Sinh viên ngành Công tác xã hội mới chạm ngưỡng "học để biết". |
(GD&TĐ) - Trong khi đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội (CTXH) còn rất thiếu và chưa đạt yêu cầu về chất lượng, một bộ phận sinh viên tốt nghiệp ngành này vẫn mòn mỏi chờ cơ hội việc làm, số khác thì quay lưng lại với nghề.
Thiếu nhân lực đúng chuyên môn
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có trên 25 triệu trẻ em, chiếm 29% tổng dân số. Trong đó có 1,4 triệu em sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi, khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học, nhiễm HIV/AIDS...
Tính đến năm 2013, cả nước đã có 32 tỉnh, thành phố có trung tâm CTXH; định hướng từ nay đến hết năm 2015, sẽ có trung tâm CTXH ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tình hình trên cho thấy, một nhu cầu cấp bách cần có đội ngũ cán bộ CTXH chuyên nghiệp có kiến thức chuyên sâu.
Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng đã tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo cán bộ, viên chức và cộng tác viên CTXH trên 65.046 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH ở 41 tỉnh thành.
Kết quả cho thấy, mới chỉ có 48,7% đã được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó 19,1% được đào tạo dài hạn chuyên môn, song rải rác ở nhiều ngành khác nhau như Tâm lý học, Xã hội học. Số người được đào tạo về CTXH chiếm chưa đến 10%. Sự thiếu hụt về trình độ, kiến thức chuyên môn CTXH trong làm việc với mỗi nhóm đối tượng cụ thể còn bức xúc hơn nhiều.
Có thể nói, rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực CTXH hiện nay chỉ làm việc theo kinh nghiệm và lòng thiện tâm mà chưa được đào tạo kỹ năng khoa học cần thiết về CTXH, hoặc chỉ được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn.
Những tưởng việc thiếu trầm trọng nhân lực được đào tạo đúng chuyên môn như trên sẽ là cơ hội lớn cho sinh viên đã và đang theo học ngành CTXH. Nhưng thực tế không phải vậy.
Nghịch lý ai cũng thấy rõ là, trong khi hệ thống an sinh xã hội đa số lực lượng nhân sự chưa đạt trình độ chuyên nghiệp thì phần lớn sinh viên CTXH ra trường không được tuyển dụng chính thức để làm đúng ngành nghề đã học. Nếu may mắn được tuyển vào làm ở đâu đó lại không phát huy được kỹ năng nghề nghiệp.
Trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội rất cần sự chăm sóc của các nhân viên công tác xã hội. Ảnh: Hoàng Đan |
Sinh viên mới chạm ngưỡng “học để biết”
Một trong những nguyên nhân của nghịch lý nói trên, theo giảng viên Đỗ Bích Thảo - Khoa CTXH Trường ĐHSP Hà Nội - là do sinh viên ngành CTXH mới chỉ chạm ngưỡng “học để biết”, chưa thực sự “học để làm”.
“Công tác đào tạo nghề CTXH còn một số bất cập như chương trình nặng về lý thuyết, thiếu đội ngũ giảng viên thực hành chuyên nghiệp, thiếu cơ sở thực hành nghề nghiệp..., dẫn đến sinh viên ngành CTXH mới chỉ chạm ngưỡng “học để biết” chứ chưa thực sự “học để làm”.
Đây cũng là một trong những lý do chính giải thích vì sao sinh viên ngành này khi ra trường khó xin được việc làm, trong khi nhu cầu xã hội về nhân viên chuyên nghiệp trong lĩnh vực này là rất lớn” - cô Thảo cho hay.
Ngoài số không tìm được việc làm, cũng không ít sinh viên được đào tạo về CTXH ra trường không muốn làm nghề mình đã được đào tạo bài bản. Nhiều nguyên nhân, trong đó có câu chuyện về nhận thức nghề nghiệp, cũng như nhìn nhận của xã hội với nghề này.
Theo ThS Lê Chí An - Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh - mặc dù nghề CTXH ở nước ta ngày càng được chuẩn hóa và đào tạo một cách bài bản; Đã có chức danh, mã ngạch viên chức CTXH; Đề án phát triển nghề CTXH cũng được ban hành, nhưng nhìn chung xã hội chưa nhận thức đầy đủ về nghề nghiệp này. Do đó, sinh viên rất phân vân và ngần ngại khi nghe giới thiệu tuyển sinh ngành CTXH do không biết tương lai sẽ thế nào. Những sinh viên đã tốt nghiệp, đi làm cũng chưa thực sự hãnh diện về nghề nghiệp mình theo đuổi.
Một thực tế là, từ khi Bộ GD&ĐT ban hành mã đào tạo ngành CTXH trong hệ thống giáo dục ĐH, CĐ, số người được đào tạo trình độ ĐH, CĐ đã tăng lên nhiều.
Nhưng phần lớn họ sau khi tốt nghiệp lại làm việc hoặc tiếp tục làm việc trong các cơ quan, ban ngành của nhà nước, trong các tổ chức chính quyền hoặc làm công việc nghiên cứu, giảng dạy mà không làm đúng ngành nghề đào tạo, gây sự lãng phí về nguồn nhân lực có chất lượng.
“Chúng ta rất cần sự công nhận của xã hội để những người làm CTXH chuyên nghiệp tự hào và hãnh diện về công việc đang gánh vác. Bên cạnh đó, nếu có một hội nghề nghiệp những người làm CTXH ra đời sẽ đảm bảo về mặt tinh thần và chuyên môn cho những ai có mong muốn cống hiến lâu dài cho sự nghiệp CTXH” - ThS Lê Chí An bày tỏ.
Còn một nguyên nhân nữa khiến ngành này chưa được xã hội mặn mà, là do nhân viên CTXH ở Việt Nam chưa có quyền hành nghề được các cấp chính quyền thừa nhận và chia sẻ, phối hợp. Chưa có tổ chức uy tín, có chức năng cấp giấy phép hành nghề cũng như tổ chức thi lấy chứng chỉ hành nghề cho nhân viên CTXH.
Vì vậy, để CTXH tiến lên chuyên nghiệp hóa, đòi hỏi nhà nước ban hành quy chế, trong đó quy định phạm vi, quyền hạn, chức năng của nhân viên CTXH... và quy định các ngành liên quan khác có trách nhiệm phối hợp khi cần để cùng nhau giải quyết các vấn đề xã hội.
“Hiện nay, nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở xã hội được tuyển dụng và hưởng chế độ chung cho tất cả những người làm việc ở các đối tượng khác nhau và có bằng cấp khác nhau mà chưa có một hệ thống bảng lương và phân loại nghề riêng và cụ thể của ngành. Rất cần có những bước phát triển tiếp theo nhằm tuyển dụng, phân loại và chi trả lương phù hợp với công việc và bằng cấp. Ví như nhân viên CTXH làm việc với người già có yêu cầu về bằng cấp riêng và hệ số lương riêng; Làm việc với người khuyết tật lại có những yêu cầu và ưu đãi khác”. ThS Kim Văn Chiến - Khoa Công tác xã hội (Trường ĐHSP Hà Nội) |
Thảo Đan