Trong đó, các đại biểu tập trung vào những vấn đề đang tồn tại nhiều khó khăn như: Các trường Trung cấp, CĐ nghề, vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa; Sáp nhập trung tâm GDTX – GDNN còn chồng chéo trong quản lý; Việc cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ hiện nay chưa có sự thống nhất và khó khăn trong việc tổ chức trung tâm học tập cộng đồng, xóa mù chữ.
Cần có quy chế hoạt động đối với cơ sở GDTX
Thảo luận tại Hội nghị, đại biểu của nhiều Sở GD&ĐT trên cả nước phản ánh việc các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề vừa dạy nghề vừa tham gia dạy văn hóa bổ túc chương trình THPT. Trên thực tế, đây là một cách thức thu hút tuyển sinh của nhiều trường nghề đến đối tượng học sinh phân luồng. Theo đó, học sinh vào học các trường này sẽ vừa có bằng cấp nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, hầu hết các trường nghề không đủ năng lực để tổ chức dạy văn hóa cho học sinh, do thiếu điều kiện về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên. Việc dạy học này chủ yếu được thực hiện bằng cách liên kết với các trung tâm GDTX-GDNN.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị |
Trong khi bản thân các trung tâm này cũng mới chủ đáp ứng được nhu cầu học sinh của mình, thậm chí còn thiếu giáo viên và đang phải hợp đồng thỉnh giảng.
Điều này ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà thể hiện rõ trong kết quả thi THPT quốc gia. Các Sở GD&ĐT đề nghị Bộ sớm có chỉ đạo để các trường nghề, Trung tâm GDTX-GDNN được thực hiện đúng vai trò, chức năng của từng bên.
Ông Nguyễn Văn Thêm – Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết: Số học sinh phân luồng sau THCS, THPT vào học các trường nghề ngày càng đông. Trong khi ác Trung tâm GDTX không đáp ứng thêm được việc dạy văn hóa cho các trường CĐ , trung cấp.
"Vì vậy, đối với Bắc Giang, chúng tôi đề xuất vẫn để cho các trường TC, CĐ dạy văn hóa phải đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ và về phía Sở GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng", ông Thêm cho hay.
Học sinh học nghề tại Trung tâm GDTX-GDNN huyện Diễn Châu, Nghệ An |
Về vấn đề sáp nhập Trung tâm GDTX – GDNN cũng được nhiều đại biểu quan tâm, nêu ý kiến. Trong đó tập trung nhất là đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành quy chế hoạt động của các trung tâm này.
Lý do trong thời gian qua, sau khi thực hiện sáp nhập đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo trong quản lý. Một trung tâm vừa thuộc quản lý của Sở GD&ĐT, Sở LĐ, TB&XH, UBND địa phương, thậm chí cả Phòng GD&ĐT huyện, thành, thị. Vấn đề này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chất lượng của các Trung tâm GDTX-GDNN.
Chấn chỉnh hoạt động trung tâm ngoại ngữ, tin học
Về đào tạo tin học, ngoại ngữ, đại biểu của Sở GD&ĐT nhiều địa phương đề cập đến vấn đề quản lý các trung tâm (chủ yếu là ngoại ngữ) mở thêm chi nhánh mới; Về quản lý liên kết đào tạo đối với trung tâm ngaoij ngữ nước ngoài liên quan đến quản lý giáo viên bản địa, về văn hóa, tính pháp lý... Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay cũng đang tồn tại nhiều bất cập.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng có ý kiến trao đổi với các Sở. Theo đó, trước hết phải khẳng định hoạt động và sự phát triển của các trung tâm tin học, ngoại ngữ đã góp phần to lớn cùng với hệ thống trường công nâng cao năng lực học sinh.
Đại biểu Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị |
Vì vậy, ngành giáo dục cần có sự quản lý tốt, vừa đúng theo quy định, nhưng cũng tạo điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng của những trung tâm này.
Đối với sự mở rộng hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Chúng tôi sẽ xây dựng bộ quy chuẩn để đánh giá các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Các Sở GD căn cứ vào quy chuẩn đó để quyết định trung tâm nào được phép hoạt động, trung tâm nào phải dừng”.
Về cấp chứng chỉ tin học ngoại ngữ, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng cũng nhấn mạnh cần thiết phải chấn chỉnh. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Riêng với các khung chứng chỉ A, B, C đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Ngoài ra, một số Sở GD&ĐT cũng đề xuất Bộ cần có quy định khung chuẩn Tiếng Việt cho học sinh nước ngoài học tập tại Việt Nam. Đơn cử như tại Hà Tĩnh hiện đang có khoảng 4.000 học sinh Lào đang học tập tại các trung tâm, trường ĐH, CĐ. Để đào tạo hiệu quả thì những học sinh này phải đảm bảo tiếng Việt theo một mức quy chuẩn nhất định. Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cho biết Cục Quản lý chất lượng đang tiến hành xây dựng, dự kiến đến tháng 6/2020 sẽ có văn bản hướng dẫn về cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt.
Giữ gìn và phát huy tầm quan trọng của hệ thống GDTX
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận những ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các Sở GD&ĐT. Thứ trưởng cũng nhìn chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong công tác GDTX hiện nay và đề nghị toàn ngành cần đổi mới tư duy đào tạo theo khả năng sang đào tạo đáp ứng yêu cầu công việc.
Học sinh GDTX tại Nghệ An trong giờ học văn hóa |
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và phải giữ hệ thống GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân để đảm bảo quyền lợi được học tập bình đẳng cho mọi đối tượng. Tuyệt đối không sáp nhập các trung tâm GDTX với trường trung cấp vì các trường trung cấp và cao đẳng nghề chỉ đào tạo nghề không có khả năng chức năng dạy văn hóa.
Riêng với những bất cập hiện nay đối với những trung tâp đã sáp nhập, nhất là vấn đề chồng chéo trong phân công nhiệm vụ, thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Khi Luật Giáo dục có hiệu lực, Bộ sẽ có trách nhiệm về chất lượng giáo dục đào tạo đối với trung tâm và sớm có văn bản hướng dẫn về quy chế hoạt động theo đúng các quy định và văn bản hiện hành.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng đề nghị sau hội nghị, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đưa ra các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo triển khai nhiệm vụ đối với GDTX hiệu quả trong năm học tới.