Theo lịch trình, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng tống Obama sẽ gặp gỡ với một số doanh nhân trẻ tiêu biểu của Việt Nam và các thành viên thuộc Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á - YSEALI (do Tổng thống Obama sáng lập năm 2013) vào ngày 25/5.
Các bạn trẻ tiêu biểu đại diện những nhà lãnh đạo trẻ 9X Việt khu vực TP Hồ Chí Minh mỗi người mang một tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc riêng. Họ đã chuẩn bị những câu hỏi để có cơ hội trình bày/ đặt câu hỏi trực tiếp tới Tổng thống Obama.
Để xã hội văn minh, nền kinh tế phát triển năng động?
Cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, Lê Hoàng vô cùng hồi hộp, thấp thỏm mong đợi buổi gặp Tổng thống Obama.
Ở tuổi 21 tuổi, chàng trai Lê Hoàng đến từ thành phố Hồ Chí Minh vừa là một thủ lĩnh trẻ, vừa mang trong mình ước mơ khởi nghiệp. Chàng sinh viên ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia HCM vừa trở về từ chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á tại Mỹ với chủ đề “Doanh nghiệp xã hội và phát triển kinh tế” tại ĐH Connecticut, Hoa Kỳ.
Anh chàng là người CLB Flagship Startup, tổ chức chuyên thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các bạn sinh viên trẻ. Ở tuổi 17 – Hoàng mở quán café đầu tiên; tuổi 19 – trở thành thủ lĩnh của một trong 2 nhóm Việt Nam tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Tổng thống Mỹ Bill Clinton tổ chức tại Thượng Hải; 20 tuổi – mở 1 trung tâm tiếng Anh xã hội và tham gia hội nghị dành cho Lãnh đạo trẻ châu Á tại Hong Kong.
Mang đầy nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ, anh chàng này mong muốn sẽ được truyền cảm hứng nhiều hơn từ người đàn ông quyền lực thế giới Obama.
Trước khi buổi gặp Tổng thống Mỹ diễn ra, Lê Hoàng vô cùng hồi hộp, thấp thỏm mong đợi. Hoàng cho rằng, các bạn trẻ ở YSEALI rất tiềm năng, nếu được liên tục truyền cảm hứng, các bạn sẽ làm được những điều tuyệt vời hơn nữa.
“Em sẽ hỏi ông làm cách nào để tụi em, với khả năng của mình, xây dựng được một xã hội tiến bộ hơn, văn minh hơn, và xây dựng một nền kinh tế năng động hơn, phát triển hơn”, Hoàng chia sẻ.
Cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường?
Nguyễn Hoàng Tâm Đan (ngoài cùng bên phải)
Nữ sinh Nguyễn Hoàng Tâm Đan (hiện đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Luật thương mại quốc tế tại Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP. HCM) rất mến mộ tài trí của Tổng thống Mỹ.
Tâm Đan nể phục vị nguyên thủ nước Mỹ vì ông trải qua nhiều vất vả để trưởng thành và đạt được nhiều thành tựu, nên mỗi lần nghĩ đến ngày hôm được gặp gỡ Tổng thống Obama cô vô cùng hào hứng.
Đan tâm sự: “Việc được chọn tham gia gặp mặt với Tổng thống Obama là điều không bao giờ em nghĩ tới. Trong đầu em cứ tưởng tượng đủ mọi thứ về ngày hôm đó, từ lúc an ninh kiểm tra cho đến khi vào được khán phòng; em còn tưởng tượng ra cảnh ông Obama đứng trên bục trình bày những vấn đề nổi cộm của Đông Nam Á hiện nay và gợi ý, đề xuất hướng giải quyết cho tụi em - với vai trò là những người trẻ của đất nước”.
Tuy theo học luật kinh tế nhưng mối quan tâm của nữ sinh này tập trung vào vấn đề môi trường, quyền trẻ em cũng như phát triển bền vững của đất nước.
Tham gia buổi gặp mặt sắp tới, “thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ trong lĩnh vực giáo dục và phát triển bền vững nhằm cân bằng giữa sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường” là vấn đề mà Tâm Đan muốn bày tỏ với Tổng thống Mỹ. Bởi theo cô gái 9X, “đây là những vấn đề không chỉ Việt Nam mà bất kỳ quốc gia đang phát triển nào cũng phải trải qua khi hội nhập, nhất là khi chúng ta lại ở vị thế yếu hơn so với các cường quốc khác”.
Mong muốn phát triển hợp tác y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Phan Triệu Phú mong muốn Việt - Mỹ phát triển hợp tác y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng mạnh mẽ hơn nữa.
Chưa từng nghĩ có cơ hội sẽ được gặp Tổng thống Mỹ Obama, chàng trai 23 tuổi Phan Triệu Phú bộc bạch, đó là điều vốn chỉ là trong ước mơ thuở bé. Khi trưởng thành, Phan Triệu Phú mang theo ước mơ vươn xa thành công dân toàn cầu và ngoại ngữ chính là chìa khóa biến điều ước thuở bé thành hiện thực.
Phan Triệu Phú là chàng thủ lĩnh trẻ với nhiều ý tưởng táo bạo, thiết thực cho cộng đồng. Phú cùng nhóm bạn của mình từng Giải nhất cuộc thi Master Project tại Hội Thảo “Yseali Generation for 21st Century” tại Bangkok, Thái Lan năm 2015 với ý tưởng định hướng nghề nghiệp, giới thiệu cơ hội việc làm và kết nối giới trẻ với toàn thế giới thông qua các diễn đàn.
Những thành tích xuất sắc và sáng kiến cho các vấn đề nổi cộm trong khu vực giúp chàng Phan Triệu Phú được Lãnh sự quán Việt Nam chọn là gương mặt đại diện giới trẻ Việt Nam khu vực TP Hồ Chí Minh gặp gỡ Tổng thống Mỹ Obama.
Nói về nguyện vọng của mình đã chuẩn bị để gửi gắm đến Tổng thống Mỹ trong buổi gặp mặt sắp tới, chàng trai Bình Đình cho hay: “Mong muốn trong tương lai Mỹ sẽ có những hợp tác mạnh mẽ hơn trong vấn đề y tế, đào tạo đội ngũ nhân viên y tế Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân Việt Nam”.
Mong muốn gần gũi, thiết thực…
Nữ sinh Nguyễn Hải Hường muốn đặt liền 2 câu hỏi tới Tổng thống Obama nếu có cơ hội.
Ở tuổi 21, được gặp Tổng thống Obama với Nguyễn Hải Hường (sinh viên trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh - Học viên Fulbright YSEALI Summer School 2015) cũng như một giấc mơ đầy bất ngờ mà đến hiện tại, cô nữ sinh này vẫn không nghĩ đó là sự thật.
Hải Hường từng là Đại biểu Model ASEAN Summit lần thứ nhất, Trung tâm Hoa Kỳ; đại diện Việt Nam tham dự Chương trình bạn cùng phòng sinh viên Hoa Kỳ, CET Academic Programs, học kỳ mùa xuân 2016.
Không gửi gắm nguyện vọng nào về vấn đề ngoại giao vĩ mô giữa hai nước, Hường chuẩn bị 2 câu hỏi rất gần gũi dành cho bản thân cô cũng là cho những người trẻ.
Câu hỏi thứ nhất nữ sinh này chuẩn bị như sau: “Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI) là quỹ do Tổng thống Obama lập nên. Vậy hết nhiệm kỳ này của ông, tương lai quỹ có được duy trì không? Nếu quỹ không được duy trì thì những thành quả, công sức quỹ gây dựng trong thời gian qua liệu có còn ý nghĩa”?
Từng tham dự Chương trình bạn cùng phòng với sinh viên Hoa Kỳ, nữ sinh Việt có cơ hội tiếp xúc (ở cùng phòng) với một bạn sinh viên gốc Mỹ đang học đại học ở Trung tâm Washington DC.
Là một người trẻ xuất sắc, sinh viên này từng 4 lần vào thăm Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Vô cùng hâm mộ và thường xuyên mở nghe các bài diễn thuyết của Obama, sinh viên gốc Mỹ có ước nguyện rằng “trước khi chết sẽ được gặp Obama”.
Do đó, Nguyễn Hải Hường cảm thấy rằng, một người trẻ Việt Nam như mình đã có may mắn được gặp Tổng thống Obama, vậy mà ngay trên đất Mỹ cũng có những sinh viên xuất sắc, nỗ lực hết mình vẫn chưa có cơ hội gặp ông.
“Ông suy nghĩ gì về những người công dân, người trẻ trên đất Mỹ?” là câu hỏi thứ 2 Hường muốn gửi đến vị Tổng thống Mỹ da màu đầu tiên.