Muộn phiền vì nhàn rỗi
Dãy nhà hơn 10 phòng trọ trên địa bàn thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) của gia đình bà Hiền trước đây luôn trong tình trạng hết phòng nhưng vài tháng trở lại đây vẫn còn dư lại 3 phòng nhưng không có người đến thuê trọ.
Chủ nhân của dãy nhà trọ này cho biết, từ đầu tháng 10/2022, 3 người thuê trọ tại gia đình bà nhiều năm trước đã buộc phải trả phòng để về quê do thiếu việc làm tại Khu công nghiệp Thăng Long dẫn đến thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống cũng như gửi về cho gia đình. Cá biệt có trường hợp, bà Hiền phải giảm xóa số nợ tiền điện, tiền nước để người lao động có thể yên tâm về quê.
Trong số hơn 10 người hiện vẫn còn đang sinh sống tại dãy trọ của gia đình bà Hiền, nhiều người cũng rơi vào tình trạng thời gian nghỉ nhiều hơn thời gian đi làm. Đương nhiên, tình trạng “mưa ngủ, nắng nghỉ, mát trời đi chơi” đã khiến thu nhập của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lo lắng hơn là Tết đã cận kề.
Nhiều công nhân sinh sống tại dãy trọ của gia đình bà Hiền bị ảnh hưởng do thiếu việc làm. |
Anh Nguyễn Thế Huynh (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) đã có thời gian dài làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện cơ khí của Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long. Huynh cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 những năm trước khiến lượng công việc của những công nhân như Huynh không còn đều như trước.
“Trước đây, công ty còn nhiều việc, mặc dù tăng ca nhiều, có vất vả nhưng đổi lại thu nhập hàng tháng đều đủ ăn, đủ tiêu và gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lượng hàng công ty ít kéo theo những công nhân như chúng tôi chỉ được làm cầm chừng. Nhiều người có nguyện vọng muốn tăng ca để có thêm thu nhập dịp Tết nhưng cũng không được xem xét”, anh Huynh chia sẻ.
Theo anh Huynh, hệ quả của việc trên khiến nhiều người rơi vào tình trạng “thời gian nghỉ nhiều hơn thời gian đi làm” dẫn đến thu nhập và tinh thần làm việc bị ảnh hưởng. Thời điểm công ty nhiều việc, ngoài giờ đi làm hành chính (ca ngày, ca tối) anh Huynh đều đặn tăng ca mỗi ngày 2 giờ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, anh Huynh cho biết, không bị mất việc là may mắn lắm rồi.
Cũng rơi vào tình cảnh “khốn đốn” khi công ty thiếu việc làm nhưng trường hợp của chị Bùi Thu Sao (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) lại còn éo le hơn khi một tuần chị Sao chỉ được làm việc 4 ngày theo sự phân công của công ty.
“Tôi làm việc ở công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Thăng Long. Từ thời điểm đầu tháng 9/2022, công ty tôi đã thực hiện cắt giảm lao động do không có đơn hàng. Những công nhân chưa có thâm niên lâu năm hoặc đã luống tuổi là những trường hợp bị cắt giảm.
Số công nhân may mắn không bị cắt giảm thì công việc làm không đều. Thu nhập trước đây nếu cả tăng ca khoảng hơn 12 triệu thì giờ chỉ được khoảng 6 – 7 triệu. Trừ chi phí sinh hoạt, số tiền dành dụm được không đáng là bao, thậm chí là không có”, chị Sao chia sẻ.
Trước tình trạng như trên, đầu tháng 11/2022, chị Sao đã có ý định xin nghỉ việc nhưng lại lấn cấn về khoản tiền thưởng cuối năm cũng như không tìm được nơi làm việc thích hợp. Chị Sao chia sẻ với những công nhân như chị, khoản tiền thưởng cuối năm cũng sẽ giúp đỡ được rất nhiều nên chị đã ở lại công ty và mong chờ những tín hiệu tích cực hơn thời gian tới.
“Tôi giờ ngoài 30 tuổi rồi, xin việc ở công ty khác là rất khó. Hơn nữa các vấn đề về bảo hiểm cũng mất nhiều thời gian nên sau khi suy nghĩ lại tôi sẽ cố bám trụ tại công ty”, chị Sao cho hay.
Làm thêm để vớt vát thu nhập
Trong tình trạng đồng lương bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu việc làm, chị Sao buộc phải cân đối lại chi tiêu của bản thân. Chồng chị Sao sức khỏe yếu nên không đi làm xa được. Anh chị cũng có 1 cháu nhỏ sắp bước vào lớp 1.
Với mức lương như hiện tại mà muốn có thể gửi về để giúp đỡ gia đình buộc lòng chị Sao phải thắt chặt chi tiêu. Ngoài những thứ thiết yếu phục vụ cuộc sống, còn lại chị Sao đều phải cắt giảm hết. Nhiều lúc người quen trong công ty rủ đi liên hoan, chị Sao cũng đều phải tìm lý do để từ chối.
Ngoài việc thắt chặt hầu bao, chị Sao cũng phải tìm thêm công việc bán thời gian để có thêm thu nhập trang trải trong những lúc công ty cho nghỉ. “Tôi có xin được một công việc phụ bán hàng ở khu chợ gần đó. Khoảng thời gian chiều tối, công nhân đi làm về đông nên tôi ra đó phụ họ bán rau, thực phẩm. Thời gian làm mỗi ngày cũng chỉ 2 tiếng nhưng mỗi tháng cũng đỡ được tiền chi phí. Nhiều khi có rau cỏ còn lại sau phiên chợ chủ hàng cũng bảo tôi mang về nấu nướng đỡ được thêm tiền ăn”, chị Sao cho biết.
Cũng bị ảnh hưởng thu nhập do ít việc, Triệu Anh Quân (22 tuổi, tỉnh Tuyên Quang) cũng phải lựa chọn thêm công việc xe ôm để vớt vát thu nhập hằng tháng. Quân cho biết bản thân làm việc tại một công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long được khoảng 6 tháng.
Một dãy nhà trọ bình dân tại thôn Bầu nơi nhiều công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long sinh sống. |
Thời điểm đầu tháng 5 đến giữa tháng 9, công việc nhiều, tăng ca đều đặn, thu nhập của Quân cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, công ty cũng thực hiện cắt giảm nhân sự và công việc khiến thu nhập của Quân giảm đáng kể.
“Em ăn một bữa ở công ty, nếu tăng ca sẽ được ăn thêm một bữa nữa. Em cũng ở cùng một bạn khác nên chi phí sinh hoạt cũng giảm được phần nào. Tuy nhiên, do những tháng trước, số tiền em gửi về cho gia đình cứ đều đều mà giờ lại gửi ít đi gia đình sẽ lo lắng nên em chạy xe để có thêm chút thu nhập bù vào thời gian đi làm thêm trước kia tại công ty”, Quân chia sẻ.
Sau khi bị cắt giảm việc làm, Quân chỉ có thể làm việc theo ca sáng hoặc tối. Khi nào phải làm việc ca sáng, sau khi tan ca, Quân dành thời gian khoảng hơn 2 tiếng cho những sinh hoạt riêng sau đó sẽ đánh xe ra khu vực chân cầu chui dân sinh gần đó để đợi khách.
Trong khi đó, nếu phải làm việc ca tối, sau khi tan ca, Quân sẽ dành thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức và 14 giờ 30 phút sẽ ra địa điểm cũ để đón khách cho đến giờ vào ca mới.
“Mình chủ yếu lấy công làm lãi chứ thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Ngày nào đông người thì em chạy thêm được khoảng 100.000 đồng, còn không thì vài chục, có hôm còn không có khách. Tuy vậy còn hơn cứ ngồi chơi ở nhà cũng hết ngày”, Quân chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện, chị Bùi Thu Sao cũng như Triệu Anh Quân đều bỏ ngỏ câu trả lời khi được hỏi đến việc “liệu Tết này có về quê”.