Những chính sách giáo dục có hiệu lực trong tháng 7/2022

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những chính sách giáo dục quan trọng sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2022 chủ yếu liên quan đến giáo dục đại học.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Thực hiện quy chế tuyển sinh mới

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non có hiệu lực từ 22/7/2022.

Quy chế và công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định, phát huy những ưu điểm, những thành công đã đạt được từ công tác tuyển sinh những năm vừa qua. Quy chế tuyển sinh điều chỉnh một số nội dung nhằm khắc phục những khó khăn và bất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo, hoàn thiện chính sách về tuyển sinh, bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh và công bằng giữa các cơ sở đào tạo, cũng như tạo sự minh bạch và đồng thuận trong xã hội.

Thứ nhất, thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến (trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia), tạo điều kiện ứng dụng CNTT, thuận tiện cho thí sinh ở mọi nơi, mọi lúc.

Thứ hai, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) đại học của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 hình thức đào tạo chính quy sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định, cụ thể là từ sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả thi và kết quả điểm phúc khảo (nếu có). Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng ĐKXT; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong một đợt (thay vì hai đợt như trước đây), thuận lợi cho thí sinh và cho các trường.

Thứ ba, tất cả các nguyện vọng ĐKXT (theo các ngành, theo các phương thức, các cơ sở đào tạo) của thí sinh trên toàn hệ thống được từng trường xét tuyển, sơ tuyển trước (nếu cần) và đưa lên phần mềm xử lý nguyện vọng - hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GDĐT (như năm 2021), và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. Như vậy, hệ thống hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể, mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau.

Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác, việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí - phí giữ chỗ.

Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, các trường cần phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp này; đảm bảo phương thức, tổ hợp xét tuyển lựa chọn được thí sinh có năng lực để học tập, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển. Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm; qua đó, tránh làm ảnh hưởng tới việc học tập, ôn luyện của các thí sinh.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Thứ năm, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường THPT rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập THPT của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nhằm hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển. Thí sinh sẽ không cần công chứng hoặc yêu cầu trường THPT xác nhận kết quả học tập (giảm thủ tục cho các trường THPT), giảm thủ tục hành chính cho các em thí sinh, khi đăng ký hồ sơ xét tuyển vào nhiều CSĐT khác nhau.Các CSĐT có sẵn kết quả học tập THPT để xét tuyển hoặc sử dụng để sơ tuyển mà không cần phải nhập từ học bạ của thí sinh, từ đó giúp tránh các sai sót, nhầm lẫn.

Thứ sáu, các trường cần quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, làm rõ cam kết từ phía trường, từ đó giúp thí sinh có cơ hội tốt hơn dù có thể rủi ro xảy ra cũng đã có phương án. Từ năm 2023, các trường xây dựng quy chế tuyển sinh của riêng CSĐT, dựa trên các nguyên tắc và yêu cầu tối thiếu quy định trong Quy chế tuyển sinh 2022 mà Bộ GD&ĐT ban hành, trong đó có quy định về xét tuyển cho các hình thức đào tạo khác, công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.

Thứ bảy, tiếp thu ý kiến của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh, để đảm bảo công bằng và quyền lợi của thí sinh trên mặt bằng chung của toàn hệ thống, Quy chế quy định từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thứ tám, việc tính mức điểm ưu tiên được điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau. Mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm mưu tiên bằng 0), cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Mức hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở trong nước, nước ngoài trình độ tiến sĩ, thạc sĩ

Thông tư 30/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030, có hiệu lực từ ngày 20/7/2022.

Nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài trình độ tiến sĩ và thạc sĩ như sau:

Học phí và các khoản có liên quan đến học phí: Thực hiện thanh toán theo hợp đồng ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với cơ sở đào tạo ở nước ngoài hoặc theo mức do cơ sở đào tạo ở nước ngoài thông báo trong giấy báo tiếp nhận học viên (chi bằng đồng đôla Mỹ hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại); tối đa không quá 25.000 đô la Mỹ/người học/năm học hoặc tương đương với đồng tiền của nước sở tại.

Trường hợp mức học phí cao hơn mức 25.000 đô la Mỹ/người học/năm thì mức chênh lệch học phí cao hơn do người học tự chi trả hoặc do cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trường hợp đặc biệt, cần thu hút và tạo nguồn giảng viên từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, thực hiện thanh toán theo mức học phí quy định của cơ sở đào tạo và trong phạm vi dự toán được giao.

Chi phí làm hộ chiếu, visa: Thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế của các nước nơi người học được cử đi đào tạo đối với chi phí làm visa.

Thông tư cũng quy định sinh hoạt phí cấp cho người học, bảo hiểm y tế bắt buộc; tiền vé máy bay đi và về; chi phí đi đường; các khoản chi khác phát sinh trong quá trình đào tạo.

Nội dung hỗ trợ đối với phương thức đào tạo tiến sĩ tập trung toàn thời gian ở trong nước được quy định như sau:

Học phí nộp cho các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét chọn tham gia các nhiệm vụ đào tạo của Đề án: Thực hiện thanh toán theo mức quy định của cơ sở giáo dục đại học, tối đa không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP .

Hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học bao gồm: Hỗ trợ kinh phí đề người học thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước; hỗ trợ kinh phí để người học đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài… Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học có thể huy động từ các nguồn đóng góp, hợp pháp khác để hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Bổ sung một số ngành đào tạo trình độ thạc sĩ

Nội dung này được quy định tại Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT quy định về Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 22/7/2022.

Theo đó, các ngành được bổ sung, sửa đổi vào Danh mục các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ gồm có:

Mã ngành 8140113: Giáo dục và phát triển cộng đồng.

Mã ngành 8310402:Tâm lý học lâm sàng.

Mã ngành 8380101: Luật.

Mã ngành 8460108: Khoa học dữ liệu.

Mã ngành 848010: Trí tuệ nhân tạo.

Mã ngành 8520138: Kỹ thuật hàng hải.

Mã ngành 8860103: Trinh sát kỹ thuật.

Mã ngành 8860107: Kỹ thuật Công an nhân dân.

Mã ngành 8860118: An ninh phi truyền thống.

Ngoài các mã ngành được bổ sung tại Danh mục đã sửa đổi một số ngành khác, gồm:

Mã ngành 8220241: Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu.

Mã ngành 8229042: Quản lý văn hóa.

Mã ngành 8229043: Văn hóa so sánh.

Mã ngành 8310110: Quản lý kinh tế.

Mã ngành 8720110: Y học dự phòng.

Mã ngành 8720115: Y học cổ truyền.

Mã ngành 8720212: Tổ chức quản lý dược.

Mã ngành 8860214: Biên phòng.

Mã ngành 8720157: Nhãn khoa.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Triển khai hình thức hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên

Ngày 23/5/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Thông tư có hiệu lực từ ngày 08/7/2022 và thay thế Quyết định 68/2008/QĐ-BGDĐT.

Theo đó, triển khai hỗ trợ các hoạt động đối với khởi nghiệp cho sinh viên ở các cơ sở giáo dục đại học, cụ thể:

Tổ chức tuyên truyền về các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên thông qua hoạt động đào tạo, hoạt động ngoại khóa, qua tài liệu và các phương tiện truyền thông.

Xây dựng chương trình đào tạo, chuyên đề bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn.

Giáo dục, nâng cao nhận thức, truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên thông qua triển khai “Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên”.

Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho sinh viên thông qua chương trình đào tạo, nghiên cứu tài liệu, hoạt động ngoại khóa, phương tiện công nghệ thông tin, hoạt động phối hợp với các đối tác.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Tổ chức thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp cho sinh viên thông qua hoạt động phối hợp với các đối tác; tổ chức cho sinh viên tham gia các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu khoa học kỹ thuật, dự án khởi nghiệp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ