Tờ trình dự án Luật Khiếu nại do Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Thanh Hào trình bày, nêu rõ, quá trình triển khai thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như các quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra; nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, diễn ra gay gắt, có đông người tham gia chưa được giải quyết dứt điểm và kịp thời; việc thực hiện pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại chưa nghiêm, dẫn tới hiệu quả giải quyết các vụ việc khiếu nại chưa cao... Vì vậy, việc xây dựng Luật Khiếu nại là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại hiện nay.
Luật Khiếu nại, tố cáo tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính. |
Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, dự thảo Luật quy định cơ chế giải quyết khiếu nại một lần thay vì hai giai đoạn giải quyết khiếu nại lần đầu và giải quyết khiếu nại lần hai như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành. Theo đó việc giải quyết khiếu nại lần đầu được thay thế bằng trách nhiệm xem xét lại của người bị khiếu nại (nhưng không được coi là việc giải quyết khiếu nại) và thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai được giao cho thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị khiếu nại. Quy định này nhằm khắc phục sự thiếu khách quan, công bằng của Luật Khiếu nại, tố cáo là người có quyết định, hành vi hành chính cũng là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Khiếu nại do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày cho rằng, dự thảo Luật quy định việc xem xét lại và việc giải quyết khiếu nại tuy có một số điểm mới và chi tiết hơn về trình tự, thủ tục nhưng về bản chất vẫn là cơ chế giải quyết khiếu nại hiện hành, thay vì gọi việc giải quyết khiếu nại lần đầu thì dự thảo Luật quy định là lần xem xét lại và việc giải quyết khiếu nại lần hai bằng giải quyết khiếu nại. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu vẫn duy trì một cơ chế giải quyết khiếu nại đã tồn tại trên hơn 30 năm nhưng không có hiệu quả thì sẽ không đạt được mục đích khắc phục những hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước như đã nêu trong Nghị quyết 30 của QH, chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết QH là “xây dựng cơ chế hữu hiệu để giải quyết các khiếu kiện hành chính phù hợp với tình hình thực tế của nước ta và thông lệ quốc tế”. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, nên cân nhắc việc sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành và chưa nên trình ra QH dự án Luật Khiếu nại.
Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Khiếu nại. Tuy nhiên, theo nhiều Ủy viên UBTVQH, yêu cầu tiên quyết khi xây dựng dự án Luật Khiếu nại là phải khắc phục được những hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại hiện hành như: đơn thư lòng vòng, một đơn thư nhiều cơ quan giải quyết; việc giải quyết chậm, không dứt điểm, đơn thư vượt cấp... nhưng nội dung của dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu này. Bên cạnh đó, Luật Khiếu nại khi được ban hành có thể xem là đạo luật gốc điều chỉnh các khiếu nại của công dân đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, dự thảo Luật cần điều chỉnh tất cả các khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp, trừ khiếu nại trong tố tụng tư pháp.
Về vấn đề trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại. Theo Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành thì quy trình tự giải quyết khiếu nại gồm 2 giai đoạn. Nhiều đại biểu cho rằng, cơ chế giải quyết khiếu nại lần đầu như hiện nay không phù hợp, thiếu khách quan công bằng vì người có quyết định, hành vi hành chính cũng là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Do vậy một số ý kiến tán thành cơ chế giải quyết khiếu nại 1 lần, tránh khiếu kiện kéo dài.
Quang Anh