Sẽ hỗ trợ kinh phí cho học sinh đi thi
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên – Ông Lê Văn Quý khẳng định: Quy chế thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT ban hành theo Thông tư 02 là phương án rất khả thi.
Năm nay, học sinh của Điện Biên có nguyện vọng thi tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ phải sang cụm thi đặt tại Sơn La, tỉnh lân cận với Điện Biên là rất hợp lý, thuận tiện và không tốn kém.
Những năm trước đây, học sinh phải dự hai kỳ thi; sau khi thi xong Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở địa phương, các em phải tiếp tục khăn gói về Hà Nội để dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “3 chung”.
Phương án thi này rất thiết thực với học sinh các tỉnh khó khăn như Điện Biên và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của dư luận xã hội cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Để tổ chức tốt kỳ thi, theo ông Lê Văn Quý, Sở GD&ĐT Điện Biên đang chủ động song song làm tốt hai công tác lớn.
Một mặt, cán bộ của Sở sẽ cùng phối hợp với các lực lượng trong cụm thi tại tỉnh Sơn La triển khai công tác chuẩn bị hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ công tác coi thi, chấm thi, chỗ ăn nghỉ cho các thí sinh ở xa đến dự thi; các công tác trên đây phải được đảm bảo tốt nhất cho các thí sinh dự thi, nhất là các thí sinh ở Điện Biên sang Sơn La dự thi.
Đồng thời với đó là trong việc tham mưu, xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ thi trình UBND tỉnh phê duyệt, Sở GD&ĐT đang xây dựng phương án tham mưu cho tỉnh Điện Biên bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ tiền xe và một phần kinh phí ăn, nghỉ cho các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng cao, vùng xa, học sinh dân tộc nội trú đi thi tại Sơn La.
Miễn phí ôn thi cho nhiều đối tượng học sinh
Để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia, ngay từ đầu năm học Sở GD&ĐT Điện Biên đã chỉ đạo, định hướng cho giáo viên về nội dung giảng dạy và hướng dẫn ôn tập phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh; đảm bảo học thật, kiểm tra thật; bám sát đổi mới Kỳ thi quốc gia.
Yêu cầu Hiệu trưởng tăng cường công tác tuyên truyền về kỳ thi tới cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh; tổ chức kiểm tra, thanh tra nội bộ thường xuyên, đột xuất việc thực hiện chương trình, kiểm tra đánh giá của các tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên.
Sở đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức ôn thi cho học sinh với thời gian tối đa 8 tuần ôn tập. Kinh phí hỗ trợ cho giáo viên được huy động một phần từ ngân sách, từ nguồn xã hội hóa, sự tự nguyện của giáo viên, học sinh đóng góp.
Với học sinh diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được miễn giảm đóng góp kinh phí ôn thi. Riêng các trường PTDTNT, Sở chỉ đạo không thu tiền ôn thi tốt nghiệp đối với học sinh.
Trong thời gian ôn thi, giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên giảng dạy phân loại học sinh theo khả năng nhận thức, theo nhóm môn học sinh đã đăng ký dự thi; tập trung ôn tập nhiều hơn cho những học sinh học lực yếu.
Nắm chắc hoàn cảnh gia đình, động cơ, thái độ học tập của học sinh để động viên, giúp đỡ tạo điều kiện tốt cho việc học, ôn tập của học sinh.