Nhiều sinh viên Ấn Độ có nguy cơ bị trục xuất

GD&TĐ - Nhiều sinh viên Ấn Độ du học tại Canada từ năm 2019.

Karanveer Singh (giữa) bị cáo buộc sử dụng tài liệu giả mạo để nhập cư Canada.
Karanveer Singh (giữa) bị cáo buộc sử dụng tài liệu giả mạo để nhập cư Canada.

Đến nay, khi nộp đơn xin giấy phép lao động hoặc làm thường trú nhân, họ bị từ chối vì lý do sử dụng tài liệu giả mạo để nhập cư Canada.

Năm 2019, Karanveer Singh, đến từ Pilibhit, Uttar Pradesh, Ấn Độ, nhận được thư mời nhập học ngành Quản trị kinh doanh tại Cao đẳng Loyalist, Canada. Với bức thư này, Karanveer đã xin thị thực sinh viên và nhập cảnh Canada.

Chàng trai 24 tuổi mong muốn du học mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Anh có thể gửi tiền về quê cho người cha tàn tật, người đã bán toàn bộ đất nông nghiệp và dùng số tiền cả đời tiết kiệm để đầu tư cho việc học của con trai. Nhưng hiện tại, giấc mơ của Karanveer hoàn toàn sụp đổ.

Những sinh viên bị lừa đều có cùng người đại diện là

Brijesh Mishra, làm việc cho một tổ chức tư vấn giáo dục và định cư có trụ sở tại Jalandhar, Ấn Độ. Các phương tiện truyền thông đã liên hệ với người này cùng công ty của anh ta nhưng phía công ty cho biết không còn liên lạc được với Mishra.

Anh là một trong số hàng chục sinh viên Ấn Độ bị cáo buộc sử dụng các tài liệu giả để nhập cảnh vào Canada và có nguy cơ bị trục xuất khỏi nước này. Về phía du học sinh, họ khẳng định bản thân không làm gì sai và đã bị các trung tâm tư vấn du học lừa.

Karanveer cho biết: “Tôi không biết giấy tờ giả nằm trong hồ sơ xin thị thực sinh viên của mình. Chỉ đến khi nhận được thông báo của Cơ quan Bảo vệ biên giới Canada (CBSA), tôi mới biết thư nhập học là giả”.

Tuy nhiên, Karanveer đã phát hiện vấn đề không ổn từ khi đến Canada vào năm 2019. Người cung cấp dịch vụ tư vấn định cư tại Ấn Độ, trung gian xử lý hồ sơ cho Karanveer, đã báo anh chuyển từ Loyalist sang một trường khác. Nếu không nam sinh không đủ điều kiện cấp giấy phép lao động sau khi tốt nghiệp.

Singh chuyển sang học tại Cao đẳng Canada, một trường tư thục nằm ở Montreal. Sau 2 năm, anh hoàn thành khóa học và tốt nghiệp vào tháng 4/2021. Nhưng khi nộp đơn xin giấy phép làm việc tại Canada, Karanveer nhận được phản hồi từ CBSA cho biết anh ấy đã sử dụng thư mời nhập học giả từ Loyalist để xin thị thực sinh viên.

Đến lúc này, Karanveer mới biết mình bị lừa nhưng kể từ năm 2021, anh đã không thể liên lạc với người tư vấn. Gia đình anh cũng đã đệ đơn kiện tại Ấn Độ nhưng người này không có phản hồi.

Karanveer Singh không đơn độc. Inderjeet Singh, đăng ký nhập cư Canada vào năm 2019 theo hồ sơ du học Cao đẳng Lambton, một trường công lập ở tỉnh bang Ontario. Sau khi đến Canada, người tư vấn của Inderjeet báo rằng Lambton đã kín chỉ tiêu cho đến năm sau nên Inderjeet phải chuyển sang Trường Cao đẳng Kinh doanh và Công nghệ Alpha.

Sau khi hoàn thành chương trình học vào năm 2021, Inderjeet nộp đơn xin thường trú nhân theo chương trình chuyển tiếp từ Cư dân Tạm thời sang Thường trú nhân nhưng bị CBSA từ chối với lý do tương tự Karanveer.

“Tôi đã mong trở thành thường trú nhân tại Canada. Nhưng tất cả những gì tôi nhận được là thông báo rời khỏi đất nước”, Inderjeet bày tỏ.

Harinder Singh, một nhà hoạt động tại Tổ chức Sinh viên Montreal, cho biết hơn 100 du học sinh nhận lệnh trục xuất từ chính phủ vì giả mạo thư chấp nhận nhập học trong đơn xin thị thực sinh viên kể từ năm 2021.

Nhóm của Harinder đã tổ chức các cuộc biểu tình vào tháng 2 tại Công viên Chinguacousy, Brampton, tỉnh bang Ontario, nhằm đấu tranh cho sinh viên Ấn Độ được ở lại. Các sinh viên mang theo những tấm băng rôn, áp phích ghi: “Chúng tôi là nạn nhân”, “Chúng tôi cần sự hỗ trợ”, “Chúng tôi cần công lý”...

Harinder cho biết, nhóm của anh đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình khác ở trung tâm thành phố Toronto nhằm kêu gọi chính phủ liên bang xem xét các trường hợp của họ.

Theo CBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.