Tài sản quý của Thủ đô và đất nước
Năm 2021, Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương 90 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là những sinh viên tốt nghiệp với thành tích ấn tượng về học tập, rèn luyện và công tác Đoàn - Hội.
Nhiều thủ khoa xuất sắc là đảng viên, “sinh viên 5 tốt” các cấp. Bên cạnh đó là tấm gương vượt khó vươn lên, có công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả đoạt giải trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, 90 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố là nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, là tài sản quý của Thủ đô và đất nước.
“Tôi được biết trong những bạn thủ khoa tuyên dương ngày hôm nay, có nhiều bạn đã tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt có bạn thủ khoa tham gia trực chốt trong suốt thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Các bạn đã góp một phần sức trẻ của mình, cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh…”, ông Chu Ngọc Anh nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ mong muốn, mỗi thủ khoa xuất sắc hãy phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện. Đặc biệt là các thủ khoa luôn cháy trong mình ngọn lửa của tinh thần dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Trong số các thủ khoa được tuyên dương, thực sự khâm phục những cô gái còn rất trẻ đã say mê nghiên cứu khoa học, rèn luyện và làm lên thành tích “xưa nay hiếm”. Đó là những tấm gương nữ sinh Lê Mỹ Quỳnh, Trần Thùy Linh, Đỗ Thị Thu Hằng…
Nữ thủ khoa “lấp lỗ hổng bảo mật”
Lê Mỹ Quỳnh là thủ khoa tốt nghiệp của Học viện Kỹ thuật Mật mã. Bên cạnh bảng thành tích đáng nể, Mỹ Quỳnh còn gây ấn tượng khi tìm ra lỗ hổng bảo mật với 9 lỗi nghiêm trọng từ các sản phẩm của Tập đoàn công nghệ Oracle (Mỹ).
Lê Mỹ Quỳnh cho biết, cơ duyên đến với ngành An toàn thông tin xuất phát từ định hướng của gia đình. Hồi nhỏ, Quỳnh được gia đình tạo điều kiện cho tiếp xúc với máy tính. Mới 8 - 9 tuổi, cô bé đã tò mò, tháo tung vỏ máy tính để xem bên trong có những gì.
Lớn dần, Quỳnh được tiếp cận với lập trình nhiều hơn khi có bố từng công tác cùng lĩnh vực. Nhận thấy con gái thích thú với công nghệ, bố đã dạy Quỳnh viết code và giới thiệu những kiến thức cơ bản về phần mềm. Hai bố con thường cùng tranh luận về cách giải quyết các vấn đề. Có lẽ, đây cũng chính là “chìa khóa” để cô gái trẻ đến gần hơn với những thành tích sau này.
Để thỏa mãn hứng thú tìm hiểu về bảo mật và an toàn thông tin, Quỳnh nộp hồ sơ vào Học viện Kỹ thuật Mật mã. Mặc dù đạt được học bổng du học toàn phần của trường sau học kỳ một, nhưng Mỹ Quỳnh quyết định ở lại Việt Nam để hoàn thành chương trình kỹ sư tại Học viện Kỹ thuật Mật mã. Khi còn là sinh viên năm thứ 2, Lê Mỹ Quỳnh đã trở thành thực tập sinh An toàn thông tin tại một tập đoàn lớn ở Việt Nam.
Nhiệm vụ của Quỳnh cùng các thành viên trung tâm là tìm lỗ hổng trên các sản phẩm công nghệ của Oracle mà tập đoàn này đang sử dụng. Có lần, dù đã mất rất nhiều thời gian và công sức, đến khi gửi hồ sơ thẩm định, cô nhận được phản hồi đã có người báo cáo lỗ hổng này.
Không bỏ cuộc, cô vẫn kiên trì và tìm được thêm nhiều lỗ hổng khác. Sau nhiều tháng “ôm” máy tính nghiên cứu sản phẩm và các lỗ hổng đã được tìm ra trước đó, thành quả đầu tiên đã đến với Quỳnh.
Năm 2019, cô bắt đầu nghiên cứu tìm tòi về dạng tấn công Java Deserialization - một dạng tấn công nguy hiểm trên nền tảng ngôn ngữ lập trình Java. Một khi bị tấn công thành công, lỗ hổng dạng này có thể gây hậu quả khó lường.
“Nếu không nhanh chóng phát hiện sớm và đưa ra bản vá, rất có thể các hacker mũ đen sẽ tìm ra các lỗ hổng này để xâm nhập vào, từ đó gây nên những hiệu quả khó lường”, Quỳnh nói.
Đến cuối năm 2019, nữ sinh tìm được lỗ hổng đầu tiên của Oracle (Mỹ). Khoảng thời gian sau đó, Quỳnh càng ngày càng có kiến thức nhiều hơn về dạng tấn công này và tiếp tục tìm được 8 lỗ hổng khác.
Trong 9 lỗ hổng này, có tới 6 lỗ hổng được đánh giá 9,8/10 về mức độ nghiêm trọng. Nhờ những phát hiện này, trong 2 năm liên tiếp là năm 2020 và 2021, Quỳnh đều nhận được chứng nhận và tiền thưởng lên đến 10.000 USD từ Tập đoàn Oracle (Mỹ).
Quỳnh quan niệm, muốn thực hành giỏi phải vững lý thuyết. Nên dù đã có việc làm ngay từ năm thứ ba đại học tại một tập đoàn lớn, cô vẫn xác định nhiệm vụ trọng tâm là việc học.
Kết quả, sau 5 năm, cô tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của Học viện Kỹ thuật Mật mã với điểm số 3,5/4. Nhiều năm liền, Lê Mỹ Quỳnh giành được học bổng của trường, ngay cả khi đã có việc làm, thành tích học tập vẫn luôn khiến bạn bè ngưỡng mộ.
Đặc cách học lên Tiến sĩ năm 21 tuổi
Trần Thùy Linh là một trong 90 thủ khoa xuất sắc của Hà Nội trong lễ vinh danh hôm 18/11. Linh có điểm học tập toàn khóa đạt 3,89/4,0. Cùng với điểm rèn luyện xuất sắc, Thùy Linh tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân sớm một năm.
Nhờ thành tích học tập nổi bật và đủ điều kiện, nữ sinh quê Thái Bình được chấp nhận học thẳng lên Tiến sĩ mà không cần qua bậc Thạc sĩ. Được các thầy cô động viên, Linh quyết tâm theo đến cùng và bắt tay vào sự nghiệp nghiên cứu sinh khi vừa tròn 21 tuổi.
Năm 2018, Linh được tuyển thẳng vào Đại học Kinh tế Quốc dân sau khi đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Suốt ba năm trung học tại trường chuyên Thái Bình, Linh từng nhiều lần đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ.
Với nhiều bạn trẻ, vào đại học sẽ có nhiều bỡ ngỡ, nhiều cú sốc. Còn với Linh, bất ngờ chính là tốc độ học chậm khiến em... nhàn. Thông thường sinh viên sẽ đăng ký 12 - 15 tín chỉ một kỳ nhưng cảm thấy có thể học được nhiều hơn, nữ sinh học hết 25 tín chỉ trường cho phép.
Vào kỳ hai năm nhất, em quyết định tối đa hóa thời gian cho việc học. Linh tự điều chỉnh và tìm ra phương pháp cho riêng mình. Linh cũng không gặp khó khăn ở những môn xã hội vì có trí nhớ và tư duy tốt. Thậm chí, cô gái này còn đạt điểm 10 chưa từng có của trường ở môn Triết học.
Nữ sinh Thái Bình cũng giành nhiều danh hiệu “sinh viên xuất sắc”, “sinh viên 5 tốt” cùng nhiều học bổng khác. Bên cạnh đó, Linh còn gặt hái thành tích trong hoạt động Đoàn hay phong trào sinh viên.
Ưu tiên việc học hàng đầu nhưng em vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao ở trường. Trần Thùy Linh cũng tình nguyện đi dạy Văn, tiếng Anh cho trẻ em nghèo vào thứ Bảy, Chủ nhật và dịp hè.
Chiến binh của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”
(thủ khoa xuất sắc Trường ĐH Dược Hà Nội) là cô gái gây ấn tượng mạnh bởi là tình nguyện viên trẻ của Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”.
Trúng tuyển cả Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Dược Hà Nội, Đỗ Thị Thu Hằng đã lựa chọn con đường rèn luyện để trở thành một thầy thuốc trẻ vì khát vọng bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
“Mặc dù, Đại học Ngoại thương luôn là ngôi trường mơ ước của tôi trong nhiều năm học phổ thông, nhưng chuyên ngành y dược sẽ trang bị cho tôi nhiều kiến thức thiết yếu để có thể chăm sóc cho bản thân, gia đình và nhiều người khác”, Thu Hằng chia sẻ.
Với suy nghĩ đó, cô gái sinh năm 1998 đã lựa chọn khoa Dược để chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến dược phẩm dành cho người mắc ung thư. Sau những năm tháng nỗ lực rèn luyện không ngừng, Đỗ Thị Thu Hằng đạt điểm trung bình cộng toàn khóa 3,81/4 và 8,65/10, điểm rèn luyện toàn khóa xuất sắc.
Thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, nữ sinh quê Tam Hiệp (Hà Nội) đã lập tức lựa chọn 1 đề tài rất thiết thực cho luận văn tốt nghiệp của mình. Đó là chất lượng cuộc sống của người mắc ung thư trong bối cảnh dịch bệnh.
Giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thu thập số liệu, thông tin từ các bệnh viện để hoàn thành luận văn không hề đơn giản. Thế nhưng, lòng nhiệt huyết đã giúp cô nữ sinh bé nhỏ vượt qua tất cả. Bài luận của cô sau đó đạt điểm xuất sắc, được đánh giá cao.
Bận bịu với bài luận tốt nghiệp, nhưng Thu Hằng vẫn tình nguyện đăng ký trở thành tình nguyện viên của Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” với nhiệm vụ hỗ trợ, theo dõi sức khỏe từ xa đối với người bệnh F0.
Sau 3 tháng, Thu Hằng đã đồng hành với gần 300 người bệnh, góp sức trẻ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh.