Nhiều đề xuất về chính sách hỗ trợ giáo viên cơ sở giáo dục ngoài công lập

GD&TĐ - Ngày 24/6, tại TPHCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về chính sách nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen điều hành hội thảo.
Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen điều hành hội thảo.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, cả nước có khoảng 1,1 triệu thầy cô giáo, trong đó nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm khoảng 11%. Tuy nhiên chính sách đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo người nước ngoài vẫn còn một số bất cập, chưa đồng bộ trong hệ thống chính sách hiện có.

TS Vũ Minh Đức phát biểu tại hội thảo.
TS Vũ Minh Đức phát biểu tại hội thảo.

Báo cáo tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Chính sách, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã quan tâm, rà soát, kiến nghị điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chính sách nhà giáo ngoài công lập. Chính sách trên được hiện thực hoá qua các văn bản, từ thông tư đến các Nghị định... và Bộ đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu để đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo.

Theo số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu ngành, tính đến tháng 6/2022, cả nước có khoảng 160.000 nhà giáo đang làm việc trong cơ sở giáo dục ngoài công lập từ cấp học mầm non đến đại học (trong đó, có 150.584 giáo viên, giảng viên, 9.502 cán bộ quản lý giáo dục).

Đối với nhà giáo là người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 10.000 nhà giáo người tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và số lượng này có sự biến động thường xuyên.

Nhà giáo người nước ngoài làm việc trong nhiều đơn vị khác nhau: Cơ sở giáo dục ngoài công lập các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, đại học (bao gồm cả cơ sở có vốn đầu tư của Việt Nam và vốn đầu tư nước ngoài); trong các cơ sở giáo dục công lập có chương trình chất lượng cao, song bằng…

Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam có trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng với yêu cầu của công tác giảng dạy. Do đặc thù công tác tuyển dụng linh hoạt, có sự thay đổi, luân chuyển thường xuyên nên đội ngũ này (nhất là đội ngũ giáo viên cơ hữu) đa phần có tuổi đời, tuổi nghề trẻ, năng động, yêu nghề, nhiệt tình trong công tác; tác phong làm việc khoa học, tiếp cận nhanh với ứng dụng công nghệ trong hoạt động dạy và học.

Một số chế độ, chính sách đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài được thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành (được hưởng lương, phụ cấp theo thoả thuận hợp đồng lao động ký kết với nhà đầu tư, đảm bảo mức lương tối thiểu vùng theo quy định đối với người lao động, được tham gia bảo hiểm, an toàn vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ...). Các chính sách đặc thù của ngành Giáo dục (đào tạo, bồi dưỡng; tôn vinh, khen thưởng…) được áp dụng, thực hiện đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, người nước ngoài với các mức độ khác nhau tùy vào điều kiện của cơ sở giáo dục cũng như chủ trương của từng địa phương.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trong những năm gần đây, một số địa phương đã quan tâm, ban hành một số chính sách hỗ trợ riêng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Điển hình như TPHCM có chính sách hỗ trợ giáo viên dạy trẻ khuyết tật học hòa nhập cộng đồng ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ hàng năm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trẻ mầm non ngoài công lập và chính sách thu hút giáo viên mầm non trên địa bàn.

Tỉnh Bình Dương có chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động.

Tỉnh Thái Nguyên ban hành chính sách đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non dân lập, tư thục liên quan đến khu công nghiệp. Thành phố Hải Phòng có chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên mầm non dân lập, tư thục…

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách đối với nhà giáo ngoài công lập, người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập có quy mô nhỏ thì ngoài tiền lương theo thỏa thuận, giáo viên không có các chế độ chính sách hỗ trợ khác nên đời sống chưa đảm bảo. Cùng với đó tính ổn định về chính sách đối với đội ngũ này chưa được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Nhiều nhà giáo chưa yên tâm gắn bó với nghề hoặc phải đồng thời tìm kiếm công việc khác để đảm bảo duy trì cuộc sống.

Ngoài ra một số chính sách đặc thù của ngành Giáo dục như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng mặc dù không hạn chế đối với nhà giáo ngoài công lập, người nước ngoài nhưng số lượng nhà giáo được tiếp cận và thực hiện các chính sách này chưa nhiều, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách nhà giáo ngoài công lập, người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam của cơ quan quản lý giáo dục các cấp cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa có thông tin, dữ liệu đầy đủ về nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Trong đó, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa khai báo đầy đủ về số liệu nhà giáo người nước ngoài trên cơ sở dữ liệu ngành.

Quy định về nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành (kể cả Luật) chưa được tường minh. Một số quy định chung đối với nhà giáo chưa phù hợp với thực tiễn đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, người nước ngoài nên thiếu chế tài để thực hiện công tác quản lý đối với đội ngũ này.

Nhân sự (kể cả nhà giáo, cán bộ quản lý người nước ngoài) tại các đơn vị có nhiều biến động dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cũng như theo dõi, nắm bắt thông tin. Các chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội đối với nhà giáo ngoài công lập, người nước ngoài được thực hiện theo Luật doanh nghiệp, Luật Lao động và theo thỏa thuận giữa nhà giáo và cơ sở giáo dục nên trong trường hợp giáo viên bị thiệt thòi về chính sách, nhà nước cũng khó có thể kiểm soát hoặc can thiệp.

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Cần có chính sách để thầy cô yên tâm

Bà Đinh Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hiệp hội giáo viên mầm non ngoài công lập chia sẻ, thời gian qua Hội đặt ra những mục tiêu rõ ràng như: Nâng cao quản trị các cơ sở giáo dục mầm non, gắn kết cơ sở giáo dục mầm non để cùng nhau phát triển, thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non của chính mình mà còn của toàn ngành.

“Qua thực tế nắm bắt, chúng tôi nhận thấy nhiều giáo viên ngoài công lập ở bậc mầm non cảm thấy không an tâm. Mong rằng lãnh đạo Bộ GD&ĐT có những chính sách cụ thể để hỗ trợ các trường ngoài công lập nói chung, trong đó có hệ thống mầm non để các thầy cô cũng yên tâm như các thầy cô làm việc trong lĩnh vực công lập. Đồng thời có những chính sách tạo tâm lý an toàn hơn nữa cho các thầy cô tham gia lĩnh vực này. Bởi khi có những chính sách tốt, giáo viên cũng như các cơ sở giáo dục mầm non sẽ có hành lang pháp lý để hoạt động, cống hiến phát triển hơn nữa”, bà Đinh Thị Kim Thoa nhìn nhận.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Còn theo chia sẻ của bà Vũ Uyên Vy, Phó Trưởng phòng nhân sự, Trường Đại học Hoa Sen, trước đây, người nước ngoài vào Việt Nam được cấp giấy phép lao động có thời hạn 3 năm, tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây giảm xuống con 2 năm. Qua nắm bắt, các thầy cô mong muốn nhà nước tạo điều kiện được cấp giấy phép lao động đài hơn để tránh sự đi lại, tốn nhiều thời gian và chi phí để xin giấy phép.

“Trường Đại học Hoa Sen kiến nghị thời gian giấy phép cho lao động nước ngoài được 3 năm như trước đây. Đồng thời mong muốn có những văn bản, hướng dẫn để nhà trường nộp hồ sơ xin giấy phép hoạt động cho người nước ngoài bằng hình hình trực tuyến. Việc nộp trực tuyến sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí cũng như thu hút người nước ngoài” cô Vy đề xuất.

Kết luận hội thảo TS Vũ Minh Đức cho biết, vai trò của giáo dục ngoài công lập càng quan trọng, nhất là trong điều kiện sức ép về biên chế như hiện nay. Từ thực tế đó bắt buộc chúng ta đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục. Khối ngoài công lập cũng đứng trước sức ép lớn, từ tâm lý người dân gửi con vào các trường công lập yên tâm hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều trường ngoài công lập có chất lượng đào tạo rất tốt, thu hút được nhiều giáo viên.

“Có thể qua hội thảo chưa phản ánh hết mong muốn, tuy nhiên chúng tôi mong rằng trong thời gian tới đây sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các thầy, cô, nhà quản lý, nhà đầu tư đối với chính sách của nhà giáo tại các cơ sở ngoài công lập”, TS Vũ Minh Đức nhấn mạnh.

“Nhằm hoàn chỉnh chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo cả công lập và ngoài công lập, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án luật điều chỉnh về nhà giáo để trình chính phủ xem xét, báo cáo Uỷ ban Thường vụ quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn 2022-2025. Trong nội dung dự kiến của luật, sẽ có quy định về công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài. Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế trong giáo dục, thu hút nhà giáo nước ngoài có năng lực, trình độ tham gia vào các hoạt động giáo dục của Việt Nam”, TS Vũ Minh Đức chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.