Hiện nay, khi kiểm tra đầu tiết dạy, giáo viên thường sử dụng cách truyền thống là gọi 1 hoặc 2 học sinh lên bảng trả lời câu hỏi bài cũ, hoặc nêu câu hỏi sau đó lấy tinh thần xung phong của học sinh.
Theo cô Sáng, cách kiểm tra này hiệu quả không cao vì: Nhiều học sinh không học bài cũ do nghĩ có thể không đến lượt mình, một số lại học đối phó bằng cách học bài cũ một hôm để xung phong lên bảng lấy điểm cao sau đó có thể không cần học bài cũ nữa…
Mặt khác, cách kiểm tra này vừa tốn nhiều thời gian, lại gây tâm lí căng thẳng cho học sinh, không thể kiểm tra được nhiều em cùng một lúc.
Để khắc phục các nhược điểm này, giáo viên có thể thực hiện theo 2 cách như sau:
Gọi cùng lúc 4 học sinh lên bảng
Giáo viên gọi một lượt 4 học sinh lên bảng. Giáo viên đưa ra câu hỏi chung cho tất cả, học sinh nào trả lời được trước thì giáo viên cho phép về chỗ. Các học sinh còn lại sẽ trả lời các câu hỏi phụ hoặc bổ sung cho bạn trả lời trước.
Sau khi học sinh trả lời xong, giáo viên nhận xét, bổ sung để khắc sâu kiến thức cho học sinh, đồng thời cho điểm. Học sinh trả lời nhanh và hoàn chỉnh nhất được cho điểm vào cột M1. Các học sinh khác được cho điểm vào cột M2.
Đây là hình thức kiểm tra đơn giản nhất, dễ thực hiện, có thể áp dụng cho việc kiểm tra bài cũ hoặc củng cố bài. Với cách này học sinh sẽ bớt đi tâm lý lo sợ, e ngại khi kiểm tra miệng và có được nhiều sự lựa chọn hơn.
Cả giáo viên và học sinh cùng tham gia kiểm tra bài
Với cách này, giáo viên gọi học sinh trả lời một câu hỏi kiến thức đã được học và củng cố rất kỹ trong tiết trước (5 điểm), câu thứ hai do một bạn (đang ngồi dưới lớp) hỏi 2 điểm), câu 3 do chính học sinh được gọi hỏi một bạn khác (đang ngồi dưới lớp) (3 điểm).
Số điểm mà em học sinh này đạt được sẽ được ghi vào cột M1, số điểm mà 2 học sinh khác do đặt câu hỏi đúng hoặc trả lời đúng sẽ được ghi vào cột M2. Sau một thời gian quen dần cần nâng cao yêu cầu câu hỏi của học sinh đặt ra cho bạn mình.
Lưu ý: Khi thực hiện cách kiểm này, giáo viên cần linh hoạt gợi ý cho học sinh đặt câu hỏi cho phù hợp với nội dung cần kiểm tra, để không bị lạc đề và đỡ tốn thời gian vào bài mới.
Cách kiểm tra để tự học sinh đặt câu hỏi này không chỉ áp dụng cho kiểm tra miệng mà còn có thể áp dụng với cả khi kiểm tra củng cố cuối bài.
Để phát huy hơn nữa tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, giáo viên có thể ra bài tập về nhà cho các em như sau:
Dựa vào phần bài học mỗi em sẽ ra 5 câu hỏi tương tự, 2 câu trắc nghiệm khách quan, 3 câu tự luận, vừa vận dụng lý thuyết, vừa có liên hệ thực tế.
Tiết học tiếp theo, giáo viên sẽ thu toàn bộ và chọn ngẫu nhiên bài của một số học sinh, sau đó gọi học sinh cầm những câu hỏi đó để làm bài kiểm tra miệng của mình.
Cả lớp cùng tham gia kiểm tra miệng
Giáo viên gọi 5 - 6 học sinh lên ngồi các dãy bàn đầu, mỗi học sinh mang theo 1 tờ giấy có đánh số thứ tự từ 1 đến 10, học còn lại sẽ cùng làm và dùng vở nháp để ghi các đáp án tương ứng.
Giáo viên đọc các câu hỏi lần lượt từ 1 đến 10 và yêu cầu học sinh ghi các đáp án tương ứng. Sau đó, thu bài của học sinh được gọi lên và 1 vài bài của học sinh ngồi bên dưới để chấm điểm.
Mỗi câu đúng tương ứng với 1 điểm. Sau đó giáo viên có thể ra thêm câu hỏi phụ với nội dung kiến thức khó hơn, khuyến khích học sinh xung phong trả lời lấy điểm cao hơn.
Bằng cách này, giáo viên có thể kiểm bài cũ hoặc kiểm tra miệng phần củng cố bài bằng các câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn hoặc các câu hỏi có phần trả lời ngắn gọn.