Nhận diện nguy cơ
Chuyên gia Mai Thị Bưởi - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), với sự giúp đỡ của một người bạn đang công tác trong ngành GD tỉnh Sơn La đã triển khai dự án “Phòng ngừa với trẻ em gái Mông và Thái tại Trường PTDTNT ở Sơn La” nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho đội ngũ GV với mong muốn BGH và các thầy cô tích cực hơn nữa trong hành động của mình để giảm nguy cơ HS bị XHTD. Dự án được Sở GD&ĐT Sơn La rất ủng hộ và triển khai thí điểm tại Trường PTDT nội trú THCS&THPT Mường La.
Chuyên gia Mai Thị Bưởi đã làm việc với BGH và 23 GV của Trường Mường La, thảo luận như thế nào là hành vi XHTD; làm thế nào để nhận diện được HS bị XHTD và trách nhiệm của thầy cô trong việc giảm nguy cơ, hỗ trợ HS bị XHTD. Kỹ năng lãnh đạo học được từ các chuyên gia Australia khi tham gia khóa học Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo đã được thực hành triệt để giúp chị kết nối được với các lãnh đạo nữ và những phụ nữ quan tâm đến bảo vệ an toàn cho trẻ em gái.
Nhiều GV đã chia sẻ với chuyên gia rằng có rất nhiều hành vi XHTD mà bản thân họ không biết, như xâm hại qua phương tiện CNTT… Các em kết bạn trên Facebook không chọn lọc, có nhiều cuộc hẹn bên ngoài mà không nắm rõ đối tượng, nhận quà, ăn uống đồ của người lạ… Điều này chưa đủ để khẳng định các em có nguy cơ nhưng như vậy, HS có sự kết nối mà không nhận diện được rằng những tình huống đó có thể đẩy các em vào nguy cơ bị XHTD. Hay chính GV kể chuyện lâu nay có con gái nhỏ nhưng mỗi khi gặp người lạ lại vô tư bảo con: Con chạy ra ôm đi/Con chạy ra hôn đi/Con chạy ra thể hiện tình cảm nào... mà không hề biết việc thúc đẩy trẻ làm như vậy là nguy cơ khiến trẻ em có thể rơi vào tình huống bị XHTD.
Sau buổi làm việc này, chuyên gia và BGH, GV cùng thống nhất một số các biện pháp có thể thực hiện ngay để phòng ngừa XHTD trong Trường Mường La. Cùng đó, cho ra một khung nội dung về tài liệu để GV có thể sử dụng, cung cấp thông tin phòng ngừa XHTD cho HS. Ngay sau buổi học đầu tiên, chị Trần Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS&THPT Mường La đã cam kết ngay sau dự án sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động khác để thường xuyên phòng ngừa nguy cơ XHTD HS ở trường.
“Chiến đấu” trong cuộc họp!
Nhóm thực hiện dự án của chuyên gia Mai Thị Bưởi làm việc với 56 GV của 28 trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh Sơn La. “Buổi làm việc dù chỉ 2 tiếng đồng hồ nhưng thực sự là một buổi làm việc cam go. Chúng tôi đã “chiến đấu” với nhau để đi đến tận cùng định nghĩa thế nào là hành vi XHTD, HS có lỗi không và trách nhiệm của thầy cô như thế nào trong việc phòng ngừa”, chuyên gia Mai Thị Bưởi nhớ lại.
Tôi sẽ tiếp tục phát triển bộ tài liệu, tìm kiếm nhiều nguồn quỹ để đưa bộ tài liệu đến nhiều trường DTNT hơn nữa. Chúng ta không thể có lãnh đạo nữ trong tương lai nếu người lớn không cam kết tạo ra môi trường an toàn cho trẻ em gái học tập và phát triển.
Nói là “chiến đấu” bởi ngay trong buổi ban đầu, có thầy giáo nói với nhóm thực hiện dự án lý do HS bị xâm hại là do các em nữ đã ăn mặc không đứng đắn, các em quá dễ dãi và có hành vi không phù hợp. Đó chính là hành vi kêu gọi kẻ xâm hại các em. Có ý kiến còn cho rằng GV đã quá nhiều việc, ngoài giảng dạy còn lo cả cơm ăn hàng ngày cho HS nữa. Bên cạnh đó, GV cũng không hiểu rõ về pháp luật thì làm sao có thể hỗ trợ được HS khi phát hiện các em bị xâm hại. “Việc đấy là của công an, tại sao chúng tôi lại phải làm?”, một GV nêu câu hỏi.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi chính một nữ lãnh đạo ngành GD Sơn La chia sẻ những gì bản thân chị phải trải qua khi bị quấy rối từ lúc nhỏ. Cùng đó, nhóm dự án cung cấp thêm bằng chứng và những quy định của pháp luật về việc cần bảo vệ, hỗ trợ HS. Và các thầy cô đã cởi mở hơn, lắng nghe hơn.
Sau buổi làm việc, chuyên gia Mai Thị Bưởi và các GV, cán bộ quản lý GD đã thống nhất một điều: Trong XHTD, không bao giờ trẻ em có lỗi; thầy cô có trách nhiệm giúp các em phòng ngừa cũng như hỗ trợ nếu các em là đối tượng bị xâm hại. Một tín hiệu rất mừng là các GV khi hiểu ra vấn đề đã rất cởi mở, góp ý nhiệt tình cho tài liệu nhóm dự án thiết kế. Cùng với việc ghi nhận ý kiến của HS trong suốt quá trình làm dự án, nhóm chuyên gia sửa đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp với văn hóa và đặc điểm của HS ở các trường PTDTNT tỉnh Sơn La. Bộ tài liệu được Sở GD&ĐT Sơn La “tài trợ” in ấn đã góp phần thúc đẩy sự tự tin của các HS nữ, mang tính ứng dụng cao.