Các nhà khoa học đã nhân giống và sản xuất ba loài cây thủy sinh (Tiêu thảo lá nhăn, Bucep và Trầu bà lá nhỏ), có giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giảm phụ thuộc vào nhập khẩu
TS Đỗ Đăng Giáp - Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, hiện nay nhu cầu hồ thủy sinh và kinh doanh cây thủy sinh ngày càng tăng cao, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, hầu hết loại cây thủy sinh đều được nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Indonesia… với giá thành cao.
Từ sự phát triển mạnh mẽ của thị trường cá cảnh cho thấy tiềm năng to lớn của ngành cây thủy sinh và các dịch vụ đi kèm khác. Do đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất cây giống giúp cung cấp nguồn cây kiểng thủy sinh chất lượng, giá thành cạnh tranh sẽ được thị trường đón nhận mạnh mẽ.
Một bất cập ở các thành phố lớn là diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp, cùng với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì thế, nông dân thành phố đang dần chuyển hướng sang nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng cũng như sản lượng của cây trồng.
“Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây cảnh thủy sinh sạch bệnh, sẽ giúp sản xuất cây giống nhanh chóng, chất lượng và đặc biệt là tạo nguồn giống sạch bệnh hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế tại TPHCM”, TS Đỗ Đăng Giáp nhận định.
Nhóm đã bắt tay nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nhân giống và sản xuất các loài cây thủy sinh Tiêu thảo lá nhăn (Cryptocoryne wendtii), Bucep (Bucephalandra motleyana) và Trầu bà lá nhỏ (Anubias barteri var. nana), có giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường TPHCM và xuất khẩu.
Từ đầu vào là 36 mẫu cây thủy sinh (12 mẫu mỗi loài) được thu thập trực tiếp tại thị trường trên địa bàn TPHCM, các nhà khoa học tại Viện Sinh học nhiệt đới đã chọn lọc được các cây tương ứng sạch virus phục vụ cho nhân giống.
Nhóm đã xây dựng và hoàn thiện quy trình nhân giống 3 cây thủy sinh trong điều kiện in vitro (ống nghiệm). Tiếp đó, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng quy trình nuôi trồng cây giống có nguồn gốc in vitro trong vườn ươm thông qua các nội dung nghiên cứu để xác định điều kiện sống thích hợp cho từng loại cây giống thuỷ sinh in vitro như khảo sát giá thể, cường độ chiếu sáng, nhiệt độ, độ ẩm.
Nghiên cứu tác động của các yếu tố như nồng độ dinh dưỡng, điều kiện chiếu sáng, nhiệt độ và điều kiện sục khí đến sự sinh trưởng và phát triển của cây giống trong hồ thuỷ sinh.
Sản xuất thử nghiệm thành công
Kết quả của nhiệm vụ cũng đã đưa ra một quy trình nhân giống có tỷ lệ nhân giống rất cao, đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở kinh doanh hoặc trồng thủy sinh trên địa bàn TPHCM. Đối với một quy trình như ở Phòng Công nghệ Tế bào Thực vật (Viện Sinh học nhiệt đới) thì hàng năm có thể sản xuất ra từ 100 nghìn đến 1 triệu cây giống.
Đến thời điểm hiện tại, TS Đỗ Đăng Giáp và các cộng sự đã hoàn thiện nhiệm vụ với kết quả ghi nhận được là các quy trình nhân giống in vitro, quy trình thuần dưỡng với ba loài cây thuỷ sinh Tiêu thảo lá nhăn, Bucep và Trầu bà lá nhỏ. Cùng với đó, nhóm triển khai nhiệm vụ cũng đã sản xuất 1.500 cây giống thuộc ba loài trên theo quy trình nhân giống hoàn thiện. Các sản phẩm cây con khỏe mạnh, chất lượng.
Theo TS Đỗ Đăng Giáp, kết quả của nhiệm vụ đã góp phần đưa công nghệ sinh học ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất các cây kiểng thủy sinh phục vụ nhu cầu thực tiễn tại TPHCM. Đồng thời, việc nhân giống không chỉ giải quyết nhu cầu của thị trường, làm giảm áp lực với quần thể tự nhiên và cũng như tạo cơ hội phát triển cây thủy sinh thương mại.
Nhóm đã tạo được 6 quy trình, trong đó có 3 quy trình nhân giống và 3 quy trình thuần dưỡng đối với cây giống in vitro của 3 loài cây thuỷ sinh là Tiêu thảo lá nhăn, Trầu bà lá nhỏ và Bucep.
Thành quả của nhiệm vụ đã cho thấy Viện Sinh học nhiệt đới hoàn toàn đủ năng lực và kinh nghiệm để tiến hành chuyển giao công nghệ nhân giống, thuần dưỡng và ươm tạo đối với từng loại cây thủy sinh nói trên cho các hộ nuôi trồng tại TPHCM nói riêng cũng như nhiều tỉnh, thành khác nói chung; và các cơ sở sản xuất cây thủy sinh, cơ sở kinh doanh trong tương lai có thể kết hợp với Viện Sinh học nhiệt đới để chủ động ứng dụng kết quả này, từng bước phát triển ngành nông nghiệp đô thị hiện đại.
Kết quả này cũng là cơ sở để chuyển giao công nghệ, sản xuất cây giống thủy sinh cung cấp đến các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh thủy sinh tại TPHCM, khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
TS Đỗ Đăng Giáp chia sẻ: “Từ kết quả của nhiệm vụ là những giống đẹp, lạ, có khả năng thị trường cao thì quy trình nhân giống mà chúng tôi đề xuất có thể áp dụng vào để sản xuất, đáp ứng được nhu cầu cần thiết của thị trường một cách nhanh chóng”.