Những "bông hoa" ngát hương nơi đất Tổ

GD&TĐ - Bằng trí tuệ, tình yêu thương và trách nhiệm, giáo viên trên quê hương đất Tổ - Phú Thọ vẫn miệt mài sáng tạo, tận tâm cống hiến với nghề, chở những chuyến đò tri thức đến lớp lớp thế hệ học sinh. 

Cô Duyên trong video bài giảng dự thi môn Toán lớp 5. Ảnh: NVCC
Cô Duyên trong video bài giảng dự thi môn Toán lớp 5. Ảnh: NVCC

Thắp ngọn lửa đam mê

Hạ Hòa - vùng đất “rừng cọ, đồi chè” của tỉnh Phú Thọ sở hữu nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với những truyền thuyết thời dựng nước của dân tộc. Nơi đây cũng là mảnh đất có truyền thống hiếu học. Những năm qua, học sinh Hạ Hòa đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Đóng góp vào thành công trên là sự dìu dắt của đội ngũ thầy cô. Như cô Hán Thị Ngát (Trường THCS Đan Thượng), giáo viên môn Lịch sử - người luôn cố gắng tìm tòi những phương pháp dạy học bổ ích, tạo hứng thú cho học sinh – là một ví dụ.

Em Nguyễn Đình Huy, học sinh lớp 11, Trường THPT Yên Lập chia sẻ: Em rất thích giờ dạy Toán của cô Tuyết Mai. Cô luôn khơi dậy được hứng thú học tập của lớp. Những bài toán tưởng chừng khô khan nhưng với cách hướng dẫn, giảng giải của cô, chúng em thấy dễ hiểu, hào hứng.

Tròn 30 tuổi đời và 7 năm tuổi nghề nhưng cô giáo Hán Thị Ngát đã sở hữu nhiều thành tích trong công tác dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi của địa phương.

Khuôn mặt rạng rỡ, giọng nói ấm áp là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp cô Ngát. Cô kể: Từ khi còn học phổ thông, cô đã đam mê những môn khoa học xã hội và ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Năm 2015, tốt nghiệp đại học loại giỏi, cô được tuyển đặc cách, đến nhận công tác tại Trường THCS Đan Thượng, huyện Hạ Hòa từ đó đến nay.

Trường THCS Đan Thượng đóng trên địa bàn xã có điều kiện kinh tế khó khăn, số lượng học sinh ít, đa số là con em nông dân nên điều kiện chăm lo cho học tập còn hạn chế. Cơ sở vật chất và trang thiết bị nhà trường còn thiếu thốn, việc truyền thụ kiến thức cho các em gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng lòng vượt khó của cô và trò, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên, trong đó môn Lịch sử là điểm sáng.

Cô Hán Thị Ngát và học sinh Trường THCS Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ.
Cô Hán Thị Ngát và học sinh Trường THCS Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ.

Nói về phương pháp dạy học môn Lịch sử của mình, cô Ngát cho biết: “Đó là sự tận tình. Học sinh chưa thích học Sử không phải do các em không muốn tìm hiểu lịch sử dân tộc mà do phương pháp dạy chưa tạo được niềm cảm hứng. Vì vậy, tôi cố gắng tìm tòi, đầu tư cho bài giảng, tạo hứng thú học tập, truyền cảm hứng, niềm say mê môn học đến từng học sinh, từ đó khơi dậy niềm đam mê môn học, yêu thích môn học Lịch sử”.

Là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thay vì chỉ truyền đạt kiến thức khô khan qua sách, vở, cô Ngát lồng ghép các di sản của địa phương vào bài học bằng hình ảnh trực quan hoặc đến trải nghiệm thực tế các di tích như Đầm Ao Châu, Ðền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền Chu Hưng… Điều này giúp những tiết học môn Lịch sử vốn khô khan đã trở nên cuốn hút, sôi nổi…

Nhờ nỗ lực đổi mới không ngừng, cô Ngát được nhà trường tin tưởng phân công trách nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm học 2021 - 2022, cô bồi dưỡng tại trường 5 học sinh và được trưng tập là giáo viên cốt cán bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh. Kết quả là 5 học sinh được bồi dưỡng tại trường đều đoạt giải, trong đó 2 em đoạt giải Nhất. Đặc biệt, có em là học sinh lớp 8 tham gia thi vượt cấp và đoạt giải Nhất cấp tỉnh. Đội tuyển môn Lịch sử của huyện Hạ Hòa dự thi cấp tỉnh có 17/17 học sinh đoạt giải, trong đó có 3 giải Nhất. Kết quả này đưa đội tuyển môn Lịch sử huyện Hạ Hòa dẫn đầu tỉnh Phú Thọ.

Với sự tận tâm cống hiến của mình, cô Hán Thị Ngát đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2020 - 2021. Ngoài ra, cô còn vinh dự đạt nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhưng với cô Ngát, điều hạnh phúc nhất đó chính là thành công, thành đạt của học trò.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công đoàn, giáo viên môn Toán, Trường THPT Yên Lập (Phú Thọ).
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công đoàn, giáo viên môn Toán, Trường THPT Yên Lập (Phú Thọ). 

Tận tâm cống hiến

Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo cũng là ngần ấy năm cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công đoàn, giáo viên môn Toán, Trường THPT Yên Lập (Phú Thọ) cần mẫn, tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và luôn miệt mài dìu dắt từng thế hệ học trò “sang sông”...

Những ngày đầu đứng trên bục giảng với nhiều bỡ ngỡ, nhưng cô Mai không ngừng học hỏi kinh nghiệm qua đồng nghiệp, tích cực tham khảo tài liệu, tìm phương pháp giảng dạy, truyền thụ kiến thức làm sao cho hiệu quả nhất đến học sinh. Năm 2008, cô được phân công về Trường THPT Yên Lập – ngôi trường còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Với lòng nhiệt huyết, yêu nghề và nỗ lực hết mình trong công việc, cô đã nhanh chóng khẳng định được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nhận được sự tin tưởng của ban giám hiệu, quý mến của đồng nghiệp và tin yêu của học trò.

Cô Mai bộc bạch: Điều quan trọng nhất là phải hiểu được tâm lý của học sinh, kết hợp hài hoà giữa những kiến thức dạy trong sách vở và liên hệ thực tế sinh động. Toán học không khô khan, quan trọng phải có phương pháp đúng sẽ tạo được hứng thú cho học sinh. Khi trò hứng thú học, tiết dạy sẽ hiệu quả.

Cũng chính vì vậy, trong quá trình dạy học, cô Mai luôn tìm hiểu, lắng nghe các thông tin phản hồi từ phía học sinh để điều chỉnh phương pháp dạy thông qua các hoạt động trải nghiệm, liên hệ thực tế để các em hiểu bài và khám phá, chiếm lĩnh kiến thức toán học.

Đồng thời, cô cũng chú ý đến từng học sinh trong lớp để có phương pháp dạy học phù hợp, giúp các em học và nhớ nội dung bài nhanh. Kết quả, chất lượng học tập các lớp do cô phụ trách luôn đạt tỷ lệ khá, giỏi ở mức cao và năm sau cao hơn năm trước.

Ngoài giảng dạy trên lớp, cô Tuyết Mai còn được lãnh đạo tin tưởng giao thêm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tham dự kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Nhiều em đạt kết quả rất tốt ở cấp trường, thành phố, tỉnh, khu vực, quốc gia.

Có thể thấy rõ chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục mũi nhọn của Trường THPT Yên Lập dựa trên kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12. Đây là kỳ thi thành công với đội tuyển Toán Trường THPT Yên Lập. Tất cả thành viên trong đội tuyển của cô Mai đều đạt giải, trong đó có 2 giải Nhất.

Trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô Tuyết Mai luôn hoàn thành nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Ngoài ra cô còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ đồng nghiệp trong việc đổi mới phương pháp dạy học, góp ý phương pháp xây dựng giáo án nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của tiết dạy; động viên giáo viên trẻ thêm tự tin, tiến bộ, phấn đấu với nghề đã lựa chọn.

“Trong quá trình công tác, dù có nhiều khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ tôi thấy hối tiếc khi đã chọn nghề dạy học. Dù ở hoàn cảnh, vị trí công tác nào tôi luôn quan niệm phải tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương”, cô Tuyết Mai tâm sự.

Cô và trò Trường THPT Yên Lập (Phú Thọ) trong Lễ đón nhận cờ thi đua của Chính phủ năm 2021.
Cô và trò Trường THPT Yên Lập (Phú Thọ) trong Lễ đón nhận cờ thi đua của Chính phủ năm 2021.  

Viết tiếp ước mơ làm cô giáo của mẹ

“Nghề chọn người…”, câu nói này có lẽ đúng với cô giáo trẻ Lê Thị Minh Duyên, Trường Tiểu học Gia Cẩm, TP Việt Trì (Phú Thọ). Ở Trường Tiểu học Gia Cẩm, cô Duyên là tấm gương sáng về tinh thần đổi mới, sáng tạo, mang hiệu quả cao cho công tác dạy và học.

Minh Duyên sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thanh bình tại xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ). Bố mẹ cô đều là những người nông dân cần cù, chăm chỉ, chất phác. Cô Duyên kể: Mẹ cô học rất giỏi. Ước mơ của mẹ là trở thành cô giáo. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên giấc mơ ấy không thể thành hiện thực. Từ khi hiểu chuyện, cô quan niệm “ước mơ của mẹ cũng chính là ước mơ của mình” và tự nhủ: “Mình nhất định sẽ viết tiếp ước mơ của mẹ”.

Năm 2010, Duyên trở thành sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Giấc mơ trở thành cô giáo của mẹ khi xưa khiến Duyên không ngừng học tập, rèn luyện để thành một sinh viên giỏi của nhà trường.

Tốt nghiệp đại học năm 2014, Duyên nhận công tác tại Trường Tiểu học Gia Cẩm. Trong 8 năm gắn bó với ngôi trường, cô đã không ngừng nỗ lực, có nhiều đóng góp tích cực cho nhà trường.

Cô Duyên nhớ lại: Từ khi mới vào nghề, tôi được lãnh đạo nhà trường, các đồng nghiệp đi trước quan tâm, dìu dắt, chỉ bảo nhiệt tình, tạo điều kiện thể hiện bản thân. Nhờ vậy, tôi luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cô Lê Thị Minh Duyên giáo viên Trường Tiểu học Gia Cẩm.
Cô Lê Thị Minh Duyên giáo viên Trường Tiểu học Gia Cẩm. 

Năm học 2020 - 2021 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Duyên được phân công là giáo viên cốt cán lớp 1. Với quan niệm dạy dỗ các em bằng tất cả tình yêu thương, cô áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào thực tiễn một cách phù hợp và hiệu quả; hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất và kỹ năng cho học sinh.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy học không còn theo hướng truyền thụ kiến thức một chiều, không còn tình trạng học sinh ghi chép và trả lời theo khuôn mẫu. Chính vì vậy, để bài giảng đạt hiệu quả và bảo đảm định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, cô Duyên và đồng nghiệp đã thực hiện phương pháp gợi mở, tổ chức các hoạt động cho học sinh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, khai thác có hiệu quả học liệu điện tử của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Năm học 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô và trò chuyển từ dạy và học trực tiếp sang trực tuyến. Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức cuộc thi Xây dựng video bài giảng dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình. Bài thi của cô Duyên được Hội đồng giám khảo đánh giá cao và giành giải Nhất.

Với mong muốn đem đến cho học trò nhiều niềm vui, hạnh phúc thông qua việc học tập, cô Duyên đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và luôn đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngay cả khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, các em phải học online nhưng tiết học luôn vui vẻ, hứng thú. Các em vẫn có cơ hội để phát huy các năng lực thông qua trò chơi học tập, phong trào thử thách mà cô giáo tổ chức cho lớp như “Thể dục thể thao, nâng cao sức khoẻ phòng chống Covid-19”, “Cuộc đua kỳ thú”, “Thi viết chữ đẹp online”....

Nhờ những sáng tạo có tính ứng dụng cao, cô Lê Thị Minh Duyên đã giành nhiều phần thưởng cấp trường, thành phố và tỉnh, tiêu biểu như giải “Xuất sắc” Hội thi Giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2020 -2021 (Đạt điểm thủ khoa trong nhóm giáo viên dự thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Chia sẻ về những tấm gương nhà giáo giỏi, ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết: Những năm qua, đội ngũ giáo viên tỉnh Phú Thọ luôn nỗ lực vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp bằng tấm lòng yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm, mong muốn được cống hiến cho giáo dục với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện tại tỉnh có sự thay đổi rõ rệt qua từng năm học, chất lượng mũi nhọn không ngừng được nâng lên.

Ngoài những tấm gương nhà giáo dạy giỏi như cô Ngát, cô Mai, cô Duyên, Phú Thọ có rất nhiều thầy, cô vẫn luôn miệt mài cống hiến cho ngành. Họ thực sự là những đóa hoa ngát hương trên quê hương đất Tổ. Không chỉ giỏi chuyên môn, các thầy cô còn nhiệt tình với phong trào của nhà trường, xã hội và là người truyền cảm hứng cho lớp lớp thế hệ học trò để các em tự ý thức vươn lên trong học tập, xây dựng tương lai tươi sáng sau này.

Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là được nhìn thấy nụ cười của học sinh trong mỗi tiết học, sự trưởng thành từng ngày của các em và đặc biệt được phụ huynh tin tưởng, kính trọng và học sinh kính yêu. Đó là món quà vô giá giúp tôi ngày càng yêu nghề hơn. - Cô Lê Thị Minh Duyên 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ