Nhiều vận động viên của Vĩnh Phúc lâm cảnh ăn chịu, ngủ nợ

GD&TĐ - Có đội tuyển đi thi đấu phải ăn chịu, ngủ nợ mà chưa biết khi nào mới được cấp phát kinh phí để thanh toán.

VĐV Trần Văn Tòng giành HCV môn Vật dân tộc, hạng cân 66kg tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022. Ảnh: Bạch Nga.
VĐV Trần Văn Tòng giành HCV môn Vật dân tộc, hạng cân 66kg tại Đại hội thể thao toàn quốc 2022. Ảnh: Bạch Nga.

Vĩnh Phúc là tỉnh có số thu ngân sách lớn. Nhưng việc đầu tư cho thể thao tại Vĩnh Phúc có thể khiến một số người băn khoăn, suy nghĩ. Chế độ dành cho vận động viên của tỉnh này trong dịp tập huấn, thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 đang có dấu hiệu thiếu minh bạch.

Theo quyết định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, tỉnh Vĩnh Phúc có 13 đội tuyển tham gia thi đấu với hơn 200 vận động viên, huấn luyện viên. Kết thúc đại hội, Vĩnh Phúc xếp thứ 27/65 đoàn tham dự với 9 huy chương Vàng (Đua thuyền, Vật và Karate), 9 Bạc và 17 huy chương Đồng.

Theo nhận xét của một huấn luyện viên đang công tác tại Vĩnh Phúc, thành tích của đoàn thể thao Vĩnh Phúc năm nay vẫn “có cái để nói” vì dù sao vẫn có huy chương Vàng.

Huấn luyện viên này nhấn mạnh rằng, khi nào Vĩnh Phúc không có huy chương Vàng, thể thao rơi xuống đáy có lẽ lúc đó lãnh đạo tỉnh mới nhận thấy những bất cập trong việc đầu tư cho thể thao như hiện nay.

Mặc dù nhiều vận động viên, huấn luyện viên có thắc mắc về chế độ của đội và cá nhân nhưng khi thông tin với cơ quan báo chí, đa phần họ chọn cách giấu tên vì sợ bị ảnh hưởng đến tương lai của mình.

Theo chia sẻ của một số huấn luyện viên, vận động viên, để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2022 diễn ra tại Quảng Ninh và một số tỉnh thành khác, Sở VHTTDL Vĩnh Phúc đã có quyết định thành lập 13 đội tuyển tham dự. Tại các quyết định ghi rõ thời gian tập huấn và thi đấu. Nhưng thực tế nhiều đội tuyển không được đi tập huấn, chính xác hơn là không dám đi.

Lý giải nguyên nhân trên, một huấn luyện viên cho biết, lâu nay, các đội tuyển đi tập huấn không được tạm ứng kinh phí. Kinh phí này hoàn toàn do huấn luyện viên bỏ tiền túi ra chi trước, sau đó, khi về mới làm thủ tục thanh toán.

“Tôi và nhiều huấn luyện viên khác rất sợ việc này vì cứ bỏ tiền túi ra đến lúc thanh toán thì như kiểu đi ăn xin nên nhiều đội không đi tập huấn là vậy. Thể thao mà không được tập huấn thì lấy đâu ra thành tích…” - huấn luyện viên này chia sẻ.

Không chỉ lâm vào cảnh “tập huấn trên giấy” mà nhiều đội tuyển trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội còn không được cấp phát trang phục, dụng cụ tập luyện. Ngay cả khi thi đấu họ cũng không được cấp phát trang phục, giày… theo quy định.

Có đội tuyển đi thi đấu phải ăn chịu, ngủ nợ mà chưa biết khi nào mới được cấp phát kinh phí để thanh toán. Cùng với đó, chế độ của huấn luyện viên, vận động viên cũng bị Sở VHTTDL Vĩnh Phúc khất lần khiến toàn đội không còn tâm trí cho việc luyện tập.

Được biết, chế độ cho các vận động viên tham gia tập luyện ở các đội tuyển thể thao của Vĩnh Phúc trước đây thực hiện theo Nghị quyết 39 năm 2011 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện, chế độ dinh dưỡng thực hiện theo Nghị quyết 12 năm 2021 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, vận động viên tham gia tập luyện sẽ không có lương hàng tháng mà chỉ được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày. Trong thời gian tập huấn, thi đấu thì ngoài hỗ trợ tiền ăn, chế độ dinh dưỡng, vận động viên được trả thêm tiền công tập luyện theo ngày… Việc không được đi tập huấn dẫn đến vận động viên không có tiền công gây nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.