Phòng ngừa gian lận thi cử thời phong kiến: Những hình phạt nghiêm khắc

GD&TĐ - Thời phong kiến, khoa bảng gắn liền với con đường tiến thân khi người đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan lại. Thế nên, các triều đại đều coi thi cử là việc hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của đất nước.

Cảnh xướng danh các thí sinh đỗ đạt.
Cảnh xướng danh các thí sinh đỗ đạt.

Chính vì sự quan trọng ấy nên thời phong kiến, việc gian lận thi cử bị xử tội rất nặng, người vi phạm có thể bị bỏ tù hoặc xử tử hình. Từ kỳ khai khoa triều Lý cho đến khi nhà Nguyễn bãi bỏ khoa cử (1919), nước ta đã tổ chức 185 lần thi, chọn ra được 188 vị Ðại khoa và 2.990 Tiến sĩ.

Mang tài liệu, đánh trăm roi

Năm 1075 niên hiệu Thái Ninh thời vua Lý Nhân Tông, kỳ thi đầu tiên của nền khoa cử nước ta gọi là “Minh kinh bác học” được tổ chức. Lê Văn Thịnh – người đỗ đầu kỳ thi được gọi là sĩ tử khoa bảng đầu tiên, và sau này ông trở thành Thái sư triều Lý.

Nhà Lý tổ chức khoa cử không đều đặn theo định kỳ và các kỳ thi cũng chưa có cách thức nhất định. Các kỳ thi cách nhau khá xa, và trong vòng 66 năm từ 1086 - 1152 không thấy ghi chép một khoa thi nào. Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn cũng cho biết, thể văn trường thi thời Lý không còn được truyền lại.

Tuy nhiên, càng về sau Nho học càng phát triển, thấm sâu và tạo thành nền tảng văn hóa – giáo dục của đất nước nên các phép tắc thi cử ngày một nghiêm ngặt. Nếu mang tài liệu vào trường thi, sĩ tử sẽ bị gông cùm hàng tháng trời, sau đó bị đánh 100 roi. Nói chuyện ồn ào thì sĩ tử hay quan coi thi đều bị trị tội, thậm chí truy tội cả quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương. Nếu vi phạm nặng, có thể bị khép vào tội chết.

Từ khi còn là học trò, các sĩ tử đã phải chịu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương. Trước khi dự thi, thí sinh phải khai báo đầy đủ lý lịch ba đời vào quyển thi, có chứng nhận của Lý trưởng gửi cho quan đốc học địa phương.

Vào thời nhà Lê, có khi Lý trưởng phải đến tận trường thi để nhận mặt thí sinh, tránh gian lận thi thay. Sau khi nhận mặt, Lý trưởng phải điểm chỉ, nếu có sai sót cũng có thể bị xử phạt như kẻ gian lận.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú còn ghi tỉ mỉ về quy định “ăn mặc” của sĩ tử khi vào trường thi. Sĩ tử chỉ được mặc hai áo đơn, cấm mặc áo kép đề phòng việc giấu bài làm sẵn. Và trước đó, tất cả thí sinh đều bị lính khám người. Nếu đem sách vở theo sẽ bị bắt lại, phạt đòn và tước quyền thi vĩnh viễn.

Việc tổ chức trường thi các triều đại không giống nhau, nhưng đều thể hiện tính minh bạch, công khai, thoáng mát và chặt chẽ thuận lợi cho việc giám sát. Thời Lê Trung hưng, triều đình chọn trường thi ở nơi rộng rãi, sai quân lính làm rào chắn, đắp tường, xẻ hào, cài chông xung quanh.

Trước, trong và sau kỳ thi các quan viên tham gia coi và chấm thi không được phép ra ngoài. Thậm chí, có thời kỳ người tham gia coi thi, chấm thi không được tiếp xúc với nhau. Tất cả các nhu cầu ăn uống thường ngày đều có người phục dịch và chịu sự quản lý chặt chẽ của triều đình. 

Cảnh lều chõng trong trường thi năm 1900.
Cảnh lều chõng trong trường thi năm 1900. 

Thi từ sáng đến tối mịt

Một số tư liệu còn ghi lại về thời khắc thi cử. Trống điểm canh tư, tức khoảng 1 giờ sáng thì thí sinh phải có mặt ở trường thi để nghe gọi tên. Khi quan trường gọi đúng tên, thí sinh phải “dạ” thật to rồi vào cổng trường thi.

Đến khoảng canh năm tám khắc (khoảng 5 giờ sáng), thí sinh làm bài cho đến giờ Thân (3 - 5 giờ chiều) thì bắt đầu nộp bài, hạn cuối là hết canh một (tức 19 giờ). Vì vậy, thí sinh vào trường phải chuẩn bị đầy đủ lều, chõng, chiếu, tráp đựng nghiên, bút, giấy, mực, dao kéo... và thức ăn dùng trong một ngày.

Việc làm bài thi thời xưa được tổ chức để triệt để tránh gian lận, và gần như không thí sinh nào có thể tráo bài. Quyển thi của thí sinh được đóng cùng một loại giấy. Trang đầu ghi lý lịch, các trang sau để trắng nhưng được đóng dấu tên trường thi và giáp lai. Sau mỗi ngày thi, thí sinh đều phải đem quyển đến vị trí quan giám khảo để đóng dấu “nhật trung”.

Quy định thi cử còn nhấn mạnh những lỗi về hình thức mà thí sinh phải tránh. Đầu tiên là lỗi khiếm tị (không biết tránh chữ húy). Bài thi của thí sinh phải tránh viết những chữ húy kỵ của triều đình, đó là tên của tất cả các đời vua, hoàng hậu, kể cả ông bà tổ tiên vua; tên lăng miếu, cung điện, làng quê của vua...

Sau lỗi khiếm tị là lỗi khiếm trang và khiếm đài. Khiếm trang có nghĩa là thiếu phần tao nhã, do dùng những từ thô tục về nghĩa cũng như về âm, thiếu tôn kính với các từ tôn nghiêm. Đang hành văn mà gặp những từ tôn kính như thiên, địa, đế, hậu... thì phải tự động sang hàng và đài (nâng cao lên trong dòng chữ), nếu không là mắc lỗi khiếm đài.

Thí sinh bị phạt đeo gông trước trường thi. Tranh minh họa của Henri Oger – 1909
Thí sinh bị phạt đeo gông trước trường thi. Tranh minh họa của
Henri Oger – 1909

Uống máu ăn thề ngừa gian lận

Năm 1448 thời nhà Lê, Đề điệu Quốc Tử Giám là Lê Khắc Phục muốn ngăn ngừa hối lộ nên đã bắt các khảo quan phải uống máu ăn thề thể hiện sự trong sạch, chí công vô tư. Tục uống máu, thề không gian lận bắt nguồn từ giai đoạn này.

Quy định cũng nêu, nếu khảo quan có người nhà hay con em trong gia tộc tham gia ở trường thi nào, người đó phải xin tránh để không gây ngờ vực hay có thể giúp đỡ gì được trong việc gian lận.

Quy chế thi cử triều Nguyễn chia làm Nội trường, gồm các chức Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo. Ngoại trường, gồm các chức Đề điệu (Chủ khảo), Giám thí (Phó chủ khảo) và Phân khảo.

Từ Phân khảo trở lên chọn các quan Kinh (làm việc tại triều) thường là những người hay chữ. Sơ khảo, Phúc khảo các kỳ thi Hương kén người địa phương, nhưng người ở tỉnh này phải đổi đi chấm ở tỉnh khác. Nếu có con em đi thi cùng tỉnh thì phải làm giấy “hồi tị”, tức không đi chấm trường đó. Các chức Lại phòng (thư ký), Thể sát (khám xét) thì chọn những người không đỗ đạt nhưng thanh liêm, đạo đức tốt.

Bắt đầu chấm thi, Giám khảo phải khám xét dấu niêm phong trước khi mở hòm phân phát cho những người Sơ khảo chấm trước bằng son màu gạch. Bước thứ hai, Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng đến Giám khảo duyệt lại bằng mực hồng. Những người chấm thi phải đề rõ tên, chức vị và ký tên lên mặt quyển thi.

Nội trường chấm xong thì giao cho Đề tuyển chuyển ra Ngoại trường. Chánh, Phó chủ khảo chấm lại những bài đỗ. Phân khảo đọc lại những bài bị đánh hỏng xem có đáng hay không, bài thi nào có thể đáng vớt thì trình lên Chủ khảo xem xét.

Theo quy định, quan Ngoại trường chấm thi bằng mực son màu đỏ tươi. Xếp đặt bài thi theo thứ tự điểm từ cao đến thấp rồi gửi ra cho Đề tuyển ráp phách, lập danh sách những người trúng cử.

Sau mỗi kỳ thi, Chủ khảo và cả Giám sát đều phải làm bảng phúc trình riêng để gửi lên triều đình. Tất cả các quyển thi dù đỗ hay không, đều phải được gửi về triều đình để vua và những quan chức cao cấp duyệt lại, tránh những đánh giá sai lầm, thiên vị.

Các thí sinh vào trường thi tại Nam Định.
Các thí sinh vào trường thi tại Nam Định.

Phó chủ khảo mất mạng, quan Sơ khảo mất chức

Thời Lê Trung hưng, Lê Hy làm quan đến Tham tụng (tương đương Tể tướng đầu triều). Trong việc thi cử của con trai, Lê Hy đã nhờ cậy các quan giám khảo xem giúp. Sự việc này được ghi chép lại trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, tóm lược như sau:

Kỳ thi Hương năm 1696, Ngô Sách Tuân được cử làm Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hóa. Trước khi đi, ông được Tham tụng Lê Hy gửi gắm vì con trai mình thi trường ấy.

Sau khi ráp phách, thấy con trai Lê Hy không đỗ, Ngô Sách Tuân liền đưa bài thi ấy cho quan Giám khảo nói phê lấy đỗ. Chủ khảo trường thi là Phó Đô ngự sử Ngô Hải phát hiện ra, nhưng vì biết đây là bài của con quan Tham tụng, nên giấu việc ấy. Tuy nhiên quan Tham chính Phan Tự Cường biết được và tâu lên chúa Trịnh.

Triều đình khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (thắt cổ chết), Ngô Hải bị mất chức, nhiều quan khác bị phạt. Phan Tự Cường được thăng chức làm Thiêm đô Ngự sử.

Thời vua Thiệu Trị vào khoa thi năm 1841, Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi ở Thừa Thiên. Khi chấm thi ông thấy có một số bài văn hay nhưng phạm húy, ông vẫn phê đậu, nhưng nghĩ bụng khi bài đến tay người khác chấm lại cũng sẽ bị phê rớt vì phạm húy.

Không muốn chỉ vì lỗi nhỏ mà đánh trượt mất người tài, Cao Bá Quát cùng Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực (vì quy định quan Giám khảo không được mang mực vào trường thi) chữa cho 24 bài phạm húy. Trong 24 bài này có những bài làm rất tốt, có 5 người sau đó đỗ cử nhân.

Thế nhưng với quy chế chấm và coi thi chặt chẽ, Bộ Lễ và Viện Đô sát phát hiện sự việc. Cả Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ bị bắt. Cao Bá Quát nhận hết tội: “Tôi thấy các bài hay sính bút làm vậy chứ không ai gửi gắm, dặn dò gì cả”.

Án được dâng lên vua, sau khi xem xét vua đồng ý với bản án tử. Thế nhưng sau đó nhận thấy Cao Bá Quát làm việc không có ý đồ tư lợi cho mình hay chủ ý giúp đỡ cho ai đó, mà là vì không muốn đất nước mất đi nhân tài. Chính vì thế, vua quyết định xóa án tử, xử Quát làm phục dịch 3 năm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cường khi khảo cứu về “Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt Nam thời phong kiến” đã kết luận rằng: Cuộc đấu tranh chống thi gian là cuộc đấu tranh trường kỳ không lúc nào được lơi lỏng. Nếu còn tổ chức thi còn thi gian, phải chống lại để đảm bảo công bằng thi cử, chọn được đúng người giỏi, dùng đúng người vào đúng việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ