Những bông hồng rạng rỡ

GD&TĐ - Luôn nỗ lực khẳng định bản thân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, họ là những bông hồng của 'Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2022'.

TS Lê Thị Phương sở hữu 5 bằng độc quyền sáng chế.
TS Lê Thị Phương sở hữu 5 bằng độc quyền sáng chế.

Luôn nỗ lực khẳng định bản thân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, họ là những bông hồng tô điểm cho bức tranh muôn màu của “Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2022”.

Nữ tiến sĩ sở hữu 5 bằng độc quyền sáng chế

Hơn 10 năm nghiên cứu, TS Lê Thị Phương (Nghiên cứu viên Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế quốc tế, 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia lĩnh vực công nghệ vật liệu mới và nhiều giải thưởng danh giá khác.

TS Lê Thị Phương sinh năm 1988. Cô được biết đến với hướng nghiên cứu chính là phát triển các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với các phương pháp truyền thống.

Trong 2 bằng sáng chế quốc tế, TS Phương nghiên cứu về hydrogel tiêm tại chỗ sử dụng các loại cyclodextrin tạo cho gel có tính kết dính cao và các ứng dụng y sinh của hydroge.

Với sáng chế quốc tế thứ 2, nữ tiến sĩ trẻ phát triển phương pháp mới để biến tính bề mặt các thiết bị hỗ trợ bệnh tim mạch với heparin, xúc tác sản sinh nitric oxide trong cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ gây nghẽn tắc mạch máu.

Để hoàn thành nghiên cứu và đăng ký sở hữu trí tuệ, TS Phương may mắn nhận được nhiều góp ý từ giáo sư và cộng sự trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, TS Phương cũng có 3 bằng độc quyền sáng chế quốc gia đã đăng ký tại Hàn Quốc, tập trung nghiên cứu vào các loại hydrogel với các đặc tính mới ứng dụng cho nhiều loại bệnh lý khác nhau.

Trong số đó, công trình nghiên cứu hydrogel đa chức năng ứng dụng trong điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực hydrogel tiêm không sử dụng H2O2 và cho nhiều tác dụng hiệp lực cho hệ hydrogel tạo thành bởi xúc tác enzyme HRP.

Trước đây, TS Phương học ngành Kỹ thuật Hóa học của Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, bố mẹ của cô cũng như nhiều phụ huynh khác đều có tâm lý sợ con vất vả nên định hướng đến các công việc nhẹ nhàng và phù hợp với phụ nữ hơn như giáo viên, công việc văn phòng… hơn là khối các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, cô lựa chọn làm việc ở Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân. Nỗ lực trong 2 năm làm việc ở Viện, Phương có cơ hội đến Hàn Quốc để làm nghiên cứu sinh ở ĐH Ajou.

10 năm nghiên cứu và làm việc ở Hàn Quốc, TS Phương thừa nhận, đây là một chặng đường không ngắn và phải đánh đổi rất nhiều thứ. Giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất với cô đó là trong 5 năm đầu tiên khi phải làm quen môi trường sống mới, phong cách làm việc mới ở Hàn Quốc. Trong khi, đây là một trong những nơi có môi trường làm việc khắc nghiệt nhất thế giới.

Khi đã có được nhiều thành tựu, bài báo khoa học, công trình nghiên cứu được đăng ký bằng sáng chế, sở hữu quốc gia/quốc tế, TS Phương quyết định về Việt Nam để tiếp tục hành trình của mình qua việc truyền đạt kiến thức, đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên trẻ.

Trên giảng đường đại học, TS Phương luôn dành một khoảng thời gian để định hướng, truyền lửa khoa học cho các bạn trẻ. Nữ giảng viên cho rằng, trong thế giới phẳng như ngày nay, kiến thức chuyên môn và tài liệu đã dễ dàng tiếp cận từ mọi nơi, quan trọng là người làm khoa học cần có cống hiến hết mình.

Giám đốc thành công với đặc sản ẩm thực

Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hoa.

Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hoa.

Từ “đặc sản” ẩm thực thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ), Nguyễn Thị Thu Hoa - Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods đã tự khẳng định mình, năng động, sáng tạo, xây dựng thương hiệu thịt chua Thanh Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sinh năm 1992 tại thị trấn Thanh Sơn, sau khi lập gia đình, Hoa được tiếp cận và đam mê với nghề làm thịt chua truyền thống của nhà chồng. Nhận thấy việc kinh doanh nhỏ lẻ tự sản xuất và bán lẻ chưa thực sự khả quan, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, không ngừng học hỏi, đọc thêm qua sách báo, Internet, Hoa mơ ước gây dựng và phát triển thương hiệu riêng để đặc sản của quê hương đến được với thực khách trên mọi miền Tổ quốc.

Mạnh dạn, quyết tâm cùng trái tim nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, năm 2015, Hoa đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods do chính mình làm chủ.

Theo cô gái này, những ngày đầu tự đứng ra quản lý còn nhiều khó khăn và bỡ ngỡ, tuổi còn trẻ, các mối quan hệ ít, kinh nghiệm sản xuất chưa nhiều, nhất là về nguồn vốn khởi nghiệp nhỏ do mẹ chồng giúp đỡ.

Sau đó, Hoa đã hình thành ý tưởng sáng tạo, cải tiến sản phẩm cũng như quy trình sản xuất, cải tiến máy móc nhưng không đủ vốn. Cô mạnh dạn vay 200 triệu đồng của ngân hàng để chi trả chi phí và đầu tư.

Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng và hướng phát triển của nghề sản xuất thịt chua, Hoa đưa ra chiến lược kinh doanh quảng bá, tặng, cho số lượng lớn sản phẩm thịt chua và dần dần thương hiệu Trường Foods ngày càng được phát triển rộng rãi. Đặc biệt là Hoa đã áp dụng máy móc vào sản xuất.

Tuy nhiên, do thị trường không có loại máy móc chuyên dụng để sản xuất thịt chua, Hoa bắt đầu nghiên cứu, tham khảo tài liệu, tự tìm tòi để có thể tạo ra được các loại máy móc phục vụ các công đoạn sản xuất như máy trộn, máy thái, máy bổ bì…

Với việc mở rộng quy mô sản xuất, Hoa cũng thực hiện các bước để đăng ký kinh doanh cho sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng ký tem truy xuất nguồn gốc. Mục đích để khi người dùng tiếp cận và sử dụng sản phẩm của Công ty sẽ biết được nguồn gốc, xuất xứ và thành phần.

Cùng với đó là cách sử dụng để có thể liên hệ trực tiếp với cơ sở. Nhờ sự kiên trì, chịu khó cộng với việc vừa làm vừa tự nghiên cứu, thịt chua Trường Foods đã có chỗ đứng trên thị trường.

Hiện, Công ty của Hoa là đơn vị sản xuất thịt chua duy nhất đạt chứng nhận ISO 22000 về vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế. Công ty có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh và “Thịt chua Trường Foods” liên tục được lựa chọn tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại lớn trong và ngoài tỉnh.

Hàng năm số lượng sản xuất thịt chua của Công ty đạt 1,8 triệu sản phẩm, đã giúp đỡ cho 50 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 4 – 7 triệu đồng/người/tháng, giúp nhiều gia đình, đoàn viên thanh niên có công ăn việc làm, vươn lên phát triển kinh tế…

Ca sĩ 9X đưa Xẩm lên sân khấu quốc tế

Ca sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà, nghệ danh Hà Myo. Ảnh: NVCC

Ca sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà, nghệ danh Hà Myo. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà Myo) là một ca sĩ đã góp phần đưa Xẩm lên các sân khấu trong nước và quốc tế. Cô đã góp phần mang Xẩm đến với nhiều khán giả hơn, nhất là người trẻ để có thể giữ gìn và phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam.

Nguyễn Thị Ngọc Hà sinh năm 1993, là người dân tộc Mường ở Ba Vì, Hà Nội. Cô học Khoa Sư phạm Âm nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhưng ra trường, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đã nhận cô vào làm việc cho đến nay.

Sau bốn MV Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân xanh, Xẩm Xuân chúc phúc, Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội, Ngọc Hà đã nhận được khá nhiều lời mời hát Xẩm trên sân khấu lớn. Mới đây, cô liên tục chiếm sóng VTV sau Giao thừa với các tiết mục Xẩm kết hợp vũ đạo, rap… Đặc biệt, 2 năm liền, cô đều lọt top 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Xẩm vốn là một dòng nhạc vô cùng khó và đòi hỏi sự nghiêm túc, đầu tư về thời gian, về kinh phí và năng lực rất nhiều. Hà Myo chia sẻ, cô may mắn hơn rất nhiều nghệ sĩ.

Bởi có chồng là nhà sản xuất âm nhạc, lại có cùng đam mê và định hướng phát triển nên Hà dễ dàng thực hiện được những ý tưởng của bản thân. Tuy nhiên, Hà vẫn luôn hy vọng sẽ có nhiều hơn các bạn trẻ cùng với Hà Myo và nhiều nghệ sĩ khác chung tay mang âm nhạc Việt Nam vươn tầm thế giới.

Sau khi Xẩm Hà Nội và các sản phẩm Xẩm kết hợp với EDM & Rap của Hà Myo ra mắt, cô nhận ra ý nghĩa của việc lan tỏa, tạo nguồn cảm hứng đối với nhiều người.

Hiện tại đối với nữ ca sĩ, động lực để cố gắng ngoài sự đam mê với nghề, đôi khi đơn giản là những bình luận tích cực của khán giả, rằng nhờ có Hà mới biết đến Xẩm.

Rằng nhờ Xẩm Hà Nội mới thấy Hà Nội đẹp đến thế. Rằng nhờ Xẩm Xuân xanh mới thấy thương những y bác sĩ, thương người dân. Nhờ Xẩm Xuân chúc phúc mà người xa quê lại nhớ nhà và yêu Việt Nam hơn bao giờ hết...

Đặc biệt, trong bài Xẩm Xuân xanh, Hà Myo kể lại những biến cố lớn xảy ra trong năm 2020, từ dịch Covid-19 tới tình hình lũ lụt hoành hành ở khúc ruột miền Trung. Và trên cả là sự đồng lòng, đoàn kết của mọi người. Thông qua MV này, Hà Myo cũng muốn tri ân các chiến sĩ áo trắng.

Vẫn với cách sử dụng giai điệu Xẩm trên nền EDM kết hợp với rap, Hà Myo khéo léo kể câu chuyện bằng chất giọng vừa trữ tình vừa dí dỏm, đáo để đặc trưng của Xẩm. Có thể nói, Xẩm Xuân xanh là một trong những tác phẩm âm nhạc đưa tinh thần đoàn kết chống dịch bệnh và thiên tai của dân tộc ngân vang xa.

Mục tiêu của Hà Myo luôn luôn xuyên suốt và kéo dài. Việc mang những thể loại âm nhạc truyền thống Việt đến gần hơn với khán giả không phải là việc có thể thực hiện một sớm một chiều.

Điều đó đòi hỏi sự kiên trì, miệt mài và lao động không nghỉ. Trong thời gian tới, Hà Myo cho biết sẽ tiếp tục với những loại hình âm nhạc khác như ca trù, chầu văn, tuồng, chèo... để khán giả có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn và thêm yêu, tự hào về nền văn hóa dân tộc Việt.

Hà Myo từng nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL vì đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nhân dịp nhà hát đón nhận danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới;

Cô từng đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc như Huy chương Vàng cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc (2016), giải Nhất Tiếng hát Thanh niên Thủ đô (2016), giải Nhì Cuộc thi Tiếng hát Hữu nghị Việt - Trung 2019; Giải Nhì Cuộc thi K-Pop Contest 2019; đại diện Ca sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam lưu diễn 5 nước châu Âu năm 2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.