Những bi kịch về bộ não của Albert Einstein

GD&TĐ - Sau khi kết thúc cuộc đời đầy vinh quang của mình, bộ não của Albert Einstein đã trải qua một hành trình dài và có lẽ... khó có thể gọi là một hành trình thú vị.

Những bi kịch về bộ não của Albert Einstein

Di nguyện cuối đời

Albert Einstein sinh năm 1879 và mất năm 1955. Không chỉ là nhà vật lý đoạt giải Nobel, ông đóng góp nhiều cho sự tiến bộ của nhân loại tới mức, với công chúng thì cái tên Albert Einstein gần như là một biểu tượng của khoa học trong suốt cả thế kỷ nay.

Ngày 17/4/1955, Einstein bị vỡ động mạch chủ ở bụng. Ông đã từ chối phẫu thuật vì cho rằng việc tiếp tục sống khi những việc cần làm đã hoàn thành là vô vị. Rạng sáng hôm sau, ngày 18/4/1955, bộ não xuất sắc nhất thể kỷ 20 từ giã thế giới ở Bệnh viện Princeton.

Các tài liệu cũng như lời kể của những người biết tới Einstein vào thời gian cuối đời ông đều biết rằng, Einstein rất không muốn cơ thể và bộ não của mình được mang ra nghiên cứu. Thậm chí ông không muốn được tôn thờ và bị theo đuổi ngay cả khi đã qua đời.

Vì thế ông đã sớm thể hiện mong muốn của mình rằng khi ông chết đi, toàn bộ cơ thể của ông cần được hỏa táng và rải tro ở một nơi bí mật để tránh rắc rối. Mặc dù vậy, sự việc đã không diễn ra theo đúng mong muốn của ông.

Đánh cắp “vì khoa học”?

Ngay sau tang lễ của Einstein - một tang lễ cực kỳ khiêm tốn và đơn giản theo đúng nguyện vọng của nhà khoa học, con trai ông là Hans Albert Eistein (1904 - 1973) phát hiện ra rằng thi thể trong quan tài của cha mình không còn nguyên vẹn.

Sọ của Einstein đã bị cắt ra để tách lấy bộ não bởi một nhà bệnh lý học còn khá trẻ khi đó là Thomas Stoltz Harvey (1912 - 2007) - người đã được giao khám nghiệm thi thể Einstein lần cuối vào ngày hôm đó.

Hans Albert đã rất tức giận vì cha mình - một thiên tài đầy khiêm tốn - đã bị đối xử theo cách đó. Tuy nhiên, Harvey đã cố thuyết phục ông cho phép thực hiện nghiên cứu vì mục đích mà theo tờ New York Times sau đó có dẫn nguyên văn là “làm sáng tỏ một trong những bí ẩn vĩ đại nhất của tự nhiên - bí mật của thiên tài”.

Harvey chiếm hữu bộ não một cách gây tranh cãi trong nhiều năm và không có bất cứ công trình nghiên cứu nào được công bố. Cho dù trước đó chính ông ta đã khẳng định sẽ mời những chuyên gia hàng đầu về thần kinh tới nghiên cứu và công bố kết quả một cách rộng rãi.

Tận năm 1978, sau khi được Hans Albert Einstein chấp thuận, Harvey đã cân, đo, chụp ảnh và vẽ lại bộ não của Einstein trước khi cắt nó ra thành 240 phần nhỏ.

Đa số những phần này đúng là sau đó đã được đưa tới cho các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học vì mục tiêu phát triển của bệnh học thần kinh, như ông đã hứa khi thuyết phục Hans Albert. Tuy nhiên, mọi kết quả thu được đều nói rằng bộ não của Einstein không hề khác gì não của người thường.

Phải tới năm 1985, mới có một nghiên cứu báo cáo rằng, việc phân tích một trong những mẫu não của Einstein cho thấy các tế bào thần kinh đệm chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn những loại tế bào khác. Điều đó có thể cho thấy sự khác biệt của một bộ não làm việc với những câu hỏi hóc búa nhất của khoa học.

Thời gian sau đó, đặc biệt là những năm cuối cùng của thế kỷ 20, đã có thêm nhiều nghiên cứu về bộ não của Einstein được Harvey và những người cùng tham gia công bố. Trong đó cho thấy não của Einstein có một số đặc tính khác thường so với não của người thường như độ dày của mô ở vỏ não phía trước hay độ rộng của thùy đỉnh...

Tuy nhiên, vấn đề chung của những công bố này là không hề có nghiên cứu cơ bản nào khẳng định được rằng, những đặc điểm khác biệt đó khiến Einstein thông minh hơn người thường, thậm chí trở thành thiên tài như chúng ta đã biết.

Chỉ có kết luận chung chung rằng, một thứ gì đó khác thường trong não có thể có ở bất cứ ai nếu so sánh với những tiêu chuẩn thông thường.

Nó có thể là nguyên nhân dẫn tới trí thông minh đặc biệt. Nhưng cũng có thể dẫn tới những vấn đề khác - chẳng hạn như chứng tự kỷ được xác định là có phần nào ở Einstein.

Bi kịch của thiên tài

Nhiều nhà khoa học từng chỉ trích việc nghiên cứu bộ não của Einstein. Nhiều nhất là năm 1978, khi chính Harvey đã thừa nhận rằng kết quả nghiên cứu ban đầu không hề thấy sự khác biệt nào đáng kể so với não người thường nhưng đã cố ý không công bố để hy vọng sẽ sớm có kết quả tốt hơn. Một số người đã nhấn mạnh rằng, những nghiên cứu này là sự lãng phí về mọi nguồn lực.

Quan trọng nhất trong sự việc có thể được gọi là bi kịch này, là chính Einstein là người đã đề nghị được hỏa táng toàn bộ, vì ông hiểu rõ về sự chú ý mà nhiều người dành cho bộ não của mình.

Einstein không chỉ là một nhà khoa học, mà còn là một người đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình và luôn hi vọng mỗi công trình của mình đều mang lại giá trị cho nhân loại. Vậy nhưng mong muốn cuối cùng của ông đã bị tước đoạt chỉ vài giờ sau khi ông ra đi.

Dưới góc nhìn hiện đại của khoa học, bộ não đã dừng hoạt động không còn làm chính Einstein có thể đau đớn hay phiền lòng dù dưới khía cạnh nào. Nhưng điều đó khó có thể biện minh cho việc đánh cắp, cắt xẻ và thậm chí có những phần não đã nằm trong một lọ dung dịch hóa chất suốt hàng chục năm ở một máy làm lạnh bia của Harvey. Đó không phải một cách phù hợp để nhân loại đối xử với một thiên tài của mình.

Theo National Geographic, Smithsonian, BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.