Xây dựng cả nước thành một xã hội học tập: Bước đột phá

GD&TĐ - Những nội dung về giáo dục thường xuyên (GDTX) được bổ sung trong Luật Giáo dục 2019 đã bám sát yêu cầu thực tiễn và sẽ tạo ra những đột phá cho GDTX phát triển. Đây là khẳng định của bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX.

Luật mới thúc đẩy xây dựng cả nước thành một xã hội học tập. Ảnh: ITN
Luật mới thúc đẩy xây dựng cả nước thành một xã hội học tập. Ảnh: ITN

* Luật Giáo dục 2019 vừa được Quốc hội chính thức thông qua. Bà đánh giá thế nào về những điểm mới, tác động đến lĩnh vực GDTX?

- Luật Giáo dục 2019 có những điểm mới cập nhật hệ thống luật thế giới, đặc biệt trong vấn đề hoàn thiện mạng lưới trung tâm GDTX. Cụ thể ở Khoản 1, Điều 44 quy định bên cạnh mạng lưới trung tâm GDTX, trung tâm GD ngoại ngữ - GDTX, trung tâm học tập cộng đồng còn có những trung tâm khác thực hiện chương trình GDTX. Khoản 3, Điều 65 đã quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục bao gồm trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX.

Tại Khoản 1, Điều 6 đã mở rộng và làm rõ tính chất mở liên thông của hệ thống giáo dục quốc dân; khẳng định “hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và GDTX”.

Trong bối cảnh đất nước chuyển sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần có nhiều giải pháp để phát triển GDTX, thúc đẩy việc học tập của người lớn trong giai đoạn tới. Tại Điều 46, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 quy định các chính sách phát triển GDTX từ phía Nhà nước, các cơ quan tổ chức, qui định vai trò của hệ thống cơ sở giáo dục chính quy (giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp) tham gia phát triển hệ thống học liệu và đội ngũ giáo viên GDTX.

Bên cạnh đó, phải kể tới các quy định mới trong việc công nhận kết quả học tập của GDTX tương đương với các cấp học và trình độ đào tạo chính quy (cụ thể là được cấp bằng tốt nghiệp THPT, bằng đại học (được quy định tại Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018). Việc này hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm của quốc tế.

* Luật mới được ban hành và tới đây sẽ có hiệu lực thi hành. Vụ GDTX dự kiến những việc gì để Luật đi vào cuộc sống?

Bà Vũ Thị Tú Anh.

- Song song với quá trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục, chúng tôi cũng đã xúc tiến xây dựng Bộ chỉ số phát triển GDTX có tham chiếu quốc tế. Với bộ chỉ số này cùng với các chuyên gia và tiểu ban GDTX thuộc Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi đã tư vấn cho Bộ và Chính phủ xác định rõ hơn mục tiêu, phạm vi và tính chất của GDTX.

Thêm vào đó, chúng tôi đang tích cực hoàn thiện chiến lược phát triển GDTX 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và cụ thể hoá kế hoạch phát triển GDTX 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời trình Bộ trưởng tham mưu cho Đảng, Nhà nước và phối hợp với các cơ quan ban ngành khác bảo đảm thực hiện xây dựng thiết chế cho một xã hội học tập suốt đời, trong chiến lược phát triển ngành Giáo dục nói chung.

Trong phạm vi chức năng và thẩm quyền, Vụ sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ và Chính phủ để ban hành các văn bản pháp luật để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc đưa Luật Giáo dục sửa đổi 2019 vào cuộc sống; bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời mà GDTX giữ vai trò nòng cốt.

Bên cạnh các nhiệm vụ chiến lược kể trên, trước mắt chúng tôi nhận thấy có một nhiệm vụ hết sức cấp bách là giúp cho công dân Việt Nam tiếp cận với quốc tế thông qua việc phổ cập tiếng Anh. Đồng thời cần giúp cho người dân thích ứng với cuộc cách mạng 4.0 thông qua trang bị những kiến thức về công nghệ và tin học.

* Để hiện thực hóa những điều trên, cần có những biện pháp thực hiện từ cơ chế cho đến chính sách. Vụ sẽ đề xuất những gì, thưa bà?

- Có thể nói, GDTX cũng giống như việc phòng bệnh trong lĩnh vực y tế. Chúng tôi nhận thức rõ rằng GDTX có nhiệm vụ giải quyết những bài toán mà giáo dục chính quy không bao quát hết như vấn đề về quy mô, số lượng, tính chất đại chúng của nền giáo dục mở, liên thông. Trong bối cảnh chung, chúng tôi mong muốn Chính phủ và Bộ sẽ tiếp tục có những đánh giá và đầu tư thoả đáng hơn nữa để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời.

Cụ thể, chúng tôi mong muốn Chính phủ có được chính sách để phát triển đội ngũ giáo viên cho lĩnh vực này. Đối với giáo dục chính quy chúng ta yêu cầu cao về bằng cấp và trình độ học thuật trong khi đối với học tập suốt đời thì mọi người dân đều có thể trở thành chuyên gia, trở thành người dạy với kiến thức và kinh nghiệm cụ thể của họ, và khi họ truyền đạt những kiến thức kinh nghiệm đó cho những người xung quanh thì chúng ta đã đạt được mục tiêu giáo dục cần.

Với những nhận thức như vậy, chúng tôi hiểu rằng cơ sở hạ tầng và thiết chế mà GDTX cần chính là phải bắt đầu từ nhận thức của Chính phủ và đầu tư của Nhà nước cho hệ thống GDTX, đặc biệt là Chính phủ cần tham mưu với Quốc hội ban hành 1 đạo luật về học tập suốt đời để tiếp tục thể chế hoá quy mô, tính chất và phạm vi hoạt động của GDTX đáp ứng yêu cầu và nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của người dân, xây dựng thành công cả nước thành một xã hội học tập.

* Xin cám ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.