Những chất liệu vẽ đang được ứng dụng toàn cầu

GD&TĐ - Vẽ nhằm chỉ hội họa lẫn đồ họa. Bài viết này đề cập chủ yếu những chất liệu vẽ đang phổ dụng cả thế giới.

Phú quý trường xuân. Tranh thủy mặc: Trương Hán Minh.
Phú quý trường xuân. Tranh thủy mặc: Trương Hán Minh.

Bài này cũng tạm chưa giới thiệu chì đen và chì màu, phấn tiên/pastel, cùng hàng loạt nguyên liệu mà sơn mài sử dụng như vỏ trứng, vỏ trai, vỏ ốc, bạc, vàng…

Màu nước

Tiếng Pháp gọi aquarelle, tiếng Anh gọi watercolor, màu nước có từ xa xưa, phát triển vào thời Trung cổ, thực sự trở thành chất liệu vẽ quy củ vào thời Phục Hưng.

Với chất liệu này, hạt màu không hòa tan được, mà mượn nước làm loãng chất kết dính. Màu nước có các đặc tính cơ bản là trong suốt, nhẹ nhàng, thuần khiết. Màu nước thường thể hiện trên giấy và vải; nếu giấy sản xuất từ cây dó - gồm những loại thực vật thuộc họ Trầm / Thymelaeaceae - thì gọi tranh dó; nếu vải là lụa thì gọi tranh lụa.

Mực đen tuyền, còn gọi mực xạ hoặc mực nho, cũng thuộc màu nước. Mực, tiếng Hoa ghi 墨 phiên âm Hán - Việt thành mặc. Nước, tiếng Hoa ghi 水, phiên âm Hán - Việt thành thủy. Thủy mặc trở thành quốc họa của Trung Hoa, lâu nay có những ảnh hưởng nhất định đến các quốc gia đồng văn như Nhật Bản, Hàn Quốc cùng Triều Tiên, Việt Nam.

Quý bạn đọc có thể tham khảo thêm sách “Vẽ màu nước” của A. A. Tơrôsitsep do Nguyễn Quyên dịch từ tiếng Nga (NXB Văn Hóa, 1981). 

Màu bột/Bột màu

Tiếng Pháp và tiếng Anh đều ghi gouache, màu bột giữ vai trò phụ trợ để các họa sĩ phác thảo, sơ thảo, tìm hòa sắc. Ấy là đối với các quốc gia chuyên sử dụng sơn dầu, chứ ở Việt Nam thì màu bột trở thành chất liệu độc lập.

Soạn sách Chuyện kỹ thuật trong hội họa (NXB Văn hóa, 1977), nhà nghiên cứu nghệ thuật, nhiếp ảnh gia, họa sĩ Lê Thanh Đức (1925 - 2004) nhận định: “Màu bột Việt Nam đa dạng, độc đáo, được các họa sĩ tìm tòi thể nghiệm nhiều: Có tác giả vẽ mỏng và mịn, có tác giả vẽ đặc cộm, có người phóng bút tung hoành thoải mái, có người trau chuốt nuột nà. Một hiện tượng rất Việt Nam là có họa sĩ gần như xây dựng toàn bộ sự nghiệp sáng tác bằng chất liệu màu bột”.

Có sức phủ rất cao và dễ quét đều trên diện rộng - 2 ưu thế trội bật ấy của màu bột, theo sách vừa dẫn, “không những là chất liệu tốt trong hội họa, mà còn là chất liệu khó thay thế trong nhiều thể loại thuộc nghệ thuật trang trí”.

Tuy nhiên, màu bột lại có 2 nhược điểm quan trọng mà Lê Thanh Đức chỉ rõ: “Một là gần như quy luật, bao giờ sắc màu lúc khô cũng biến động, không giống hẳn lúc ướt, mà biến theo chiều hướng bệch bạc, giảm độ thắm. Nhược điểm thứ hai là tranh màu bột rất kỵ ẩm (vì chất màu kết dính bằng keo hòa nước)”.

Chân dung nhà thơ, nhà báo Hàn Mạc Tử. Tranh acrylic: Lê Duy Đoàn
Chân dung nhà thơ, nhà báo Hàn Mạc Tử. Tranh acrylic: Lê Duy Đoàn

Màu keo

Tiếng Pháp và tiếng Anh đều ghi tempera, màu keo khắc phục nhược điểm của màu bột là sắc màu lúc khô không thay đổi so với lúc ướt. Ưu điểm đó có được do keo: Thuở xưa dùng lòng trứng (nguyên lòng hoặc chỉ tròng đỏ);

Thời Trung cổ còn pha thêm vào lòng trứng nào nhựa sung, nào dấm, nào bia; đến thế kỷ XIX thì dùng keo hữu cơ cazein chiết xuất từ sữa tươi; thời hiện đại được công nghệ hóa học cung ứng cho màu keo nhiều chất kết dính với giá phải chăng mà tác dụng rất hiệu quả.

Lê Thanh Đức viết trong sách vừa dẫn: “Về sử dụng, màu keo rất gần với màu bột: Cũng hòa với nước lã, cũng rất mau khô (còn khô nhanh hơn cả màu bột). Riêng trong sáng tác hội họa thì ở châu Âu đánh giá màu keo cao hơn màu bột”.

Sơn dầu/màu dầu

Tiếng Pháp ghi huile, tiếng Anh ghi oil, sơn dầu không thấm nước, có độ dẻo và độ che phủ mạnh, rất lâu khô.

Nguyên liệu sơn dầu được chế biến kỹ lưỡng từ đội ngũ có kiến thức cùng tay nghề chuyên biệt: Dùng các sắc tố, chủ yếu dạng bột khô, nghiền kỹ với dầu lanh/dầu gai và dầu cù túc/dầu cây óc chó.

Sơn dầu tốt cần nhiều yếu tố đồng bộ: sạch, nhuyễn mịn, đủ mềm, độ quánh đặc hợp ý họa sĩ. Lâu nay, Lefranc và Bourgeois là 2 thương hiệu sơn dầu của Pháp được xếp bậc nhất toàn cầu bởi đảm bảo yếu tố đồng bộ kia, đồng thời có bảng màu quá phong phú. Những hãng khác sản xuất sơn dầu như Reeve của Anh, Lukas của Tây Đức, Talens của Hà Lan…, cũng chứng tỏ uy tín.

Acrylic

Ghi theo tiếng Anh thì acrylic, tiếng Pháp thì acrylique, còn gọi màu 3D, được Lê Thanh Đức nhận định rằng “có thể coi là chất liệu hội họa tiên tiến nhất hiện nay”.

Hòa loãng bằng nước, nhưng acrylic đủ khả năng tổng hợp các đặc trưng của màu nước, màu keo, lẫn màu dầu. Acrylic càng chứng tỏ thêm ưu thế nhờ dễ tìm, giá rẻ, không độc hại, thân thiện môi trường, mau khô, sau khi khô chẳng bị  rạn nứt.

Dễ dàng vẽ acrylic lên bất kỳ nền đế nào, nên chất liệu này còn được dùng để trang trí áo quần mũ giày, móng tay chân, dụng cụ gia đình lẫn cơ quan…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ