Chế phẩm xua đuổi côn trùng từ cây cỏ

GD&TĐ - Từ tinh dầu giổi chanh, tràm gió, bạc hà á, sả chanh... đã tạo ra chế phẩm xua đuổi côn trùng an toàn cho sức khỏe con người và môi trường.

Giổi chanh là một trong những loài thảo dược chứa hoạt chất xua đuổi côn trùng rất hiệu quả.
Giổi chanh là một trong những loài thảo dược chứa hoạt chất xua đuổi côn trùng rất hiệu quả.

Xua đuổi côn trùng nguy hại

TS Lưu Đàm Ngọc Anh và cộng sự ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN cấp bằng độc quyền sáng chế cho “Chế phẩm xua đuổi và phòng trừ côn trùng”.

Sáng chế đề xuất chế phẩm mới có nguồn gốc thảo mộc, có tác dụng phòng trừ và xua đuổi các loài côn trùng, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti là tác nhân trung gian lan truyền các bệnh nguy hiểm cho con người và động vật như sốt xuất huyết Dengue, sốt vàng da, vius Zika gây dị tật đầu nhỏ của thai nhi...

Ngoài ra, chế phẩm còn có tác dụng phòng trừ và xua đuổi các loài mối gây hại cho công trình xây dựng, kho lưu trữ tài liệu, thư viện; các loài kiến, các côn trùng ký sinh trên da vật nuôi.

TS Lưu Đàm Ngọc Anh cho biết, côn trùng là lớp chiếm số lượng lớn nhất trong giới động vật, chiếm gần 80% các loài động vật trên Trái đất, trong đó 10.000 loài được coi có hại hoặc gây nguy hiểm cho con người. Chúng thường gây nguy hiểm với 2 nhóm chính.

Trong y tế là các vectơ truyền bệnh cho người và động vật. Trong nông nghiệp, chúng phá hoại mùa màng (50% nguyên nhân gây mất mùa lúa là do côn trùng, gây thất thu 1/3 vụ ngô, và gần 1/5 mùa lúa mỳ). Các loài côn trùng gây hại phổ biến quanh con người có thể kể đến như ruồi, muỗi, kiến, gián, mối…

Chúng không những gây nhiều phiền toái cho cuộc sống con người khi chúng xuất hiện với số lượng lớn, mà còn là tác nhân trung gian lan truyền các mầm bệnh nguy hiểm cho con người và động vật… Trong số đó, muỗi là tác nhân nguy hiểm nhất, chúng là tác nhân lan truyền nguồn bệnh để gây ra các dịch bệnh lớn trên thế giới và Việt Nam.

Trên thế giới các công trình nghiên cứu chủ yếu tập trung tìm kiếm các hoạt chất có khả năng diệt ấu trùng các loài muỗi truyền bệnh (bọ gậy trong môi trường nước), trong khi các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên có khả năng phòng trừ và xua đuổi côn trùng trưởng thành, đặc biệt là các hợp chất không độc với người, có phổ tác dụng rộng với nhiều loài côn trùng chưa được nghiên cứu nhiều.

Nhu cầu về chất diệt côn trùng an toàn cho sức khỏe con người là rất lớn. Nhóm nghiên cứu đã bắt tay nghiên cứu tìm hiểu các hoạt chất trong cây cỏ Việt Nam để tạo ra chế phẩm xua đuổi côn trùng.

Hoạt chất mới phát hiện

Theo sáng chế, chế phẩm được điều chế từ hỗn hợp với tỷ lệ nhất định của một số tinh dầu của các loài cây hiện có ở Việt Nam, gồm tinh dầu các loài giổi chanh (Magnolia citrata), tràm gió (Melaleuca cajuputi), bạc hà á (Mentha arvensis), sả chanh (Cymbopogon citratus), hỗn hợp có chứa các thành phần chính như: linalool, sabinene, citronelal, neral, geranial, citral đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có khả năng xua đuổi côn trùng. Việc phát hiện các hợp chất này có trong cây giổi chanh (Magnolia citrata) chưa từng được đề cập trong các giải pháp đã biết.

Chế phẩm có phổ tác dụng rộng, ngoài việc phòng trừ và xua đuổi côn trùng gây bệnh như muỗi truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, bệnh do virus Zika; bọ chét truyền bệnh dịch hạch…

Ngoài ra, chế phẩm còn sử dụng hiệu quả phòng trừ các ký sinh trùng trên da của vật nuôi, bảo vệ các kho lưu trữ tài liệu, thư viện trước sự phá hại của tác nhân sinh học (mối, kiến)… Chế phẩm có nguồn gốc từ thảo dược nên an toàn cho con người đặc biệt là trẻ em; thay thế cho các sản phẩm tương tự có nguồn gốc hóa học ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các loài vật nuôi.

Theo nhóm nghiên cứu, chế phẩm là minh chứng cho việc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên hiện có của Việt Nam để sản xuất chế phẩm sinh học có tác dụng xua đuổi và phòng trừ côn trùng trong khi nhiều chế phẩm sinh học hiện nay vẫn đang phải nhập khẩu từ nước ngoài và có giá thành cao.

Theo nhóm nghiên cứu, các chất chiết xuất từ thực vật và tinh dầu cung cấp những giải pháp bổ sung để quản lý sâu bệnh hại, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Do tác động bất lợi của thuốc trừ sâu tổng hợp đối với môi trường và sức khỏe con người, cần phải xây dựng các chiến lược kiểm soát thay thế để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động