Họa sĩ Hà Nội phiêu du trên giấy giang H’Mông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giấy giang của người H’Mông vốn được biết tới chủ yếu trong hoạt động tín ngưỡng, yểm chú đồ vật.

Công chúng háo hức xem các tác phẩm sáng tạo trên nền chất liệu giấy giang của người H’Mông.
Công chúng háo hức xem các tác phẩm sáng tạo trên nền chất liệu giấy giang của người H’Mông.

Thế nhưng, họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh đã khéo léo sử dụng vật liệu này để làm nổi bật vẻ đẹp hội họa.

Bay bổng từ chất liệu bản địa

Triển lãm “Giang” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang thu hút đông đảo công chúng mộ điệu cũng như giới nghệ thuật đến thưởng lãm vẻ đẹp lạ kỳ, tan chảy quyến rũ theo vô vàn điểm chạm không gian, thời gian giữa giấy giang và hội họa.

Có lẽ đến thời điểm này, “Giang” là triển lãm duy nhất ở Việt Nam sử dụng giấy giang như một vật liệu chính làm nền tảng cho các sáng tạo. 25 bức tranh khổ lớn (170x150cm), vẽ bằng chất liệu tổng hợp trên giấy giang bồi trên vải toan theo phong cách hội họa biểu hiện trừu tượng là những khám phá táo bạo lẫn dụng công của người nghệ sĩ.

Giấy giang chủ yếu được bà con người H’Mông ở Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Giấy giang không chỉ dùng để viết, sử dụng trong các hoạt động tín ngưỡng mà còn để trang trí nhà cửa. Dịp lễ tết, những mảnh giấy được cắt nhỏ dán vào các góc nhà, cột nhà, những vật dụng sinh hoạt với ý nghĩa như niêm phong, kết thúc năm cũ và chào đón năm mới.

Nguyên liệu làm giấy được lấy từ cây giang “bánh tẻ”, được chẻ nhỏ nấu cùng tro bếp và vôi bột khoảng một đêm, sau đó phải ủ cho mềm mới đem ra đập nát rồi lọc lấy nước. Nước giang được hoà vào nước sạch, đảo đều cho đến khi bột tan để bắt đầu công đoạn làm giấy.

Người H’Mông đặt ngang chiếc khung vải, múc bột giấy dàn đều trên mặt vải, rồi dựng khung nghiêng theo hướng nắng để phơi. “Khổ giấy lớn, nhỏ tuỳ theo mong muốn. Sau khi phơi nắng những tờ giấy đã tráng lên các tấm lưới, khi giấy khô căng, trên bề mặt giấy hiện lên những sợi xơ của thân cây quện bột ngâm của lá, đã tạo nên bề mặt thô ráp tự nhiên, đầy sức cuốn hút”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh chia sẻ.

Thông qua triển lãm “Giang”, họa sĩ không chỉ muốn chia sẻ vẻ đẹp hiếm có của giấy giang trong sáng tác hội họa. Ông cũng muốn nêu bật yếu tố truyền thống và tính kết nối văn hóa bản địa, nhằm bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đa dạng, phong phú của bà con dân tộc Mông nói riêng.

Xem các tác phẩm trong triển lãm “Giang”, nhà văn kiêm thư pháp gia Phó Đức An nhận định rằng, trên nền giấy thô ráp như cội nguồn của thiên nhiên và sự thuần túy của một dân tộc, họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh đã vẽ lên những bức tranh huyền hoặc khiến người xem bàng hoàng như bay về cõi hồng hoang, đưa người xem trở lại điểm sơ khai của nghệ thuật hội họa.

“Tôi nghĩ khi họa sĩ vẽ những bức tranh này trong lúc tâm hồn cũng đang phiêu du chốn ấy. Họa sĩ không còn sống trong hiện thực, mọi hình ảnh hiện thực đã bị xóa nhòa và cứ thế chìm đắm trong một cõi linh thiêng bao trùm với muôn vàn hình ảnh và ước nguyện nguyên sơ của con người”, ông Phó Đức An thổ lộ.

Ngay từ bức “Giang” đầu tiên đã khiến người xem phải giật mình kinh hãi bởi sự trừu tượng đến ma mị. Tâm tưởng của họa sĩ như bay trên triền núi, qua các bản làng đến tận mây xanh. Sự vô tư, tự do, khoáng đạt, lúc say lúc tỉnh như thiền định đã khiến các ý niệm đến nét vẽ bay bổng như tiên nhân quần hội.

Trừu tượng của Nguyễn Mạnh Quỳnh như thẩm qua đôi mắt của cõi trên mà ngó xuống nhân gian. Núi đồi hoang vu, triền đá lạnh toát, những mái nhà thô sơ, những cung đường hiểm địa, khói, gió, nắng và cả những khuôn mặt người hiển hiện trên nền giấy giang của biểu hiện trừu tượng và ngôn ngữ siêu hình của thế giới tâm linh đã khiến mỗi tác phẩm trở nên một thế giới riêng biệt, đầy huyền tích lẫn sự lạ lùng.

Mở ra những vẻ đẹp huyền ảo

Thư pháp gia Phó Đức An cho rằng, giấy giang mang nặng ý nghĩa tâm linh và được quý trọng vô cùng. Trong tiềm thức bao đời của người dân H’Mông, nhìn thấy giấy giang là nhìn thấy cõi âm, nhìn thấy cánh cửa âm ti và linh hồn tổ tiên đã khuất.

Chọn giấy giang để vẽ quả là một điều sáng tạo, mà vẽ theo phong cách trừu tượng thì như thể họa sĩ đã “khớp lệnh Trời”. Bởi trong thế giới bất định, vẽ những bức tranh vô định trên giấy giang đã định chính là một sự kết hợp hoàn hảo của Thiên, Địa, Nhân.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Đức lại cho rằng, trước khi xây nhà, chúng ta đều phải dọn dẹp mặt bằng – còn gọi là san nền. Một bức tranh cũng vậy, như một toà nhà, nó phải được dựng trên nền móng. Nguyễn Mạnh Quỳnh đã chọn một nguyên liệu rất độc đáo của Việt Nam, mà theo ý nhiều người có lẽ là lần đầu tiên giấy giang được trở thành chất liệu nền để vẽ.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh.

Người Việt thường vẽ giấy dó, rồi toan theo cách của thế giới, và giờ Nguyễn Mạnh Quỳnh trăn trở vẽ giấy giang. Họa sĩ bồi giấy giang lên toan rồi vẽ. “Tôi cảm giác giấy này khá dầy, lại có lớp toan bên dưới nên càng dầy hơn, vì thế màu sắc được biểu đạt rất sâu và trầm.

Họa sĩ vẽ theo phong cách biểu hiện trừu tượng nhưng tôi tự đánh giá rằng, đó là cách “phi biểu hình”. Âm nhạc có hai nội dung chính là hoà thanh và giai điệu, hội họa là mầu và hình. Tranh của Nguyễn Mạnh Quỳnh thiên về hoà thanh (hoà sắc) hơn là giai điệu (hình)”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Đức nêu quan điểm.

Những tác phẩm trên giấy giang, họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh chuyển tiếp màu rất đa dạng và phong phú, nhưng hình lại thấp thoáng và thưa thớt như thể được che giấu sau những lớp màu. Có thể ví nó như ánh sáng trắng đi qua lăng kính để có bảy màu, và đường ranh giới giữa các màu chính là đường nối các điểm giá trị trên bề mặt bức tranh.

“Họa sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh lắng nghe được lời mách bảo của người xưa ẩn trong đồ vật và tranh thờ làm từ giấy giang. Con mắt mới của ông được đánh thức, cứ tự do lạc bước vào muôn nẻo của biểu hiện trừu tượng và ngôn ngữ siêu hình của thế giới tâm linh. Nét đợi nét, hình gọi hình và đĩa màu cứ lẳng lặng đọc vị thời gian nơi bức họa. Ngọn bút phơ phất nét rồi ào ạt những mảng màu đơn sắc hay đa sắc đều nương theo con mắt mới và cái tai lạ của họa sĩ”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.