Những băn khoăn chờ giải đáp

GD&TĐ - Vấn đề quan trọng nhất trong những ngày tới là tăng cường công tác truyền thông, tư vấn về Thông tư 08...

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (gọi tắt là Thông tư 08) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5.

Những quyết sách mới của Thông tư 08 thể hiện khá rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, bộ ban ngành liên quan đối với quyền lợi, chính sách và lợi ích của cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành; giải quyết được những bất cập của chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT trước đó. Vì thế khi được ban hành, Thông tư 08 nhận sự hoan nghênh đặc biệt của đông đảo nhà giáo trên cả nước.

Tuy vậy, bên cạnh đa số ý kiến đồng thuận, một số giáo viên khi tiếp cận Thông tư 08 cũng bày tỏ băn khoăn về việc xếp hạng. Các giáo viên lớn tuổi, bằng cấp mới chuẩn hóa, hay giáo viên có trình độ đại học, có thành tích lâu năm cho rằng so với giáo viên trẻ, thầy cô nhóm này thiệt thòi hơn.

Nhiều người vẫn chưa hài lòng khi thông tư mới còn buộc giáo viên phải có 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Đội ngũ nhân viên hành chính phục vụ trong các nhà trường cũng lắm tâm tư, khi so sánh với giáo viên, bởi công việc đang kiêm nhiệm nhiều nhưng chính sách chưa “để mắt” tới.

Đáng chú ý, vẫn còn số đông cán bộ, giáo viên chưa hiểu rõ về cách xếp lương, xếp hạng, thăng hạng nhưng không nhận được sự tư vấn, hướng dẫn thống nhất. Mới đây, nghiên cứu Thông tư 08, một số thầy cô được cán bộ quản lý, kế toán trường học cho hay chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được cấp sau ngày 30/6/2022 sẽ không được thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với từng cấp học.

Không ít nhà giáo có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp nhưng cấp sau 30/6/2022 đã lo lắng vì sẽ phải học chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo cấp học, mới đủ điều kiện thi, xét, xếp hạng, thăng hạng, như vậy sẽ tốn kém, mất thời gian.

Thực tế cho thấy, một chính sách mới ra đời khó đáp ứng được kỳ vọng của 100% người thụ hưởng, nhất là khi tầm ảnh hưởng của chính sách đến nhóm đối tượng chiếm số đông. Thông tư 08 cũng không ngoại lệ. Dù đã nhận được sự góp ý của 63 sở GD&ĐT với sự tham gia của gần 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, đặc biệt là sự tham gia góp ý trực tiếp của hơn 580 nghìn giáo viên trên hệ thống TEMIS, nhưng để sửa đổi trọn vẹn một thông tư có quá nhiều bất cập như chùm Thông tư 01-04 là điều hết sức khó khăn.

Nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong quá trình xây dựng và ban hành Thông tư 08 là rất lớn, nhưng rõ ràng, trong hệ thống luật pháp nói chung, những quy định của thông tư này cũng không thể trái với các văn bản luật cao hơn như Luật Viên chức 2010 và Nghị định 101/2017/NĐ-CP.

Trong khi việc trả lương theo vị trí việc làm tại Nghị quyết 27/NQ-TW được xem là phù hợp, đúng đắn nhất nhưng đến nay vì nhiều lý do khách quan mô hình này vẫn chưa đi vào thực tế. Mới đây, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ cũng mới đặt ra nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo giáo viên cả nước, việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ GD&ĐT trong vòng 6 tháng kể từ ngày Thông tư 08 có hiệu lực thi hành. Những bất cập, nếu còn, chắc chắn sẽ được Bộ GD&ĐT tiếp tục xem xét, hướng dẫn, hoặc điều chỉnh sửa đổi vào thời điểm thích hợp.

Để có thể khẩn trương đưa các quyết sách vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của đông đảo cán bộ, giáo viên, vấn đề quan trọng nhất trong những ngày tới là tăng cường công tác truyền thông, tư vấn về Thông tư 08. Không nên để thầy cô rơi vào cảnh như một số bạn đọc của Báo Giáo dục & Thời đại cho biết, “hỏi Nội vụ thì chỉ Giáo dục, hỏi Giáo dục thì chỉ Nội vụ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ