Đây là hội nghị mang tầm khu vực đầu tiên do Bộ GD&ĐT tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đặc biệt là trong điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau ĐBSCL, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức hội nghị ở các khu vực khác.
Tham dự hội nghị, ngoài đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL, lãnh đạo các Sở GD&ĐT còn có tham dự của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Ủy ban MTTQ Việt Nam…
Sau báo cáo đánh giá thực trạng giáo dục MN, phổ thông khu vực ĐBSCL cùng những nhóm giải pháp đưa ra, hội nghị đã lắng nghe 13 đóng góp ý kiến, kiến nghị đề xuất của các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL.
Quang cảnh Hội nghị |
Giao đủ biên chế giáo viên MN, phổ thông theo định mức đã ban hành; Sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức nói chung nhưng có tính đến đặc thù của công chức, viên chức ngành giáo dục cho phù hợp và hiệu quả; Ban hành cơ chế, chính sách cho vùng ĐBSCL...
Kiến nghị tâm huyết từ địa phương
Ngoài ra, đại diện các địa phương cũng có những kiến nghị cụ thể từ những nhóm giải pháp chung được đưa ra.
Đại diện tỉnh Đồng Tháp cho biết, hoàn toàn thống nhất với Bộ GD&ĐT thông qua đánh giá thực trạng giáo dục MN, phổ thông khu vực ĐBSCL được trình bày, nhất là các kiến nghị và định hướng cơ chế chính sách mà Bộ đưa ra.
Trong thời gian tới, Bộ cần tiếp tục kiến nghị lên cấp cao hơn về việc tinh giản biên chế GV, không thể thực hiện việc tinh giản một cách cơ học, làm sao phải đảm bảo nơi nào có học trò, nơi đó có giáo viên. Cụ thể tại tỉnh Đồng Tháp, theo tính toán, hiện thiếu khoảng 1.000 biên chế mới theo định mức được giao từ MN đến phổ thông, việc tuyển gặp khó khăn nên việc thực hiện tinh giản càng khó khăn hơn.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ ý kiến |
Tương tự, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng đồng tình báo cáo của Bộ GD&ĐT và có thêm một số đề xuất kiến nghị liên quan đến vấn đề chung cho ĐBSCL.
Theo ông Hưởng, không thể “bấu víu” mãi bầu ngân sách Nhà nước, mà trong vùng, có địa phương, cơ sở nào có điều kiện phát triển cần chủ động thực hiện cơ chế tự chủ để phát triển. Vì vậy, ông kiến nghị cần xem xét, xin bổ sung thêm cơ chế tự chủ cho các địa phương, các cơ sở ở khu vực.
Ông Hưởng cũng trao đổi thêm về tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, làm sao giữ chân giáo viên giỏi, tránh tình trạng tập trung giáo viên giỏi vào 1 đơn vị. Ngoài ra, Bộ Nội vụ tính toán, phối hợp Bộ GD&ĐT liên quan đến biên chế GD.
Hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, thiết thực |
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng tập trung vào các kiến nghị như: xem xét về quy định sĩ số HS các cấp học, gắn sắp xếp mạng lưới trường học với xây dựng nông thôn mới, rà soát sắp xếp lại hệ thống các trường CĐ, ĐH sư phạm, phân luồng HS, tuyển dụng GV…
Các địa phương cần chủ động xây dựng đề án phát triển GD
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận các ý kiến đóng góp của địa phương rất thẳng thắn, cởi mở, đi vào những nút thắt, có những giải pháp khả thi.
Mặc dù vẫn là “vùng trũng” về GD&ĐT so với mặt bằng chung của cả nước nhưng so với 5 năm trước, GD-ĐT của khu vực ĐBSCL đã có bước tiến đáng ghi nhận.
Qua hội nghị này, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp các ý kiến để làm việc với các bộ ngành liên quan, chọn những đề xuất cấp bách, có tính đặc thù, khả thi dựa trên những luận cứ thuyết phục, trước khi tham mưu cho Chính phủ.
Bộ trưởng phát biểu tổng kết tại Hội nghị |
Về phía Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục rà soát chính sách, tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định sát với thực tế, những vấn đề rộng, có tính chất vùng sẽ cân nhắc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về GD-ĐT cho khu vực ĐBSC. Đồng thời, rà soát các thông tư liên tịch, thông tư ban hành trong thẩm quyền để bổ sung, hoàn thiện và ban hành mới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục ĐBSCL.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không thể giải quyết những vấn đề của GD bằng những chủ trương chung chung mà giải quyết bằng những chương trình hành động cụ thể, trực tiếp chung cho ĐBSCL và đặc thù của từng địa phương, để mỗi địa phương chủ động vươn lên chứ không phải nhìn nhau để phát triển.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lắng nghe nhiều ý kiến xác đáng tại hội nghị |
Đối với các địa phương, Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chuyên môn chung, các chuẩn, hướng dẫn chứ không quyết định về tuyển dụng bao nhiêu. Vì vậy, các địa phương cần chủ động rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn Bộ đã ban hành.
Các địa phương cần căn cứ theo tinh thần Nghị quyết 29, Nghị quyết 18, 19 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, các địa phương triển khai dồn dịch, sắp xếp cơ sở trường lớp, xây dựng đề án quy hoạch giai đoạn tới.
Trong quá trình xây dựng đề án, cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ để đề án vừa bám sát thực tiễn, vừa bám sát các quy định về quản lý nhà nước. Các địa phương cần lưu ý tới chất lượng, tính thiết thực và hiệu quả khi xây dựng đề án quy hoạch sắp xếp trường lớp.
Sau khi xây dựng xong đề án quy hoạch cần có nghị quyết của Tỉnh ủy thực hiện đề án. Nêu không có nghị quyết cụ thể để HĐND giám sát, sau này việc triển khai thực hiện đề án khó khăn.
Học sinh tại khu vực ĐBSCL |
Bộ trưởng lưu ý, tránh tính trạng giao khoán cho ngành GD và quá trình thực hiện phải có lộ trình, bước đi, tăng cường giám sát; làm rõ trách nhiệm, đâu là của Bộ, ngành, đâu là của địa phương.