Nhìn từ bài thi của Trạng nguyên Vũ Kiệt

GD&TĐ - Năm 1472 thời vua Lê Thánh Tông có bài thi được xem là kiệt tác - không chỉ giúp Vũ Kiệt đỗ Trạng nguyên, mà còn giúp nhà vua vận dụng trị quốc và chấn hưng giáo dục.

Áp dụng kế sách chấn hưng giáo dục của Vũ Kiệt, thời Lê Thánh Tông đất nước thịnh trị mọi mặt. Ảnh minh họa
Áp dụng kế sách chấn hưng giáo dục của Vũ Kiệt, thời Lê Thánh Tông đất nước thịnh trị mọi mặt. Ảnh minh họa

Đề cao thực học

Nổi tiếng thông minh, năm 20 tuổi Vũ Kiệt đi thi và đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ ba, đời vua Lê Thánh Tông (1472). Đây chính là thời kỳ nền giáo dục thi cử phong kiến đang trong giai đoạn phát triển cực thịnh.

Để trở thành Trạng nguyên, sĩ tử ngoài những kiến thức chung thì còn phải hiểu biết sâu sắc về tình hình đất nước. Vì thi đỗ để làm quan nên các sĩ tử phải vận dụng tri thức và chính kiến của mình để lý giải, đề ra kế sách giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Theo sách “Văn hiến Kinh Bắc”, bài thi của Vũ Kiệt được triều đình xem trọng như một kiệt tác nói về sách lược trị nước - an dân, được lưu truyền làm mẫu cho các sĩ tử sau này học tập.

Trong phạm vi bài văn, ông thể hiện được tài kinh bang tế thế, nhìn xa trông rộng của bản thân. Đồng thời đưa ra những biện pháp giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội đương thời, đặc biệt là vấn đề giáo dục – cách ứng xử mẫu mực về thầy – trò.

Trong đề thi, vua Lê hỏi: Sách xưa có câu: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính”. Nhưng hiện tại, nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may hoặc qua tuần, qua tháng lại đổi thầy.

Một nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Đạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được?...

Vũ Kiệt đã viết bài thi bằng lý lẽ, rằng: Thần nghe, cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tồn nghi trong sách vở. Các ngành, các nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng không thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho?

Là kẻ sĩ phải thấy rằng mình được vinh hạnh, càng chăm lo việc thực học. Trong lúc chưa thành đạt thì sống theo đạo lý thông thường để chờ thời gặp mệnh. Không để mất phẩm chất riêng của mình. Lúc đã được tin dùng thì phải giữ đúng danh vị và làm việc thực sự, không thể để mất cái điều mà mình hằng mong muốn, như thế mới có thể được.

Tuyển chọn người làm thầy

Ngôi trường mang tên Trạng nguyên Vũ Kiệt.
Ngôi trường mang tên Trạng nguyên Vũ Kiệt.

Để chấn hưng nền giáo dục, Vũ Kiệt đã nêu ra thực tại thời bấy giờ: Nhưng cũng có khá nhiều người làm thầy, tư chất kém cỏi, văn vẻ vụng về. Cái mà người học trò cần có là sự uyên bác nhưng người thầy lại có kẻ nông xoàng, tài cán thô thiển. Đạo làm thầy không vững như thế thì còn lạ gì khi thấy sĩ tử xấu hổ việc đi học? Tâm thật đã mất trước khi ra làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn tìm sao được tiết tháo và phong độ của họ…

Vũ Kiệt nêu ra phương hướng khắc phục để chấn hưng: Thần mong bệ hạ: Đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ càng. Việc nuôi dạy sĩ tử phải được nghiêm nghị đúng hướng… Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa…

Theo sách “Văn hiến Kinh Bắc” thì bài “Văn sách thi Đình” của Vũ Kiệt được triều đình coi là kiệt tác nhằm trị quốc, an dân. Bài thi này cũng là chuẩn mực cho những đời sĩ tử sau này. Không những thế, vua Lê Thánh Tông đã tham khảo phép trị quốc này của Vũ Kiệt nhằm bổ sung cho Bộ luật Hồng Đức.

Tên tuổi Vũ Kiệt không chỉ được khắc trên bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mà còn đi vào lịch sử khoa bảng nước nhà với tư cách là một trong những bậc nhân tài kiệt xuất.

Lịch sử cho thấy, thời kỳ vua Lê Thánh Tông là thời kỳ toàn thịnh của Đại Việt, đất nước phát triển rực rỡ về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự.

Bài văn đỗ Trạng của Vũ Kiệt là kiệt tác nói về sách lược để trị nước, chấn hưng giáo dục, đào tạo và sử dụng nhân tài. Quan điểm của Vũ Kiệt dù đã trải qua đến nay đã gần 550 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị.

Đặc biệt, giá trị về đạo đức học đường mà Vũ Kiệt đã nêu có thể thấy những thực tại ngày nay, khi tình trạng lo lót để chạy việc - chạy chức - chạy quyền. Hay việc “thương mại hóa” mỗi dịp lễ tết thầy cô, đã tạo ra những thói quen và tiền đề xấu cho xã hội nói chung và ngành Giáo dục nói riêng.

Giáo dục chấn hưng, đất nước thịnh trị

Vũ Kiệt sinh năm 1452, người xã Yên Việt, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Thuận Thành - Bắc Ninh).

Triều Lê Sơ kéo dài 99 năm, trải qua 10 đời vua (1428 - 1527), đã gắn với tên tuổi những vị vua anh minh, thực thi những chính sách tiến bộ về giáo dục Nho học, làm cho đất nước phát triển, có nhiều thành tựu rực rỡ.

Nhà Lê mở mang việc giáo dục thi cử và xây dựng một chế độ đào tạo nho sĩ và quan lại rất chính quy. Ở kinh thành có Quốc Tử Giám hay Thái học viện; ở các vùng đồng bằng có các trường quốc lập và trường tư thục.

Chế độ thi cử nền nếp, quy củ hơn trước. Bên cạnh những con em quý tộc, quan lại còn cả con em bình dân đều được đi học và đi thi.

Triều đại Hậu Lê (Lê trung hưng) tồn tại 255 năm (1533 – 1788). Trong phạm vi kiểm soát từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa, nhà Lê trung hưng một mặt chống lại nhà Mạc, mặt khác cố gắng gây dựng nền giáo dục ở vùng này và đã có những thành công nhất định: Trùng tu tôn tạo Quốc Tử Giám, trường công mở tới cấp phủ, trường tư tồn tại đến cấp xã, duy trì thi hương, 3 năm một lần thi hội. Tổ  chức được 23 khoa thi đình, lấy đỗ 343 tiến sĩ.

Nhưng có thể thấy, suốt chiều dài lịch sử nhà Lê - thời kỳ Lê Thánh Tông nắm quyền, nhà nước Đại Việt phát triển rực rỡ ở mọi phương, mà kết quả là do việc chấn hưng giáo dục kịp thời.

Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Ông cho mở rộng xây mới nhiều nhà học, kho chứa sách; thường xuyên tổ chức thi cử lấy nhiều tiến sĩ và trạng nguyên; tích cực cải tổ giáo dục, ra những chính sách mới nhằm tránh gian lận thi cử.

Bởi vậy, các lĩnh vực khác như quân sự, kinh tế, hành chính, luật pháp, văn hóa đều phát triển với sự góp mặt của những danh sĩ được đào tạo bài bản trong môi trường giáo dục tiến bộ và lành mạnh.

Các thành tựu trong nước và ngoại giao của Lê Thánh Tông đã giúp Đại Việt trở thành quốc gia lớn mạnh trong khu vực, được các nước láng giềng kiêng nể. Thời kỳ này được dân gian cũng như các nhà viết sử gọi là Hồng Đức thịnh trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.