Nhiều quận, huyện TPHCM chưa đáp ứng chỉ tiêu phòng học/ dân số

GD&TĐ - Tính đến tháng 12/2022, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) của TPHCM đã đạt 294 phòng.

Ông Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị.
Ông Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị.

Ngày 2/3, UBND TPHCM tổ chức hội nghị về thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) giai đoạn 2021-2025.

Tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm học 2022-2023, TPHCM có 3.170 trường, điểm trường với 52.046 phòng học, 49.792 số lớp/tổng số 1.683.095 học sinh.

Năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo, các quận, huyện, TP Thủ Đức đều đảm bảo chỗ học cho con em trên địa bàn. Tuy nhiên, thực hiện chương trình GDPT 2018, mục tiêu phấn đấu 100% học sinh được học 2 buổi/ngày nên gặp nhiều khó khăn.

Áp lực lớn nhất tập trung tại cấp học tiểu học và trung học cơ sở, bởi tỷ lệ học 2 buổi/ngày chưa đạt. Cụ thể tỉ lệ học 2 buổi/ngày cấp tiểu học đạt 80,66%, cấp THCS đạt 76,03%.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Tính đến tháng 12/2022, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) đã đạt 294 phòng.

Đồng thời, TPHCM có 12/22 quận, huyện và TP Thủ Đức đã đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Các quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu là Quận 4, 8, 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân 2 huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Trong đó riêng 3 quận 4,12 và Gò Vấp kế hoạch đến 2025 vẫn chưa đạt.

Theo ông Lê Hoài Nam, việc xây dựng trường lớp của TPHCM còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa bàn do tính chất ưu tiên của nguồn vốn chưa tập trung đầu tư cho các dự án trường học. Mặt khác tỷ lệ các dự án trường học cần đầu tư phần lớn thuộc tính chất đầu tư xây dựng lại hoặc cải tạo mở rộng, dẫn đến số phòng học tăng thêm không nhiều.

Công tác đầu tư tăng thêm trường lớp chưa khả thi do quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai thực hiện, còn nhiều dự án vướng công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm triển khai theo kế hoạch đề ra.

Định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá cao so với đặc thù của TPHCM, dẫn đến khả năng đầu tư bị giới hạn và gặp khó khăn.

Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị các quận, huyện ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện.

Trong đó tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất (các quận 12,7, 9, Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh,…).

Lãnh đạo UBND quận 12 nêu ý kiến tại hội nghị.

Lãnh đạo UBND quận 12 nêu ý kiến tại hội nghị.

TPHCM có cơ chế giải pháp đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, chỉ tiêu thực hiện 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3 đến 18 tuổi) là một trong những chỉ tiêu quan trọng và đã được TP đưa ra từ rất lâu. Hiện tại về tổng thể toàn TP đạt 294 phòng học/10.000 dân, đã tiệm cận chỉ tiêu đề ra. Nhưng thực tế tỉ lệ này không đồng đều giữa các bậc học, giữa các địa bàn, có những địa phương tỉ lệ còn rất thấp.

Theo Phó Chủ tịch TPHCM, ngoài thực trạng thiếu phòng học, một số địa phương chưa có sự quan tâm đến việc đáp ứng chỉ tiêu trên. Ông Dương Anh Đức mong muốn các địa phương cố gắng cùng nhau thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ tối thiểu cho người dân TP, đảm bảo chỗ học tươm tất cho tất cả học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.