Kiêu hãnh Trường Sơn
Cách đây 60 năm, ngày 19/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập tuyến đường vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và giúp nước bạn Lào, Campuchia. Con đường mang tên Hồ Chí Minh gắn với sứ mệnh chiến lược đặc biệt, nối liền hậu phương với tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, từ 1959 - 1975, đế quốc Mỹ đã thả xuống 4 triệu tấn bom đạn các loại, hàng triệu lít hóa chất, gây mưa nhân tạo, tạo bùn nhằm cản trở tuyến vận tải này.
Hơn 2 vạn nữ chiến sĩ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, văn công,lái xe nhà văn, nhà báo, công binh… đã tình nguyện đóng góp công sức, cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân làm nên những chiến công vĩ đại mang tầm vóc lịch sử của dân tộc. Những câu chuyện, những kỷ niệm và một chặng đời gian nan nhưng kiêu hãnh của những người phụ nữ Việt Nam duyên dáng mà mạnh mẽ, giản dị nhưng kiên cường đã được tái hiện trong triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn”.
Hàng trăm bức ảnh quý ghi lại khoảnh khắc đặc biệt của người lính giữa rừng Trường Sơn đầy hiểm nguy, cùng những kỷ vật thiêng liêng như: Ba lô, đôi dép nhựa, cuốn nhật ký, sổ chép thơ - nhạc, những dụng cụ khám bệnh, cặp lồng đựng cơm cũng là vật dụng luộc, khử trùng bơm, kim tiêm y tế... khiến người xem ngưỡng mộ khi ngắm nhìn. Những bức ảnh về thời kỳ khốc liệt “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ghi lại những người nữ chiến sĩ kiên cường, vác hòm đạn nặng nhưng khuôn mặt vẫn rạng ngời nụ cười, những khoảnh khắc chăm sóc thương bệnh binh chan chứa yêu thương của tình đồng đội. Tuy từng ngày đối mặt với bom rơi đạn nổ, cận kề cái chết nhưng vẫn giữ cho mình niềm quyết tâm sắt đá chiến thắng kẻ thù.
Bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ - cho biết: Sau hơn 8 tháng chuẩn bị công phu, tìm kiếm sưu tầm hiện vật và gặp gỡ từng nhân chứng lịch sử, phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn, chúng tôi đã có được các dữ liệu phong phú để thực hiện triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn”. Triển lãm khai thác riêng hình ảnh, câu chuyện xúc động về những nữ chiến sĩ đã dành cả thanh xuân cho hòa bình, độc lập dân tộc với 3 mảng chủ đề: Dấu ấn một huyền thoại; Những bông hồng thép; Phía sau cuộc chiến. “Đây là sự tôn vinh những đóng góp, hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn, đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ sau với các thế hệ đi trước, chia sẻ với những nỗi đau phía sau cuộc chiến để thêm yêu hòa bình và gìn giữ nền độc lập dân tộc”, bà Vân nhấn mạnh.
Những bông hồng thép
Chỉ đôi điều chia sẻ ngắn gọn của người được mệnh danh là “linh hồn của phong trào phá bom nổ chậm” Nguyễn Thị Vân Liệu (C5 - Binh trạm 14 - Đoàn 559), đã thấy cuộc sống và tinh thần chiến đấu nơi tuyến lửa Trường Sơn thật anh dũng, kiên cường. “Từ sáng kiến dùng mìn để phá bom nổ chậm tôi đã suy nghĩ và cải tiến bằng cách đào xung quanh thân bom, rồi đặt kíp mìn trên chóp phễu làm bằng miếng các tông pháo sáng, sau đó áp 1 kg thuốc nổ dưới thân bom, lấp đất kỹ rồi ròng dây cháy chậm để kích nổ. Sau hai tiếng nổ vang lên, trên mặt đường chỉ để lại một lỗ nhỏ bằng chiếc chảo con nên các đoàn xe nhanh chóng đi qua mà không mất thời gian chờ san lấp mặt đường. Sáng kiến đó đã thành phong trào phá bom cải tiến cho cả Binh trạm 14”.
Bà Phạm Thị Thao - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 232 - Cục Hậu cần - Quân khu V đã khiến nhiều người xúc động và thêm khâm phục khi hiểu được xuất xứ câu khẩu hiệu “Vai trăm cân, chân ngàn dặm”: “Tiểu đoàn Vận tải 232 còn gọi là “Tiểu đoàn bà Thao” gồm hơn 600 cô gái tuổi 18, 20 được thành lập năm 1967 có nhiệm vụ tải lương, tải đạn, cõng thương binh, mở đường chống lầy cho xe qua. Chúng tôi sống trong không khí thi đua “Đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên 1 tạ”, “không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu, cống hiến tất cả”, “vai trăm cân, chân ngàn dặm”… Sau 4 năm, tiểu đoàn chuyển được 5.019 tấn hàng, trung bình mỗi chị em tải hàng trên tuyến đường 600 km”.
Những nữ chiến sĩ mái đầu đã hoa râm kể lại nhiều câu chuyện xúc động khi tuổi thanh xuân đi hết năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh. Người phụ nữ bé nhỏ không chỉ phải vượt qua bom đạn, vượt qua nỗi sợ hãi về cái chết mà họ còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thiếu thốn mà những người sống trong điều kiện dư thừa vật chất bây giờ khó mà hình dung nổi. Để được tham gia lực lượng phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, có nhiều chị đã phải khai tăng tuổi, lúc tuyển quân phải tìm mọi cách để tăng cân nặng mới đủ tiêu chuẩn ra chiến trường...
“Cái thời mà mái tóc dài, đen mượt là một trong những chuẩn mực vẻ đẹp của người con gái thì chúng tôi bị căn bệnh sốt rét khiến cho tóc rụng xơ xác, có khi trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ không dám soi gương chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra. Đâu chỉ có vậy, vì luôn phải mặc quần áo ẩm ướt cả ngày đêm điều kiện tắm gội vệ sinh thiếu thốn, khiến 80 - 90% chị em bị ghẻ lở, hắc lào, mắc bệnh phụ khoa… Chúng tôi đã trải qua nhiều xúc cảm cùng cực nhiều hơn cả một đời người có thể có với đủ cung bậc yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường…”, bà Lê Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn chia sẻ.
Lịch sử con đường Trường Sơn quyết thắng đã được khắc họa bằng chính sự can đảm, bền bỉ, khát vọng và cả những hồn nhiên đời thường của “những bông hồng thép”.