Với 15 bức sơn dầu được sáng tác trong thời gian khoảng 2 năm, Mai Đại Lưu không chỉ đem đến một “vườn mộng ảo”, mà ở đó những vỉa tầng không gian về thiên nhiên - tình yêu - con người cũng thật đa nghĩa.
Giá trị không ở kích thước
Trong không gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), 15 bức tranh trong triển lãm “Vườn mộng ảo”, đa số là cỡ lớn, có bức dài tới gần 8,5m không chỉ khiến công chúng phải choáng ngợp trước thế giới của sắc màu, mà còn dẫn người xem vào một thế giới khác - thế giới tưởng tượng không có thật.
Trong “Vườn mộng ảo”, có một bức tranh chữ mà họa sĩ Mai Đại Lưu cho rằng, có thể khái quát hoặc là đúc kết cho toàn bộ ý tưởng 15 tác phẩm. Tranh ấy vỏn vẹn 9 chữ: “Mộng ảo là những tưởng tượng không có thật”.
Riêng người xem có thể coi đây như một slogan, hoặc như một chiếc biển cảnh báo, rằng đây là thế giới mộng ảo, hoàn toàn tưởng tượng, và chú ý rằng nó không có thật.
Mộng ảo là mơ, tưởng tượng thì chỉ là tự nghĩ ra, nhưng với 15 tác phẩm hội họa kia là có thật. Người xem dễ rơi vào trạng thái nửa hư nửa thực của một thế giới huyền hoặc, dễ bước vào một không gian với những vỉa tầng đa nghĩa, đa sắc thái để hòa cùng những ý niệm sáng tạo mà nghệ sĩ đã gửi gắm.
Những tác phẩm khá lớn với chiều ngang 4m, cao hơn 4m, bên cạnh đó cũng có bức to nhất kích thước lên tới 3m x 8,48m khiến “Vườn mộng ảo” thực sự trở nên kỳ thú, mông lung với cảm giác như cái bẫy chuẩn bị sập xuống.
Trong khu vườn ấy, thiên nhiên hoa lá, hoa thơm cỏ lạ bày ra trước mắt như miếng mồi nhử. Bởi vậy, xem những bức tranh lớn không hề đơn giản, cần một cái nhìn đa chiều và rộng mở để cảm thụ nghệ thuật theo cách riêng.
Nói về lý do thực hiện những bức tranh cỡ lớn, họa sĩ Mai Đại Lưu thổ lộ: “Thật ra trong một số câu chuyện trước, tôi cũng không làm tác phẩm có kích thước nhỏ bởi nó không giải quyết được vấn đề mà tôi mong muốn, cũng không thể chuyển tải được cảm xúc, câu chuyện tới người xem. Cũng vì thế mà tôi sử dụng tranh khổ lớn để giải quyết vấn đề của mình”.
Trải qua các giai đoạn vẽ theo lối hiện thực, siêu thực, giờ đây Mai Đại Lưu không muốn nhìn thế giới trong trật tự thông thường và yên tĩnh. Anh để tất cả đảo lộn, để những hình hài méo mó, phi giới tính, những gương mặt kỳ dị phô trên mặt toan.
Mai Đại Lưu nói rằng: “Mộng ảo hôm nay là tiếp nối nhiều tầng không gian, tưởng tượng hóa và giải quyết các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và giữa con người - thiên nhiên - với các đấng tối cao trong vũ trụ. Hơi thở nhịp nhàng như dòng chảy trong suốt của màu và âm thanh”.
Với những tác phẩm lớn điều khó khăn nhất là phải có một không gian xưởng đủ lớn để khi vẽ một cách thoải mái nhất và tầm mắt nhìn để bao quát toàn bộ. Yếu tố quan trọng nữa là với tác phẩm lớn cần một thời gian hoàn thiện rất dài, có khi mất 6 tháng đến 1 năm để làm việc. Nó đòi hỏi sự tập trung dài và duy trì cảm xúc sáng tác trong suốt thời gian đó.
Những bức tranh của Mai Đại Lưu được sắp đặt san sát nhau thành một dải dày đặc, liên tiếp như một câu chuyện nối dài vô tận. Họa sĩ phải tiêu tốn nhiều năng lượng, thời gian và vật liệu màu. Tuy nhiên, Mai Đại Lưu cũng thẳng thắn: “Tôi nghĩ rằng trong hội họa kích thước hay chất liệu không quan trọng và không tạo nên giá trị tác phẩm mà chỉ có nội dung ý tưởng mới tạo nên giá trị tác phẩm”.
Ám ảnh từ những tưởng tượng
Ý niệm sáng tạo của Mai Đại Lưu vô cùng sâu sắc trong mỗi tác phẩm. |
Họa sĩ Mai Đại Lưu sinh năm 1983, tại Nam Định. Hiện, anh đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội, xưởng vẽ của anh ở Phú Thượng (Tây Hồ). Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2012, sau đó lấy bằng Thạc sĩ Mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2015 chuyên ngành Hội họa. Anh tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật vì cộng đồng và nhiều triển lãm cá nhân, nhóm, trại sáng tác quốc tế trong và ngoài nước.
Từ triển lãm cá nhân đầu tiên “Bay trên bầu trời” năm 2017, hay “Tôi là Mai Đại Lưu” năm 2020, “Trong rừng sâu” năm 2022, đến nay triển lãm “Vườn mộng ảo” có thể thấy sự trưởng thành về tư duy tạo hình, tổng thể màu sắc, cách xử lý bề mặt và chiều sâu trong nội dung của Mai Đại Lưu.
Trải qua các giai đoạn vẽ theo lối hiện thực, siêu thực, giờ đây Mai Đại Lưu không muốn nhìn thế giới trong trật tự thông thường và yên tĩnh đó nữa. Anh để tất cả lộn nhào, để những hình hài méo mó, những gương mặt kỳ dị phô trên mặt toan.
Anh cho rằng: “Trong hành trình nghệ thuật, tôi không xác định sẽ theo một trường phái nào, tôi chỉ tìm đến cái gần nhất với mình, biểu đạt được điều mình nói một cách nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở, như dòng nước chảy”.
Mai Đại Lưu thường vẽ nhiều đề tài khác nhau, nhưng phần lớn đề cập đến những vấn đề lớn của cõi nhân sinh. Con người trong tranh thường là những cơ thể trần trụi, với đôi tai dài hoặc đôi cánh rộng.
Gương mặt người cũng không từ một nguyên mẫu cụ thể, phi giới tính và không có tuổi tác. Những bông hoa cũng vậy, chúng như ở một thế giới khác - thế giới Avatar, gây ám ảnh bởi những vòng tròn luân hồi khao khát tái sinh.
Tận mắt thấy những bức tranh của Mai Đại Lưu mới thấy sức sáng tạo dồi dào và đam mê bất tận của họa sĩ dành cho nghệ thuật hội họa. Chọn một con đường khó với lối đi hẹp, Mai Đại Lưu không quan niệm cứ vẽ là phải bán. Sáng tạo với bản thân nghệ sĩ, đó không chỉ là thước đo, mà còn là giá trị sống.
“Công việc của người nghệ sĩ là sáng tạo nghệ thuật và tìm ra cái mới để cho công chúng thưởng thức. Khi vẽ tranh, tôi không suy nghĩ quá nhiều về việc có bán được hay không. Bởi đó là câu chuyện ở phía sau. Với nghệ thuật, thành quả lao động là một con đường dài và kiên định với lựa chọn của chính mình”. Họa sĩ Mai Đại Lưu