Những bệnh đe dọa khả năng làm mẹ của phụ nữ

GD&TĐ - Có rất nhiều bệnh phụ khoa mà phụ nữ có thể dễ dàng mắc phải. Nó không chỉ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh sản, thậm chí gây vô sinh nếu không được điều trị đúng và kịp thời...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

PGS. TS Lê Minh Tâm - Bác sĩ điều trị, Khoa Phụ sản - Bệnh viện Trung ương Huế lưu ý 7 căn bệnh có thể đe dọa khả năng làm mẹ của phụ nữ.

U xơ tử cung

Đây là bệnh rất phổ biến ở các chị em phụ nữ. U xơ tử cung là loại u lành tính và không làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, u thường nằm ở thành hoặc trong lòng dạ con. Bệnh thường làm chị em cảm thấy rất khó chịu và gây khó khăn cho việc trứng gặp tinh trùng, nếu u ở vị trí gần niêm mạc thì có thể gây chảy máu, băng huyết,…

Bệnh này cần phải được can thiệp để xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng đến các vùng lân cận. Bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng nên trong nhiều trường hợp người bệnh có thể lầm tưởng là đang mang thai.

Để phòng tránh, chị em cần thiết phải khám chuyên khoa thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm.

U nang buồng trứng

Cũng giống như các loại bệnh phụ khoa khác, bệnh này thường không có những triệu chứng rõ ràng, khó phán đoán sớm. Các triệu chứng có thể có như đau vùng bụng, kinh nguyệt thất thường, cảm giác đầy bụng, khó chịu ở âm đạo,…

Về bản chất, đó là sự hình thành một bao nang chứa đầy dịch nằm bên trong buồng trứng. Phần lớn u nang buồng trứng là u lành nhưng cũng có khoảng 10% là u ác tính.

Đa số các trường hợp phát hiện bệnh một cách tình cờ khi siêu âm hay nhờ vào khám phụ khoa định kỳ. Nếu không phát hiện sớm và kịp thời chữa trị bệnh có thể chuyển sang ung thư buồng trứng. Vì thế một lời khuyên là các chị em nên thường xuyên đi khám bệnh định kỳ.

Tắc vòi trứng

Trong số các trường hợp hiếm muộn hoặc vô sinh thì bệnh này chiếm đến 40-50%. Nguyên nhân bệnh có thể do nhiễm khuẩn hoặc do lạc nội mạc tử cung. Bệnh khiến cho khi trùng đến vòi trứng sẽ không thể di chuyển về tử cung để làm tổ dẫn đến phát triển ngay tại vòi trứng gây ra thai ngoài tử cung.

Một số triệu chứng có thể gặp như kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, khí hư nhiều hơn bình thường, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, lao động làm việc không tập trung,…Bệnh thường được phát hiện chính xác nhất nhờ chụp tử cung, vòi trứng.

Viêm nhiễm âm đạo

Viêm nhiễm âm đạo là một trong những bệnh về đường sinh dục phổ biến nhất ở nữ giới, do các loại vi nấm, vi khuẩn, kí sinh trùng gây ra. Đa số các trường hợp bị bệnh đều bắt nguồn từ việc vệ sinh âm đạo không đúng cách và một số ít là do lây nhiễm khi quan hệ tình dục không an toàn.

Bên cạnh đó, các yếu tố như căng thẳng kéo dài dẫn đến mất cân bằng hormone hoặc thay đổi môi trường sống đột ngột cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm âm đạo.

Biểu hiện thường thấy của viêm âm đạo là ngứa rát, sưng tấy “vùng kín”, khí hư có mùi khó chịu. Ở giai đoạn ban đầu, bệnh không ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người phụ nữ, đó cũng là lý do khiến nhiều chị em chủ quan.

Tuy nhiên, nếu không được chữa khỏi, tình trạng viêm nhiễm sẽ tiến triển theo chiều hướng xấu và ảnh hưởng tới hoạt động của buồng trứng, tử cung, cản trở quá trình thụ thai.

Khi vi khuẩn lây lan từ âm đạo lên đường sinh dục trên và tử cung sẽ gây viêm tử cung và vòi trứng, có xu hướng phát triển thành viêm vùng chậu và tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh.

Tình trạng viêm nhiễm mãn tính trong thời gian dài do không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm, tái đi tái lại nhiều lần, có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng.

Vô kinh

Trường hợp người phụ nữ đến tuổi trưởng thành mà không có kinh nguyệt thì gọi là vô kinh. Vô kinh có thể là nguyên phát (từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ thấy kinh) hay thứ phát (đã từng có kinh nhưng sau đó không có kinh nữa hay là rất thưa trên 6 tháng mới có một lần).

Nguyên nhân gây vô kinh có thể do dị tật bẩm sinh đường sinh dục (không có tử cung, không có âm đạo), không rụng trứng, suy buồng trứng sớm hoặc cắt bỏ buồng trứng, buồng trứng không rụng trứng.

Chảy máu âm đạo bất thường

Chảy máu âm đạo bất thường là hiện tượng chảy máu nhưng không phải trong kì kinh nguyệt, có thể là giữa chu kì kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục. Đây không phải là một dấu hiệu tốt và có thể là một cảnh báo về “trục trặc” trong cơ quan sinh dục hoặc hệ thống sinh sản và có khả năng dẫn đến vô sinh khá cao. Ví dụ như: u xơ tử cung, u buồng trứng, dạ con…

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là bệnh mà nội mạc tử cung di chuyển đến một nơi khác ngoài buồng tử cung. Ở đó, nội mạc tử cung tiếp tục chịu ảnh hưởng của nội tiết tố sinh dục, phát triển và thoái triển theo chu kỳ kinh nguyệt. Đây là bệnh thường tiến triển “âm thầm“, có thể trong nhiều năm và mang theo nguy cơ gây vô sinh nữ.

Như vậy, có rất nhiều bệnh phụ khoa có thể biến chứng gây vô sinh – hiếm muộn ở phụ nữ nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sớm. Do đó, chị em nên chú ý đề phòng bằng cách khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, ít nhất 1 năm/ lần. Nếu mắc bệnh, cần phải điều trị dứt điểm theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ