Những câu trêu đùa người lớn đừng bao giờ nói với trẻ

Chị Phượng năm nay 29 tuổi, nhưng vẫn không quên được tuổi thơ của mình thường bị những bà hàng xóm trêu đùa “mẹ có em bé, mày sắp ra rìa rồi”, thế là lũ trẻ con khác lại cười ré lên.

Trẻ em cần được yêu thương. Ảnh: Thúy Hằng.
Trẻ em cần được yêu thương. Ảnh: Thúy Hằng.

“Những lúc bị trêu đùa như vậy, tôi tủi thân vô cùng. Tôi òa khóc rồi chạy về nhà úp mặt vào gối, khóc nấc lên, ai hỏi gì cũng không nói. Tôi chỉ biết là rất ghét em bé. Tôi luôn nghĩ là mẹ đẻ em bé xong thì không còn thương tôi nữa, tôi sẽ ra rìa như người ta nói”, chị Nguyễn Thanh Phượng, 29 tuổi, người bán cà phê mang đi trước Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8, TP.HCM, nhớ lại.

Chị Phượng kể, mẹ chị sinh em trai khi chị 9 tuổi, từ người được cưng chiều nhất nhà, bây giờ lại có em, cộng thêm phần suốt ngày bị trêu chọc là “ra rìa”, chị không yêu em trai của mình.

“Sau này, bà nội tôi kể lại, tôi tè dầm đến tận khi học lớp 8 mà không hiểu tại sao. Sau này bà đi hỏi nhiều người, người ta bảo không phải là bệnh gì, mà từ tâm lý muốn được người lớn quan tâm, muốn được nhõng nhẽo nên cố tình tè dầm để không bị mất vị trí trong lòng ba mẹ”, chị Phượng hồi tưởng.

Trêu đùa trẻ con “để xem nó có khôn không”

Câu chuyện của chị Phượng không phải là cá biệt. Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, nhà văn Lê Thanh Ngân (29 tuổi, ở Hà Nội) đồng thời là người mẹ của 2 con, tác giả của nhiều bài viết về cách nuôi dạy con, cho biết đến nay vẫn rất nhiều phụ huynh vẫn sai lầm, và trêu đùa trẻ con những câu tai hại như vậy.

Trong khi trẻ em không biết đùa, người lớn nói đùa, thì trẻ em vẫn đang nghĩ đó là thật.

Chị Ngân chỉ ra những câu trêu đùa của người lớn thường nhằm 2 mục đích, thứ nhất là xem phản ứng, cảm xúc của bé, theo cách mà họ hay biện minh là “Thử xem nó có khôn không?”.

Thứ hai là vừa đùa, vừa dọa nhằm làm cho bé sợ hãi mà phải ngoan ngoãn làm theo ý của người lớn, dọa để bé chịu ăn cơm, dọa để bé chịu đi ngủ, dọa để bé không gây ồn… Nhiều người lớn cho rằng những câu trêu đùa này cho vui, vô hại, thực ra vô cùng tai hại.

“Tôi từng gặp không ít bố mẹ dọa con "đi tiêm", "đi gặp bác sĩ", "không ngoan bắt đi học", "gọi cô giáo tới"… chỉ để con ăn hết bát cháo. Hậu quả là đứa trẻ sợ hãi mỗi khi phải đi học, gào thét lên mỗi khi phải đi tiêm và dù có ốm nặng phải đi viện cũng giãy đành đạch không cho bác sĩ chạm vào người… vì chúng bị ám ảnh bởi những câu dọa nạt của bố mẹ.

Chúng cứ nghĩ rằng cô giáo, bác sĩ, bệnh viện, trường học là những nơi đáng sợ trên đời”, nhà văn Lê Thanh Ngân kể.

Những câu đừng bao giờ trêu đùa trẻ: ‘Mẹ có em bé, mày sắp ra rìa rồi’ - ảnh 1

Trẻ em đi cùng cha mẹ trong một sự kiện hướng dẫn đọc sách cho con. Thúy Hằng.

Hoặc theo trường hợp khác, những đứa trẻ bị dọa quá nhiều, khi tự khám phá và học hỏi, chúng lại nhận thấy “hóa ra những thứ bố mẹ dọa không có thật”, chúng không còn tin vào những câu trêu đùa, dọa nạt của bố mẹ nữa.

Điều đáng sợ nhất chính là “chúng không sợ cả những thứ đáng sợ thật sự”. “Ví dụ, người mẹ nói "Không được hút thuốc, khói thuốc đáng sợ lắm" có khi đứa trẻ sẽ hút thử xem có đáng sợ như lời mẹ nói không.

Một khi đứa trẻ đã không tin những gì bố mẹ nói, đương nhiên, chúng sẽ không vâng lời, từ đó mà ương bướng hơn”, chị Lê Thanh Ngân trao đổi.

Cấu tím đùi của em bé vì bị trêu “mày bị ra rìa rồi”

Chị Thiệp Ngần, 36 tuổi, tạm trú trên đường Dương Bá Trạc, Q.8, TP.HCM, mẹ của hai em bé 10 tuổi và 7 tuổi, đang học tập ở một miền quê ở tỉnh Bình Phước chia sẻ mình ám ảnh không thể quên vì những lời trêu đùa của người lớn.

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, học ĐH ở Hà Nội, khi có gia đình thì sống tại TP.HCM và Bình Phước, chị Thiệp Ngần có cơ hội được quan sát, trải nghiệm văn hóa sống các vùng miền và rút ra kết luận, rất nhiều đứa trẻ ở các tỉnh nông thôn đồng bằng sông Hồng như chị, từng bị trêu đùa “mày sắp bị ra rìa rồi”, khi gia đình chuẩn bị có thành viên mới.

“Đó là một câu trêu đùa không tốt với trẻ em, đứa trẻ sẽ cảm thấy thật khủng khiếp, vì mình sắp không được yêu thương nữa. Nhiều đứa trẻ tôi biết về nhà đã cấu tím chân, đùi của em bé, để trả thù, hay đổ lỗi cho em, không dám nhận lỗi khi sai, vì sợ lại càng không được yêu, không yêu em, cứ cha mẹ vắng nhà lại đánh em”, chị Thiệp Ngần nói.

Cũng theo chị Thiệp Ngần, không chỉ trêu đùa “mày bị ra rìa”, nhiều người lớn ở các vùng quê đến nay vẫn có những cách làm tổn thương tâm lý rất lớn của đứa trẻ như hay tụt quần các bé trai để xem phản ứng của bé ra sao; thậm chí trêu đùa những bé gái tầm 13-14 tuổi như “mày cứ phẳng lỳ như sân bay Nội Bài thế này thì khó lấy chồng”.

Hãy dừng lại ngay trò trêu đùa trẻ con

Chị Lê Thanh Ngân đến nay vẫn không quên những trò trêu đùa ác ý của những người lớn xung quanh khi chị còn thơ bé: “Nhiều người lớn suốt ngày trêu tôi "Bố mày đi theo gái rồi", "Bố mày đi lấy vợ khác, bỏ mẹ con mày rồi", "Về bảo mẹ mày lấy chồng đi, bố mày không về nữa đâu", khi đó, trong tôi là sự thất vọng về bố, hình ảnh đẹp về bố bỗng vỡ vụn.

Tôi tổn thương và tủi thân khi nhìn các bạn có những ông bố thật tuyệt vời. Dần dần, tôi ghét bố, ghét những ông bố của người khác, ghét khi phải nhìn thấy niềm hạnh phúc của những gia đình có đầy đủ cả bố và mẹ, tôi trở nên ích kỷ, đố kỵ...”.

Theo chị Ngân, có những sự tổn thương tâm lý đi theo đứa trẻ cả đời, sau những câu trêu đùa.

“Một điều mà mọi cha mẹ cần nhớ, đó là luôn luôn tôn trọng trẻ, nói chuyện với trẻ bằng thái độ yêu thương chân thành, cởi mở, thẳng thắn, nghiêm túc sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc giúp trẻ tiếp nhận thông tin, phân biệt đúng - sai, thật - giả… trẻ sẽ ngày càng tin tưởng bố mẹ hơn.

Niềm tin và sự ngưỡng mộ sẽ khiến trẻ trở nên ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ mà không hề phải dọa nạt hay thúc ép nặng lời”.

Trong khi đó, chị Thiệp Ngần cho rằng dạy con nên người, trước hết là đặt mình vào vị trí của con trẻ để không làm tổn thương các em.

Theo Thanhnien.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ