Thảm họa Chernobyl là nỗi đau với biết bao con người, bao gia đình, ảnh hưởng lâu dài trong nhiều thế hệ, nhưng đâu đó trong tấn bi kịch này vẫn lẩn khuất những câu chuyện ít ai biết đến.
Chôn vùi làng Kopachi
Sau khi thảm họa Chernobyl diễn ra, người dân các khu vực xung quanh đều được di tản. Ngôi làng Kopachi nằm phía Tây Nam lòng chảo sông Pripya, vốn bị nhiễm phóng xạ nặng sau thảm họa, sẽ bị chôn vùi để giữ lượng phóng xạ dưới lòng đất. Trừ 2 toà nhà, gồm có một ngôi nhà gạch và một nhà trẻ, toàn bộ thị trấn bị san phẳng, sau đó được chôn xuống lòng đất. Tuy nhiên, việc này chỉ làm cho tình huống trở nên tệ hại hơn. Chính phủ nước này khi đó đã không lường trước được sự việc, bởi hóa chất phóng xạ sẽ ngấm vào mực nước ngầm ở khu vực này, thời gian nhiễm phóng xạ sẽ kéo dài hơn so với nếu không chôn những tàn tích của ngôi làng xuống lòng đất. Đất và nước xung quanh khu vực trước là làng Kopachi vẫn bị nhiễm xạ với các chất plutonium, stronium-90 và caesium-137. Các làng lân cận cũng gánh chịu số phận tương tự, mặc dù tình trạng nhiễm phóng xạ có thể nhẹ hơn phần nào.
Ngày nay, dấu vết duy nhất của ngôi làng là hàng loạt “nấm mồ” khổng lồ chôn vùi các tòa nhà cùng một vài loài cây, vốn không phải là thực vật bản địa, còn sống sót. Thứ còn lại duy nhất của thị trấn là biển cảnh báo phóng xạ được cắm ở các đống đất, nơi có các tòa nhà bị chôn vùi.
Tai họa từ một thử nghiệm thành công
Thử nghiệm đưa lò phản ứng hạt nhân số 4 của nhà máy nguyên tử Chernobyl vào hoạt động đã dẫn tới thảm họa. Tuy nhiên, oái oăm thay, ít ai biết rằng thử nghiệm này thực tế lại là một thử nghiệm nhằm tăng cường an toàn cho nhà máy. Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl có các máy phát điện diesel có khả năng cung cấp năng lượng cho các máy bơm làm mát trong trường hợp lò phản ứng bị mất điện.
Tuy nhiên, luôn một khoảng trống 1 phút giữa thời điểm lò phản ứng bị mất điện và máy phát điện kịp hoạt động hết công suất. Đây là một giai đoạn không thể chấp nhận được trong hoạt động của nhà máy điện. Vì thế, tua bin đã được chuyển đổi để nó có thể tiếp tục quay ngay cả khi điện đã mất. Dù chưa được chấp thuận, nhưng giám đốc nhà máy vẫn quyết định cho chạy đầy đủ thử nghiệm vì sự an toàn này.
Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, năng lượng đầu ra của lò phản ứng tụt thấp xuống hơn nhiều so với mức dự kiến. Do thiết kế của các lò phản ứng RBMK, điều này làm tăng sự bất ổn định của lò, nhưng hệ thống tự động của lò đã can thiệp kịp thời.
Mặc dù thử nghiệm này thành công, nhưng lò phản ứng đã phải chịu đựng một luồng năng lượng cực mạnh làm thổi tung mái lò, từ đó dẫn đến thảm họa năng lượng nguyên tử tệ hại nhất trong lịch sử loài người.
(Còn tiếp)