Nhóm tác giá trường Sư phạm nhân giống cây kỷ tử

GD&TĐ - Kỷ tử là cây thuốc rất phổ biến hơn 2.500 năm trước tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.

Cây kỷ tử có nhiều tác dụng chữa bệnh. Ảnh minh họa: INT
Cây kỷ tử có nhiều tác dụng chữa bệnh. Ảnh minh họa: INT

Nhóm tác giả tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã nghiên cứu quy trình nhân giống in vitro (nuôi cấy mô trong ống nghiệm) cây kỷ tử giúp bảo tồn, tạo nguồn nguyên liệu phong phú loài dược liệu quý này.

Giải bài toán thiếu nguồn giống

TS Bùi Thị Thơ - Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) cho biết, cây kỷ tử hay còn gọi là cây câu khởi, khởi tử, địa cốt tử thuộc họ cà. Đây là cây thuốc rất phổ biến hơn 2.500 năm trước tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.

Trái cây kỷ tử chứa một hàm lượng lớn chất béo có lợi, như protein, can-xi, photpho, caroten, a-xit linoleic, 18 loại a-xit amin… giúp tăng sức đề kháng, tăng cường sinh lý, hỗ trợ giảm cân, cải thiện chức năng gan, chức năng thị giác, làm đẹp da...

Vì thế, các sản phẩm từ kỷ tử được người tiêu dùng rất quan tâm. Trên thị trường Việt Nam, các sản phẩm trái kỷ tử chủ yếu nhập khẩu. Trung Quốc hiện nay vẫn là nhà cung cấp chính các sản phẩm kỷ tử trên thế giới.

Ở Việt Nam, cây kỷ tử tuy đem lại giá trị kinh tế cao, nhưng diện tích trồng còn rất hạn chế, chỉ phân bố ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Sa Pa, Lào Cai, đồng thời trồng để lấy lá nấu canh, làm thuốc chữa ho, sốt.

Hiện nay, nhiều người đã bắt đầu quan tâm đến việc trồng kỷ tử. Tuy nhiên, việc nhân rộng diện tích còn gặp nhiều khó khăn về nguồn giống. Trong đó, trồng bằng cách gieo hạt, sự nảy mầm không đồng đều, chất lượng cây giống và năng suất chưa tốt.

Theo TS Bùi Thị Thơ, nuôi cấy mô thực vật là một công cụ để nhân giống vô tính, cho phép nhân nhanh các giống cây trồng trong điều kiện kiểm soát được các điều kiện môi trường. Ở trong nước hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về quy trình sản xuất giống cây kỷ tử in vitro được công bố.

Trước nhu cầu về nguồn cây giống kỷ tử sạch bệnh, số lượng lớn tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, nhóm tác giả Trường Đại học Sư phạm đã thực hiện nghiên cứu nhân giống in vitro cây kỷ tử. Theo đó, hạt giống kỷ tử thu từ quả Trung Quốc nhập khẩu được rửa sạch, sau đó đưa vào tủ nuôi cấy để khử trùng.

Công thức khử là ngâm hạt trong cồn 70 độ trong 3 phút. Rửa sạch hạt ba lần với nước cất vô trùng, sau đó cấy hạt vào môi trường MS (môi trường tổng hợp được pha sẵn, chứa đầy đủ khoáng đa lượng, vi lượng, vitamin, được sử dụng phổ biến trong nuôi cấy mô thực vật).

Sau ba tuần nuôi cấy, chồi cây con in vitro có chiều cao khoảng 5 - 6 cm, 6 - 8 lá/cây. Sau đó, chồi cây con được cắt ngắn khoảng 1 - 1,5 cm để tiến hành nhân nhanh chồi. Các đoạn chồi sau nhân nhanh được tách và chuyển qua môi trường ra rễ.

Làm chủ quy trình nhân giống

Theo nhóm nghiên cứu, mẫu hạt kỷ tử được theo dõi sau 30 ngày nuôi cấy, kết quả cho thấy, khi tăng dần thời gian khử trùng hạt đã ảnh hưởng đến thời gian hạt nảy mầm. Ở thời gian khử trùng 3 phút, thời gian hạt nảy mầm sớm nhất (sau 8 ngày nuôi cấy), đồng thời cây cũng phát triển tốt hơn, chiều cao cây đạt 6,2 cm; số lá 7,4 lá.

Khi thời gian khử trùng hạt tăng lên 5, 7 và 9 phút, tốc độ nảy mầm của hạt chậm hơn (lần lượt sau 12, 17 và 24 ngày), và cây con in vitro cũng phát triển yếu hơn, điều này thể hiện qua giá trị chiều cao cây và số lá thấp.

TS Bùi Thị Thơ kết luận, phương pháp khử trùng mẫu hạt kỷ tử đơn giản và hiệu quả là cồn 70 độ trong thời gian 3 phút, cho tỉ lệ nảy mầm 67,2% sau hai tuần nuôi cấy. Môi trường MS nhân nhanh chồi in vitro, với hệ số nhân chồi đạt 7,35 chồi/mẫu; chiều cao chồi đạt 1,9 cm; số lá/chồi đạt 5,3 lá sau ba tuần nuôi cấy.

“Năm 2016, một nhóm các nhà khoa học Pháp đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của sodium hypochlorite 5% đến hiệu quả khử trùng của mẫu hạt kỷ tử. Kết quả đạt được hiệu quả nảy mầm khoảng 50% và không có sự nhiễm mẫu được ghi lại. Hạt được nảy mầm và phát triển tốt trên môi trường MS cơ bản, sau 30 ngày nuôi cấy chiều cao cây khoảng 5 - 8cm, và chiều dài rễ đạt 10cm.

Trong nghiên cứu này, chúng tôi dùng phương pháp khử trùng cồn 70 độ trong thời gian 3 phút cho hiệu quả nảy mầm 67,2%. Như vậy, phương pháp khử trùng hạt kỷ tử cho hiệu quả tương đương với nhóm tác giả trên, nhưng về mặt phương pháp thì đơn giản hơn và không dùng đến hóa chất gây ô nhiễm”, TS Bùi Thị Thơ chia sẻ.

Môi trường tạo rễ in vitro cho tỷ lệ ra rễ 95,57%, số rễ/chồi đạt 5,9 rễ, chiều dài rễ 3,03 cm sau ba tuần nuôi cấy. Nghiên cứu cho thấy, quy trình nhân giống kỷ tử là phương pháp triển vọng, có thể chuyển giao để cung cấp giống cây trồng chất lượng cao có khả năng thương mại, nâng cao năng suất, giảm chi phí trong sản xuất cho người dân.

Kỷ tử được biết đến như một loại siêu trái cây, siêu thực phẩm được sử dụng trong Đông y để chữa bệnh, đồng thời làm món ăn, thức uống. Trong quả và rễ kỷ tử chứa các hợp chất giúp tăng cường sức khỏe, tuổi thọ, thị lực, chức năng của gan và thận, khả năng miễn dịch; ngăn ngừa các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư; giảm nồng độ cholesteron trong máu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.

Thế giới Cây và hoa Việt Nam