Ngành Giáo dục đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ, chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch, chương trình của ngành Giáo dục và trẻ em là trung tâm.
Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, ngay sau khi Luật trẻ em được thông qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật trẻ em cũng như các chính sách pháp luật mới khác đến các cơ sở giáo dục,
Đồng thời triển khai thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em đối với các dự thảo văn bản liên quan đến trẻ em. Ngành Giáo dục luôn tiếp thu góp ý của xã hội, đặc biệt từ người học để điều chỉnh kịp thời các quyết định trong quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả cao.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp của trẻ em đối với dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi), chỉ đạo tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn với trẻ em, học sinh nhằm tuyên truyền các chính sách pháp luật; tiếp thu ý kiến từ trẻ em, học sinh để chỉnh sửa hoặc đề nghị chỉnh sửa các chính sách pháp luật của nhà nước liên quan; trao đổi, thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc về chính sách pháp luật về trẻ em cho cán bộ, nhà giáo, trẻ em, học sinh. Bộ GD&ĐT đã và đang cùng với Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội tham gia các diễn đàn trẻ em khu vực và thế giới.
Phiên họp của Ủy ban Tư pháp rất cần thiết nhằm đốc thúc việc xử lý các vụ án, vụ việc nổi cộm. Ảnh: Lê Kiên |
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu lên một số thực trạng: vẫn còn 31,3% trường phổ thông chưa xây dựng Quy tắc ứng xử văn hóa, một số trường học Quy tắc ứng xử văn hóa còn sơ sài, hình thức; vẫn còn nhiều học sinh vi phạm quy định, quy chế hoạt động của nhà trường và nhiều giáo viên vi phạm nội quy chuyên môn.
Qua điều tra, khảo sát từ các địa phương, năm học 2017-2018 có trên 2.000 vụ học sinh tham gia đánh nhau và vi phạm pháp luật liên quan tới trên 5.000 đối tượng chiếm khoảng 0,024% học sinh phổ thông, các vụ việc bạo lực học đường xảy ra thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của học sinh, nhà giáo, tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục trong nhà trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội và phương hại đến truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
Các vụ việc bạo lực học đường xảy ra cho thấy, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế, vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc.
Việc theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng của học sinh, sinh viên, đặc biệt là trên môi trường mạng gặp nhiều khó khăn; chưa thiết lập được mạng lưới kết nối thông tin tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng học sinh, sinh viên toàn ngành.
Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT.
Ổn định những hoạt động đổi mới của ngành; đồng thời triển khai thực hiện một số công việc trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kỷ cương, nền nếp và giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội.
Giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giảm bạo hành trẻ và giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra đánh giá đặc biệt là kỳ thi THPT quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; triển khai đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.