Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, số 02/2021/TT-BGDĐT, số 03/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; trường tiểu học công lập; trường THCS công lập; trường THPT công lập.
Tiêu chuẩn của các hạng chức danh nghề nghiệp còn chưa hợp lý vì: Mỗi hạng chức danh nghề nghiệp đều có tiêu chuẩn về việc thực hiện nhiệm vụ về đạo đức nghề nghiệp; trình độ đào tạo bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, mỗi tiêu chuẩn có rất nhiều tiêu chí. Như vậy, mỗi hạng giáo viên có thể phải đảm bảo đạt đến 24 tiêu chí, ở hạng cao hơn, giáo viên phải đạt thêm nhiều tiêu chí khác. Đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.
Bộ GD&ĐT cho biết: Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập trong các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ). Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm.
Về việc này, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tại tài liệu giải đáp khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của địa phương trong việc triển khai thực hiện các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT (gửi kèm Công văn số 416/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 26/4/2021). Đồng thời, có văn bản trả lời riêng Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Đề nghị cử tri kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó, theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập bao gồm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Càng ở hạng cao, đòi hỏi giáo viên càng phải có ý thức hơn trong phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp; có trình độ đào tạo và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cao hơn hạng dưới để bảo đảm thực hiện được các nhiệm vụ có tính chất phức tạp hơn. Do đó, các quy định về tiêu chuẩn tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là thực hiện theo các quy định chung của tất cả ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT phát sinh một số bất cập. Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát, sửa đổi các Thông tư này để đảm bảo thống nhất với quy định mới và khắc phục một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trên cơ sở đảm bảo quy định của pháp luật.