Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 1/2022

GD&TĐ - Trong tháng 1, một số chính sách giáo dục có hiệu lực. Trong đó có quy định về mẫu bằng tốt nghiệp; việc dạy và học tiếng của dân tộc thiểu số; tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng giáo viên;…

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Quy định về mẫu bằng tốt nghiệp

Thông tư 24/2020/TT-BLĐTBXH sửa đổi Thông tư 10/2017/TT-BLĐTBXH quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp bằng, trường phải công bố công khai thông tin về cấp bằng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử của trường và cung cấp các thông tin về cấp bằng tốt nghiệp trên hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp tại Trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp tại địa chỉ: http://vanbang.gdnn.gov.vn.

Thông tin công bố công khai về cấp bằng tốt nghiệp gồm các nội dung ghi trên bằng tốt nghiệp và phải được cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử bảo đảm dễ quản lý, truy cập, tìm kiếm. Trường hợp bằng tốt nghiệp được chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ thì phải được cập nhật trên trang thông tin điện tử.

Việc công bố công khai thông tin về cấp, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử được thực hiện đối với cả bằng tốt nghiệp đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đối với các chương trình đào tạo thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn việc cập nhật, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ thông tin về bằng tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử".

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số

Thông tư 32/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện một số Nghị định 82/2010/NĐ-CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Về chế độ chính sách

Đối với người dạy: Người dạy đảm bảo số giờ dạy theo định mức, trong đó có số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số từ 04 tiết/tuần trở lên đối với giáo viên; từ 02 tiết/tuần dạy tiếng dân tộc thiểu số trở lên đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương cơ sở ngoài chế độ phụ cấp khác theo quy định.

Không áp dụng chế độ phụ cấp này đối với giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương đã được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế;

Trường hợp người dạy tiếng dân tộc thiểu số có số tiết dạy vượt định mức quy định, số tiết dạy vượt định mức được thanh toán theo quy định hiện hành của nhà nước.

Đối với người học: Người học là người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục được nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phục vụ việc học tiếng dân tộc thiểu số.

Đối với cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ dạy học tiếng dân tộc thiểu số, thủ trưởng cơ sở giáo dục bố trí giáo viên dạy học tiếng dân tộc thiểu số đảm bảo đủ định mức theo quy định.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số quy định tại Thông tư này theo đúng quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng giáo viên

Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo đó, quy định giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;

Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT để dự xét thăng hạng phải đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở hạng đăng ký dự xét theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Như vậy, từ ngày 15/1, giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện như quy định hiện hành, chỉ cần được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước đó thay vì phải 3 năm liên tục. Đồng thời, phải đáp ứng điều kiện đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.