Ước mơ vào giảng đường đại học cháy bỏng trong lòng và thực tế cho thấy rất có thể đấy là giấc mộng bất khả thi, vì chỉ riêng việc hoàn thành chương trình THPT của tôi đã gian nan vô cùng.
Tôi luôn tìm mọi cách để tự học, tận dụng mọi cơ hội để học ngành mà mình thích: Báo chí. Con đường đi đến những bài báo nhỏ của tôi thật không tưởng, nhưng đã thành sự thật nhờ những tấm lòng, trong đó có thầy: Nhà báo K.Đ.
Tôi vẫn nhớ khôn nguôi duyên mà tôi được biết ông và được ông cầm tay chỉ việc theo cách của mình. Khi ấy tôi chập chững viết những mẩu ý kiến giản đơn gửi các báo, lý luận - kỹ năng báo chí là một con số không to tướng trong đầu.
Cô bạn tôi là một nhà báo chính hiệu đã nghĩ nát óc và tìm ra một kế: Cô ấy thiết lập cầu nối cho tôi liên lạc với một nhà báo lão thành từng dạy đại học báo chí, lúc ấy đã về hưu. Và tôi quen ông qua sự giới thiệu của cô bạn, trao đổi qua điện thoại thôi.
Qua những câu chuyện rời rạc, ông hiểu tôi cần gì và đang ở đâu trên hành trình đi đến thủ đắc cái nghề khó khăn này. Cách mà ông làm với tôi giống như cách Phật học gọi là “trực chủ minh tâm kiến tánh tức thời thành Phật”. Phật thì không thành, tất nhiên, nhưng nhờ đấy mà tôi viết được vài bài báo nhỏ, thỏa một giấc mơ xa xỉ.
Đầu tiên và trước hết ông động viên tôi: Cậu có thể viết được đấy, tin tôi đi. Sau đấy, ông bày vẽ: Cậu hãy viết những gì xung quanh mình, những chuyện hàng ngày đấy, chịu khó quan sát và suy ngẫm nhiều vào….
Và nhờ thế, tôi thôi nghĩ chuyện trên mây, quan sát gần gũi xung quanh và viết về hiện thực. Đấy là chị hàng xén cần mẫn quanh năm nuôi chồng tai biến, không một tiếng than, không cần ai khen ngợi, chỉ theo cái nếp gia đình.
Đấy là cô công nhân may lập gia đình đã lâu mà chưa hề biết đến chiếc nhẫn cưới, trong lòng khôn nguôi mơ ước được có một cặp nhẫn cưới như người ta…
Đấy, vị nhà báo cao niên đã dùng tay để chỉ mặt trăng cho tôi thấy và viết, may mắn tôi đã viết được. Ngày nhận mấy trăm ngàn nhuận bút đầu tiên, tôi reo lên, tôi nghĩ đến ông, đến cô bạn nhà báo đã nối nhịp cầu cho tôi.
Tôi mong được gặp ông, thăm gia đình ông, mời ông một ly cà phê… nhưng không được. Nhà báo ấy ở cách xa tôi hàng trăm cây số. Qua điện thoại, tôi báo cho ông, và ông rất mừng: Cậu hãy cố gắng nhé!
Chỉ có như thế, nhưng nếu không có như thế thì có lẽ không biết được bao giờ tôi mới viết được, vì tôi chỉ toàn nghĩ đến những gì thật cao xa, những điều ấy không phải là đối tượng của báo chí. Ông đã giúp tôi ngộ ra lối đi ngay dưới chân mình. Và tôi đã đi những bước đầu tiên…
Ngày những bài báo nho nhỏ của tôi được đăng chưa được bao lâu, thì tôi nhận được cuộc gọi hốt hoảng từ cô bạn nhà báo: Anh ơi, thầy K.Đ mất rồi! Tôi sững sờ ngồi xuống, một dòng nước mắt chảy ra… Tôi vẫn nuôi ý định lên thành phố gặp thầy một lần, thế mà…
Tôi lên mạng tìm hiểu về con người ấy và được biết ông chính là giảng viên khoa Báo chí mà cô bạn tôi học, và là một nhà báo có tiếng tăm. Tôi thấy hình ảnh của ông, một gương mặt trí thức, cương nghị.
Nhớ tới lời động viên của ông, tôi cố gắng viết nhiều hơn. Và có lẽ không bao giờ thành một nhà báo đúng nghĩa, nhưng tôi tự cho phép mình gọi ông là thầy dạy báo chí cho mình.
Tôi nghĩ không phải tất cả sinh viên báo chí mà ông dạy đều được ông tận tình gọi điện chỉ bảo chi li như đối với tôi, một người mà ông không biết mặt ở cách xa thành phố của ông hàng trăm cây số. Đấy là một nhân duyên.
Cám ơn ông, và mong được thắp lên ban thờ ông một nén nhang…
|