chúng tôi đều đặt trong tình trạng báo động cao độ. Chúng tôi mặc nguyên bộ quân phục nằm ngủ và để trang bị chiến đấu ngay bên cạnh. Họ cũng đưa cho chúng tôi hai tờ giấy để viết di chúc. Hầu hết các binh nhì cặm cụi viết di chúc, còn những người cấp cao hơn như hạ sĩ hay trung sĩ thì hít thở sâu và đi ra ngoài hút thuốc" , Shin nhớ lại. Lúc đó, anh mới 21 tuổi.

Họ duy trì tình trạng báo động như vậy trong suốt một tuần. Shin thậm chí không thể tắm hoặc ăn trọn vẹn một bữa và luôn phải ẩn nấp đề phòng hỏa lực đối phương.

Nhưng Shin chia sẻ anh không cảm thấy hối tiếc về quãng thời gian làm nhiệm vụ ở khu DMZ.

"Người Hàn Quốc hầu hết chỉ nhìn thấy Triều Tiên và người dân của họ trên TV nhưng làm nhiệm vụ ở khu DMZ sẽ để lại cho bạn những ký ức khó quên về Triều Tiên. Mặc dù hai nước có bất đồng, binh sĩ Triều Tiên cũng như chúng tôi, họ đều là con người", anh nói.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ