Nhóm học sinh mang đến cái nhìn mới về 'chữ hiếu' trong gia đình

GD&TĐ - Tiếp cận chữ hiếu với góc nhìn rộng mở hơn, 2 học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu mong góp tiếng nói 'thức tỉnh' thế hệ trẻ và cả bậc làm cha mẹ.

Nguyễn Đoàn Thùy Dương, Hồ Nam Quang Sáng cùng cô giáo hướng dẫn Lê Thị Long (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) giành giải Nhất cuộc thi KHKT tỉnh Nghệ An với đề tài về chữ hiếu. Ảnh: Hồ Lài.
Nguyễn Đoàn Thùy Dương, Hồ Nam Quang Sáng cùng cô giáo hướng dẫn Lê Thị Long (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) giành giải Nhất cuộc thi KHKT tỉnh Nghệ An với đề tài về chữ hiếu. Ảnh: Hồ Lài.

Dự án “Nâng cao nhận thức về hiếu nghĩa trong gia đình cho học sinh THPT” cả 2 tác giả Nguyễn Đoàn Thùy Dương, Hồ Nam Quang Sáng (học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi KHKT tỉnh Nghệ An năm học 2022-2023.

Chọn đề tài truyền thống

Chữ hiếu – là vấn đề quen thuộc trong cuộc sống, vì vậy khi đưa đề tài này dự thi KHKT ở lĩnh vực khoa học xã hội hành vi, Nguyễn Đoàn Thùy Dương và Hồ Nam Quang Sáng đã cân nhắc rất nhiều. Bởi những điều càng quen thuộc sẽ càng khó tìm cái mới, hay định hình một giá trị đạt được sau dự án. Là người ấp ủ và lên ý tưởng, Thùy Dương chia sẻ, hiện nay khi đọc tin tức trên báo chí, phương tiện truyền thông, mạng xã hội rất dễ tìm thấy những câu chuyện đau lòng về hành vi ứng xử bất hiếu của con cái với cha mẹ. Trong đó có không ít đối tượng ở lứa tuổi học sinh THPT.

“Em cho rằng đây là một thực trạng đáng lo ngại, cần được nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp để chữ hiếu vẫn được duy trì với những giá trị tốt đẹp trong truyền thống và phù hợp với cuộc sống, xu thế, quan điểm hiện đại. Em chia sẻ ý tưởng này với cô giáo và được cô ủng hộ, giới thiệu cho em thêm 1 bạn đồng hành là bạn Hồ Nam Quang Sáng”, Thùy Dương chia sẻ.

Hai bạn Nguyễn Đoàn Thùy Dương, Hồ Nam Quang Sáng (học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đưa vấn đề chữ hiếu vào thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2022-2023. Ảnh: Hồ Lài.

Hai bạn Nguyễn Đoàn Thùy Dương, Hồ Nam Quang Sáng (học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đưa vấn đề chữ hiếu vào thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2022-2023. Ảnh: Hồ Lài.

Chữ hiếu là phạm trù rộng, nên sau khi 2 bạn gặp nhau, cùng trao đổi, thảo luận và quyết định chọn chủ đề “Xây dựng chữ hiếu trong gia đình và mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái”. Giữa bố mẹ và con cái có sự khác biệt thế hệ, suy nghĩ, quan điểm, nhất là lứa tuổi THPT có cái tôi lớn. “Vậy làm thế nào để kéo gần khoảng cách thế hệ, và cha mẹ - con cái có thể nói chuyện, thấu hiểu, yêu thương, trách nhiệm với nhau là điều mà em muốn tìm câu trả lời”, nam sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho hay.

Những con số “giật mình”

Trong quá trình thực hiện dự án, Thùy Dương và Quang Sáng đã lập phiếu “Bạn hiểu thế nào về hiếu nghĩa trong gia đình” và tiến hành khảo sát đến 2.600 học sinh tại các trường THPT trên địa bàn thành phố Vinh.

Trong phiếu khảo sát, 2 tác giả đã đưa ra nhiều câu hỏi như: “Bạn được tiếp cận các nội dung về hiếu nghĩa trong gia đình từ đâu?”, “Những tiêu chí nào dưới đây phù hợp với hiếu nghĩa trong gia đình?”, “Bạn có phản ứng như thế nào trước lời khuyên của cha mẹ?”…

Nhóm tác giả phát phiếu khảo sát với những câu hỏi liên quan đến vấn đề hiếu nghĩa trong gia đình đến học sinh THPT trên địa bàn TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Nhóm tác giả phát phiếu khảo sát với những câu hỏi liên quan đến vấn đề hiếu nghĩa trong gia đình đến học sinh THPT trên địa bàn TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Kết quả thu lại cũng có nhiều điều bất ngờ và giật mình. Ví dụ câu hỏi khi bố mẹ đưa ra lời khuyên thì các bạn ứng xử như thế nào, có tới 39% chọn nghe lời hoặc không phản đối; 22% không nghe lời hoặc bỏ đi nơi khác và 17% chọn tranh cãi vì cho rằng mình làm đúng và những điều bố mẹ yêu cầu là không phù hợp.

Còn câu hỏi “bạn thường nói chuyện, tâm sự với bố, mẹ vào thời gian nào trong ngày và trong khoảng bao lâu” cũng đưa ra nhiều con số đáng suy nghĩ. Trong đó 72% nói chuyện với bố mẹ 1 tiếng/ngày; 17% nói chuyện với bố mẹ 30 phút/ngày và chỉ 11% học sinh cho biết nói chuyện trên 2 tiếng/ngày với bố, mẹ. Nội dung trò chuyện chiếm tới 86 liên quan đến học tập, 33% nói về nhu cầu bản thân học sinh và chỉ 18% nói về tình bạn, tình yêu.

Nguyễn Đoàn Thùy Dương và Hồ Nam Quang Sáng còn có nhiều câu hỏi dành cho thầy cô giáo, phụ huynh để tìm hiểu quan điểm giữa các thế hệ. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Đoàn Thùy Dương và Hồ Nam Quang Sáng còn có nhiều câu hỏi dành cho thầy cô giáo, phụ huynh để tìm hiểu quan điểm giữa các thế hệ. Ảnh: NVCC.

Cùng với phiếu khảo sát dành cho học sinh, nhóm tác giả cũng có câu hỏi dành cho phụ huynh và thầy cô giáo để tìm hiểu suy nghĩ, quan điểm giữa các thế hệ. Qua đó tìm ra giải pháp nhằm xây dựng mối quan hệ người lớn – học sinh gần gũi, thấu hiểu hơn, kéo gần khoảng cách thế hệ.

“Điều thuận lợi là các thầy cô giáo rất ủng hộ và giúp đỡ chúng em rất nhiệt tình, kết nối và tạo điều kiện để em và bạn thực hiện khảo sát thực chất, hiệu quả. Mặt khác những câu hỏi chúng em đưa ra xuất phát từ thực tế gần gũi với chính lứa tuổi THPT nên được các bạn quan tâm, trả lời. Quá trình khảo sát, chúng em cũng tin tưởng rằng số liệu mà mình thu nhận được có tính trung thực, chính xác cao”, Thùy Dương khẳng định.

“Nhật ký gia đình”

Trong số các hoạt động phục vụ cho đề tài khoa học, Thùy Dương và Quang Sáng còn tổ chức cho các bạn tham gia viết “Nhật ký gia đình”. Trong nhật ký sẽ ghi lại những công việc mà mình đã giúp đỡ bố mẹ, hoặc việc xảy ra trong gia đình và suy nghĩ của bản thân. Sau đó là phần nhận xét của bố mẹ. Ban đầu chỉ trong lớp của Thùy Dương và Quang Sáng, nhưng nhiều bạn khác trong trường thấy thú vị và hưởng ứng. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, và cũng có chuyện rất xúc động, hóa giải được khúc mắc trong lòng con cái và bố mẹ.

Nhóm tác giả cùng các bạn học trong lớp đến thăm gia đình văn hóa tiêu biểu tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Nhóm tác giả cùng các bạn học trong lớp đến thăm gia đình văn hóa tiêu biểu tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Đó là chuyện 1 bạn viết hôm nay làm được việc tốt là rửa bát, lau bếp, nhưng bên dưới bố mẹ phê là “rửa chưa sạch”. Hay một bạn lớp 10 viết rằng bản thân rất buồn vì điểm thi chưa như mong đợi, bố mẹ trách mắng. Nhưng ở phía dưới phần tâm sự đó, bố mẹ của bạn ấy cũng trải lòng về lý do trách mắng là chỉ muốn con cố gắng, chăm chỉ để tiến bộ mỗi ngày. Cách thể hiện tình cảm và kỳ vọng đó vô tình khiến con tổn thương, bố mẹ sẽ biết lắng nghe hơn để cả 2 phía cùng có thể nói chuyện được cùng nhau.

Quang Sáng cũng tâm sự, bản thân em nhiều lúc cũng từng trách bố mẹ không hiểu mình, nhưng sau thời gian, chính em nhận ra điều mà bố mẹ nói là đúng đắn. Người lớn có kinh nghiệm, từng trải và mong muốn con cái tránh được sai lầm. Vậy nên chính con cái cũng cần mở lòng hơn, bình tĩnh hơn, thay vì vô tâm và vội phản ứng với bố mẹ. Biết quan tâm hơn đến người thân, gia đình chứ không chỉ hứng thú với bạn bè, các vấn đề ngoài xã hội.

Chữ hiếu từ hai chiều

Với sự kết nối từ giáo viên hướng dẫn và nhà trường, nhóm tác giả được Sở Văn hóa và Thể thao hỗ trợ tranh ảnh tổ chức cuộc “triển lãm tranh về đề tài hiếu nghĩa” và tham gia thuyết trình. Bên cạnh đó, giới thiệu cho 2 bạn những gia đình văn hóa, tứ đại đồng đường để đến trò chuyện, giao lưu ngay trên địa bàn thành phố Vinh. Mục đích trao đổi các vấn đề liên quan đến việc tạo dựng, duy trì và phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của từng thành viên trong gia đình.

Triển lãm tranh về đề tài hiếu nghĩa được đông đảo các bạn học sinh THPT đón nhận. Ảnh: NVCC.

Triển lãm tranh về đề tài hiếu nghĩa được đông đảo các bạn học sinh THPT đón nhận. Ảnh: NVCC.

Các bạn được giới thiệu đến thăm gia đình ông Lê Khắc Trung và Đinh Thị Thất (phường Bến Thủy) và gia đình ông Nghiêm Khuyến (phường Trung Đô) và nhận lại nhiều điều bất ngờ, thú vị. “Ví dụ khi đến nhà ông Trung, trong suy nghĩ của em lúc đó nghĩ ông sẽ nói hiếu nghĩa là con cái phải thực hiện đạo lý, trách nhiệm gì với thế hệ trước. Nhưng điều đầu tiên ông nhắc đến chính là người lớn, ông bà, cha mẹ phải có trách nhiệm gương, mẫu mực thì mới nêu cao truyền thống đạo đức, hiếu nghĩa cho con cháu noi theo. Chữ hiếu phải từ 2 phía chứ không phải từ 1 phía con trẻ”, Thùy Dương cho hay.

Với nhiều hoạt động biện pháp được thực nghiệm, nhóm tác giả đã đúc rút nhiều kiến thức, kỹ năng ứng xử về hành vi phù hợp với hiếu nghĩa trong gia đình. Thành quả nhận lại sau thời gian nghiên cứu nghiêm túc, tâm huyết, dự án KHKT của 2 bạn Thùy Dương và Quang Sáng đã giành giải Nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh Nghệ An.

Cô Lê Thị Long – giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - trực tiếp hướng dẫn nhóm tác giả đề tài cho hay, khi nhận tin giành giải Nhất, cô trò rất vui mừng vì đề tài ở lĩnh vực khoa học xã hội hành vi rất khó để đạt giải cao. “Một số ý kiến hiện nay bày tỏ sự nghi ngờ về vai trò của học sinh trong các dự án nghiên cứu KHKT hoặc ý nghĩa của cuộc thi này. Nhưng nhìn vào quá trình các em thực hiện đề tài, từ đề xuất ý tưởng, đến giải pháp thực nghiệm, lấy số liệu thực tế, nghiên cứu nghiêm túc thì cô hoàn toàn tự tin vào học trò mình.

Giải thưởng các em nhận được là hoàn toàn xứng đáng. Cô giáo chỉ là người hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, kết nối giúp học sinh đến những nơi, những người mà các em cần gặp. Từ cuộc thi, các em cũng đã có hành trang vững chắc về phương pháp tư duy, nghiên cứu, học tập khoa học khi lên các cấp học cao hơn những như làm việc sau này”, cô Long chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ