Nhọc nhằn nghề lái taxi

Nhọc nhằn nghề lái taxi

Kỳ 1: Lên voi, xuống chó

(GD&TĐ) - Một số tài xế taxi ở Hà Nội có nhận định nghề lái taxi bây giờ không bằng nghề đạp xích lô ở những năm 80 của thế kỷ trước. Bởi so với taxi, xích lô không phải đổ xăng cũng chẳng cần bộ đàm… và quan trọng là không phải phân chia lợi nhuận cho ai cả. Lái taxi bây giờ, nuôi mình còn khó!

Áp lực công việc

Công tác điều hành của mỗi hãng taxi đều có những đặc điểm và mức khoán khác nhau. Một số hãng taxi lớn điều xe theo ca, mỗi ca xe là 24 giờ, tài xế nhận “lệnh điều xe” lúc 4h sáng hôm trước và giao trả xe vào 4h sáng ngày hôm sau. Mỗi “ca” có mức khoán tối thiểu là 1 triệu đồng, trong đó hãng thu 45%, người lái hưởng 55%, và phải trả tiền xăng xe trong toàn bộ ca xe đó. Nếu không đủ mức khoán, người lái sẽ hưởng ít hơn 55% tùy theo doanh thu đạt được. Các lái xe tùy theo khả năng, có thể nhận xe trong mỗi ca hoặc liền 2, 3 ca… Một số hãng taxi khác thì ngoài xe của công ty còn có một số xe do tài xế tự mua, được gắn thương hiệu, số điện thoại, đồng hồ đo cước và bộ đàm theo quy định, lái xe phải nộp từ 2-4 triệu đồng/tháng cho những dịch vụ thông báo khách hàng cùng các dịch vụ khác do hãng xe cung cấp, thời gian hoạt động là tùy ý, tài xế cũng chủ động hoàn toàn về thu nhập.

So với những năm trước, công việc dành cho lái xe taxi giờ đây có vẻ như ngày càng ít đi, hoàn thành mức khoán mỗi ca xe đã trở nên rất khó khăn, chật vật đối với nhiều lái xe. Anh Hùng, một tài xế taxi cho biết: Nếu chạy đủ “lệnh”, mình  sẽ phải trả cho công ty 450 nghìn và khoảng 300 - 400 nghìn đồng tiền xăng, số tiền còn thu được khoảng 150- 250 nghìn đồng/ca xe. May mắn có khách đi đường dài thì sẽ được nhiều hơn do giảm được chi phí xăng xe, với nguồn thu như vậy thì dù có cố gắng hết mức thì thu nhập cũng chỉ có thể dừng lại ở con số 4 triệu đồng/tháng. Còn không may vi phạm luật giao thông, bị phạt thì kể như cả tuần thậm chí cả tháng “móm”.

Còn anh Minh, đã từng vay tiền ngân hàng để mua xe hành nghề, sau một thời gian đã phải bán xe, giải nghệ. Lý giải nguyên nhân giải nghệ của mình, anh Minh cho rằng, hiện nay có quá nhiều xe taxi, trong khi đó do điều kiện kinh tế khó khăn, nên số lượng người đi xe cũng giảm. Chính vì thế mà mặc dù có sẵn xe nhưng lượng khách hàng quá ít dẫn đến thu không đủ bù chi.

San sát taxi trên phố
San sát taxi trên phố
 

Ít người gắn bó với nghề

Một số tài xế cho biết, thời gian ngồi trên xe, lái xe liên tục trong nhiều giờ, thức đêm, giờ giấc ăn, ngủ không cố định, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt mới có thể chịu đựng được. Để tiết kiệm chi phí các lái xe thường phải tự tìm cho mình một điểm đỗ trong ngõ vắng hay đỗ nhờ ở sân một cơ quan nào đó gần với nơi hay có khách đi xe, cự ly không quá xa để khi có thông báo từ tổng đài là nhanh chóng đến được ngay địa điểm đón khách.

Vì việc phát thông báo qua bộ đàm chung, nên các xe đang có mặt ở gần địa điểm có khách hàng lập tức cùng ào đến, ai nhanh hơn người đó được, chính vì vậy mà đôi khi người ta vẫn bắt gặp một vài chiếc taxi phóng bạt mạng bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra… Chưa hết các tài xế taxi còn phải đối mặt với thanh tra hãng, theo quy định của một số hãng, thì khi xe vận hành trên đường tuyệt đối không được mở cửa kính, trong khi đó để tiết kiệm xăng, khi không có khách tài xế không bật điều hòa và mở cửa kính nếu thanh tra hãng phát hiện, tài xế sẽ bị phạt trừ vào phần thu nhập vốn đã ít ỏi của mình.

Với đặc thù ngành nghề, qua khảo sát thì đa số các lái xe taxi cho biết, đều đã từng gặp phải những vấn đề về an ninh, nhẹ thì bị khách đi xe “bùng” tiền, nặng hơn thì bị hành hung, thậm chí bị cướp, trấn lột… Chính vì vậy, lái taxi là một nghề mà ít có ai gắn bó lâu dài, nhiều người còn cho rằng, xin việc lái xe taxi là để “luyện tay lái” sau một thời gian là tìm việc khác.

Anh Quang

Kỳ 2: Bài toán nan giải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ