Nhóm nghiên cứu đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thử nghiệm thành công trồng cây có khả năng hấp thu hiệu quả các khoáng chất có độc tính từ nguồn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm trong đất và nước.
Tìm ra loại cỏ “thần kỳ”
Nhóm sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam gồm Vũ Hoài Nam (trưởng nhóm), Nguyễn Minh Xuân, Nguyễn Trung Hưng, Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Quỳnh Sa, Nguyễn Đỗ Hoàng Tùng và Trần Đức Duy đã nghiên cứu thành công loại cỏ hấp thu độc chất trong đất canh tác ở vùng cao.
Sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật đang là vấn nạn, thách thức của nền nông nghiệp. Hệ quả là thoái hóa đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, làm tồn dư các hóa chất độc hại trong đất, rồi cây trồng lại hấp thụ các hóa chất độc hại đó, khiến nông sản không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, dù mới chỉ chuyển mình sang chuyên canh cây trồng những năm gần đây nhưng thực trạng này cho thấy các vùng “đất chết” xuất hiện ngày càng nhiều ở miền núi phía Bắc. Ngoài việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, nguồn phân bón chưa đảm bảo cũng khiến vi sinh vật trong đất và nước quanh khu vực canh tác chết dần gây ảnh hưởng rất lớn.
Việc sớm tìm ra giải pháp an toàn và hiệu quả cao để áp dụng vào các khu vực chuyên canh cây trồng tại các khu vực miền núi phía Bắc ở thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết do đây là ngành kinh tế mang lại thu nhập chủ yếu và đảm bảo đời sống cho người dân.
Vũ Hoài Nam chia sẻ, cỏ vetiver có khả năng hấp thu hiệu quả các khoáng chất mang độc tính từ nguồn phân bón chưa đảm bảo hoặc do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, với hệ rễ đâm sâu và lan rộng có thể nói là “khổng lồ” của mình, cỏ vetiver còn có công dụng chống xói mòn khi được trồng tại các khu vực có độ dốc lớn. Bằng sức sống mãnh liệt, cỏ vetiver có thể sống được cả trong mùa khô và không tốn nhiều công để chăm sóc.
Cỏ vetiver còn mang tác dụng chỉ thị ô nhiễm môi trường đất vì vậy khi trồng còn có thể sử dụng để làm chỉ thị cho tình trạng, mức độ trong lành hay ô nhiễm, thích hợp hay không của cây trồng đối với môi trường sinh thái.
Qua những công dụng tuyệt vời đó, giải pháp trồng cỏ vetiver tại các khu vực chuyên canh cây trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm giảm thiểu dư lượng các khoáng chất có độc tính trong môi trường đất và nước là giải pháp hợp lý và cần thiết ở thời điểm hiện tại.
Cỏ vetiver có khả năng hút độc chất trong đất, phòng ngừa xói mòn đất. Ảnh minh họa: ITN |
Vừa hút độc chất, vừa chống xói mòn
Trưởng nhóm Vũ Hoài Nam cho biết, giải pháp mang tính an toàn, đơn giản và hiệu quả. Tính năng chính của giải pháp là hấp thu các khoáng chất có độc tính từ nguồn phân bón và thuốc bảo vệ thực gây ô nhiễm trong đất và nước tại các khu vực chuyên canh cây trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cụ thể là khu vực trồng hoa hồng tại Lai Châu.
Ngoài ra, với đặc điểm bề mặt canh tác chủ yếu là đồi núi dốc tại khu vực miền núi, bộ rễ cỏ vetiver cũng là một công cụ tuyệt vời để giảm thiểu xói mòn đất và hạn chế rửa trôi các chất dinh dưỡng trong và trên mặt đất.
Cỏ vetiver cũng là cây chỉ thị ô nhiễm môi trường đất rất hiệu quả. Từ đó những người nông dân có thể nhận biết khi nào môi trường canh tác không còn tích hợp cho cây trồng phát triển và có biện pháp xử lý kịp thời.
Trồng cỏ vetiver dễ thực hiện, không cần nhân lực chất lượng cao cũng như trang thiết bị hiện đại để kiểm soát. Chi phí đầu tư thấp do sức sống và mức độ đẻ nhánh của cỏ vetiver rất lớn và nhanh chóng.
Đồng thời cũng phù hợp với khu vực miền núi phía Bắc chủ yếu là nhân lực phổ thông do đó không thể vận dụng các biện pháp phức tạp vào việc xử lý dư lượng các chất mang độc tính có trong môi trường đất và nước.
Phương thức thực hiện dễ dàng và chỉ cần hướng dẫn bởi các chuyên gia vào thời điểm đầu. Sau đó những người nông dân có thể hướng dẫn cho nhau để có thể triển khai rộng rãi tại khắp các khu vực, phù hợp với mọi loại cơ cấu cây trồng khác nhau của các tỉnh miền núi phía Bắc.
PGS.TS Nguyễn Văn Lộc - giảng viên Cao cấp, Phó bộ môn Cây lương thực – khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao dự án do có tiềm năng ứng dụng ngay vào thực tiễn.