Những bài thuốc dân gian điều trị đổ mồ hôi trộm

GD&TĐ - Bệnh ra mồ hôi trộm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nó vẫn cứ “ưu tiên” cho độ tuổi thanh thiếu niên nhiều hơn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện tượng “chảy nước” từ cơ thể thường xảy ra trong lúc đang ngủ. Đó là một loại mồ hôi tuôn ra một cách thầm lặng và ngoài sự kiểm soát của khổ chủ. Người ta gọi là ra mồ hôi trộm.

1. Tên gọi của một tình trạng sức khỏe

Rồi một ngày nọ, có người thắc mắc: Cớ sao cơ thể mình lại bị ướt đẫm ngay khi vừa thức giấc? Cái cảm giác ướt đẫm khó chịu này ban đầu được đổ thừa là do nắng nóng. Nhưng rồi, họ lại phát hiện ra rằng ngay cả khi trời mát mẻ và thậm chí là mùa đông rét căm căm thì nó vẫn cứ thế.

Nghĩa là mồ hôi không biết từ đâu vẫn cứ tuôn trào tắm ướt cơ thể chủ nhân. Vậy thì có vấn đề rồi! Cái vấn đề mà khổ chủ khám phá ra trước khi được bác sĩ kết luận đó chính là bệnh ra mồ hôi trộm.

Cái tên bệnh nghe cũng thật kỳ. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì chủ nhân hay khổ chủ của bệnh này khi thức thì mồ hôi “sợ” không ra. Chỉ đợi khi khổ chủ nhắm mắt ngáy khò khò thì mồ hôi lại tuôn ra “như thác đổ”, có người đã từng mô tả như thế!

Điều đáng ngạc nhiên là việc ra mồ hôi không có liên quan gì đến thời tiết nắng nóng hay mưa dầm mát lạnh... Mồ hôi cứ hành xử theo nguyên tắc: Khổ chủ ngủ thì chảy ra, khổ chủ thức thì thôi không chảy nữa! Cứ hệt như một trò chơi ú tim thật là kỳ cục. Bệnh không gây ra điều gì nguy hiểm cho người mắc, nhưng làm bực mình và nhiều khi là khốn khổ hết chỗ nói.

2. Đối tượng, nguyên nhân và hậu quả liên quan

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bệnh ra mồ hôi trộm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nó vẫn cứ “ưu tiên” cho độ tuổi thanh thiếu niên nhiều hơn. Mức độ ra mồ hôi trộm có thể là toàn thân hoặc cục bộ ở một vùng như trán, nách, tay, chân...

Y học cổ truyền cho rằng nguyên nhân là do âm hư, nhiệt thịnh làm thoát tân dịch ra ngoài cơ thể. Cần bổ sung cho cơ thể các món giải nhiệt, bổ âm như hạt sen, lá dâu, cà chua, đậu đen, ba ba... Tránh dùng các chất kích thích như bia rượu, cà phê, thuốc lá, chè trà đặc hoặc các chất gia vị quá cay.

Nhưng nếu đối tượng mắc bệnh là trẻ nhỏ, thì ra mồ hôi trộm lại là một biểu hiện của nhiều loại bệnh lý khác cần được quan tâm, thăm khám chuyên khoa và chăm sóc điều trị tích cực. Sau đây là các bệnh lý liên quan và các hậu quả do ra mồ hôi trộm mang lại ở trẻ nhỏ

- Bệnh còi xương; Ra mồ hôi trộm là dấu hiệu chỉ điểm đầu tiên. Trẻ bị còi xương có nguy cơ thiếu vitamine D, tụt calci và thiếu nhiều chất vi lượng khác. Nếu không được kịp thời bổ sung sẽ gây ra tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật và để lại các di chứng nặng nề.

- Khóc nhè, mất ngủ: Trẻ hay quấy khóc và thiếu ngủ do mồ hôi trộm ra nhiều gây bức rức, khó chịu cho trẻ.

- Rối loạn tiêu hóa: Ra nhiều mồ hôi trộm sẽ gây mất nước, mất muối dẫn đến các rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, táo bón.

- Gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của trẻ khiến cho trẻ bị sa sút trí tuệ và chậm phát triển.

- Dễ mắc các bệnh rôm sảy, nấm da, ngứa và các bệnh nhiễm trùng da như mụn nhọt, viêm da... vì mồ hôi trộm ra nhiều làm cho cơ thể luôn bị ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.

3. Những phương thuốc dân gian

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiều người rỉ tai nhau món “đặc sản” cháo trai nấu với lá dâu để chữa bệnh ra mồ hôi trộm. Cách nấu như sau: Trai đồng 5 con, lá dâu non 30g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 50g, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ.

Ngâm trai với nước muối pha loãng độ 1 giờ, rồi rửa sạch cho vào nồi luộc với 100 ml nước để lấy ruột trai và lọc lấy nước trong sau luộc. Loại bỏ phần đất dính ở ruột trai, rồi thái nhỏ, ướp gia vị và xào lên cho thơm. Lá dâu thái nhỏ như sợi miến, gạo nếp gạo tẻ xay thành bột mịn.

Cho thêm nước vào nước luộc trai và cho bột gạo vào khuấy đều, đun lửa nhỏ khi cháo chín thì cho lá dâu, thịt trai vào và nêm gia vị là có thể múc ra thưởng thức. Ngày ăn hai lần liên tục trong một tuần lễ. Có thể lặp lại món ăn khoái khẩu này để trước là chữa bệnh sau là bồi dưỡng.

Ngoài ra còn có món tim heo luộc được nhiều người ưa chuộng như sau: Tim heo luộc với các vị thuốc nhân sâm, đương quy (mỗi vị 10 gram - hỏi mua tại các tiệm thuốc Đông Y).

Luộc xong chỉ ăn tim heo, bỏ xác thuốc. Bên cạnh các món ăn trị bệnh, còn có món nước uống góp phần làm bệnh mau khỏi hơn. Chế biến món nước uống trị bệnh ra mồ hôi trộm theo công thức như sau: 49 gốc hẹ, nấu với 400 ml nước, đến khi cạn còn 200 ml, uống dần trong ngày thay cho nước thường.

Nếu không may mắc bệnh ra mồ hôi trộm mọi người thử bắt tay vào chế biến các món ăn, uống trị bệnh cho mình, hoặc “nhờ vả” người thân làm hộ, tất nhiên các khổ chủ của bệnh cũng phải nhiệt tình tham gia cho có ý nghĩa. Các món ăn nói trên không chỉ có tác dụng trị bệnh mà còn là món ăn bổ dưỡng cho cơ thể. Tác dụng đằng nào cũng có lợi cả phải không?

Nếu có biểu hiện ra mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ, các bà mẹ cần đưa đi khám chuyên khoa Nhi để nhận được được những chỉ định điều trị cụ thể và cách chăm sóc theo dõi thích hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.