(GD&TĐ) - NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận, những vấn đề mới được đưa vào dự thảo là những bức thiết trong đời sống giáo dục đang phải tháo gỡ. Dự thảo Nghị định có thể thay đổi thực tế một số việc trước đây chúng ta có quan niệm sai thì xin lỗi hay rút kinh nghiệm rồi để đấy, giáo viên hay hiệu trưởng sẽ không thể làm việc một cách tùy tiện. Đó là yếu tố vô cùng quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Điều rất hay trong Dự thảo
Đặc biệt lưu ý đến Điều 20 về nội dung ngược đãi, hành hạ người học; xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo, hoàn toàn ủng hộ điều này và cho rằng đó là điều rất hay, cần thiết nhưng ông đề nghị nên tách nội dung liên quan đến người học và người dạy ra làm hai điều.
Vì sao? Ông lý giải: Xâm phạm người học có thể chia ra làm 3 đối tượng: người trực tiếp dạy hoặc nhân viên trong nhà trường, cha mẹ và đối tượng là người ngoài. Tách ra như vậy không chỉ để bảo vệ người học mà đặc biệt còn để đánh giá người thầy. Khi xâm hại thân thể hay tinh thần học sinh, người thầy không đơn giản chỉ là vi phạm hành chính mà còn vi phạm cả đạo đức nghề nghiệp, nhân phẩm của nhà giáo, vậy phải phạt nặng hơn. Bên cạnh hình phạt đó thậm chí phải đưa lên khung hình đình chỉ, không cho giảng dạy để chấm dứt tình trạng xâm hại học sinh tùy tiện. Người thầy được giao nhiệm vụ giáo dục, hiểu về tâm lý, hiểu về giáo dục mà vẫn đánh trò, đó là điều khó chấp nhận.
Tán thành việc xâm phạm người thầy cần phạt nặng hơn, TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, ở đây cần làm rõ hai đối tượng. Nếu đối tượng xâm phạm là học sinh thì việc xử lý bằng phạt hành chính 10 triệu hay 20 triệu đồng là rất khó. Ngoài việc sẽ dẫn đến thực trạng nhiều giáo viên không khoan dung, lợi dụng khung hình để phạt học sinh, nguy hại hơn là tác dụng ngược, khiến học sinh có cách suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, với học sinh có thể phạt nhưng ở mức khác, cách khác, phải chia ra nhiều mức độ khác nhau, đầu tiên nên tha thứ, khoan dung, cuối cùng mới đến mức phạt tiền.
Tán thành việc đưa nội dung sĩ số vào dự thảo Nghị định vì theo nhận định của NGƯT. TS Nguyễn Tùng Lâm, đó là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Nhưng cũng trong nội dung này, thầy Lâm cho rằng, có vấn đề cần phải cân nhắc.
“Trường hợp đội sĩ số lên có hai nguyên nhân. Thứ nhất, vì đó là trường có chất lượng nên ai cũng muốn gửi con vào. Thứ hai, vì khu vực dân cư đó quá đông, học sinh không đủ chỗ học. Hai lỗi ấy hiện nay có xử lý được không? Rất khó. Vì quy định sĩ số là của Bộ GD&ĐT, nhưng việc vượt sĩ số quy định lại không phải xin phép Bộ mà xin phép tỉnh. Nếu khu vực đó chưa đủ trường lớp thì cũng không thể để học trò đứng ngoài cổng trường. Vì thế, chỗ này, theo tôi phải cân nhắc thêm”.
Liên quan đến nội dung dạy thêm học thêm, theo TS.Nguyễn Tùng Lâm, từng khoản sai quy định đưa ra trong dự thảo là đúng, nhưng ông gợi ý nên đưa thêm khoản xử phạt đối với những cơ sở dạy không đúng với nội dung được cấp phép.
Xác định rõ đối tượng để đưa ra mức phạt khả thi
Một trong những đóng góp cho dự thảo của TS.Nguyễn Tùng Lâm là những quy định xử phạt cần làm rõ đối tượng để từ đó xác định mức phạt hợp lý, tăng tính khả thi của khung hình: “Nếu chỉ nói phạt cơ sở giáo dục, họ sẽ lấy tiền đâu ra để nộp phạt? Nếu lấy tiền của nhà trường, cũng là tiền ngân sách nhà nước thì lại thành “đánh bùn sang ao”. Vì vậy, cần hết sức quan tâm đến phân định đối tượng phạt cụ thể, là giáo viên hay hiệu trưởng”.
Việc xây dựng Nghị định mới là việc làm quan trọng giúp hoạt động giáo dục đi vào nề nếp, mang tính chất chuyên nghiệp, kịp thời thời ngăn chặn những việc làm trái pháp luật, trái với nguyên lý giáo dục. NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm |
Hoan nghênh việc đưa các điều kiện về an toàn với người học vào dự thảo, TS.Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: Điều đó rất đúng, rất cần thiết và vấn đề này nước ngoài họ làm rất chặt. Trong nhà trường, an toàn cho người học, người dạy là quan trọng, đưa ra nội dung này buộc người lãnh đạo nhà trường phải đi kiểm tra, xem xét chứ không phải đến lúc để xảy ra tại nạn mới đi xin lỗi. Mức phạt để cao như vậy cũng là hợp lý.
Riêng với nội dung phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi không đảm bảo đủ số lương, diện tích phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, thư viện, sân chơi, bãi tập, khu vệ sinh... TS. Nguyễn Tùng Lâm băn khoăn, hiện tại nên chỉ áp dụng đối với những trường chuẩn quốc gia, những trường đã được kiểm tra, công nhận đạt chuẩn. Còn lại, nên cân nhắc với một số trường hợp khác như nhà trường chưa đảm bảo điều kiện do Nhà nước chưa kịp đầu tư, những trường miền núi cơ sở vật chất nghèo nàn, hoặc một số trường NCL mới thành lập...
Hiếu Nguyễn