Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “dự giờ” đột xuất khóa tập huấn 200 báo cáo viên nguồn

GD&TĐ - Đánh giá tầm quan trọng của khóa tập huấn 200 báo cáo viên nguồn – những người “làm nền móng” cho việc bồi dưỡng để chuẩn bị đội ngũ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã bất ngờ đến buổi tập huấn ngày 22/5 để trực tiếp kiểm tra việc thực hiện công tác này, đồng thời động viên, khích lệ các học viên.

Bộ trưởng trao đổi với học viên khóa tập huấn 200 báo cáo viên nguồn
Bộ trưởng trao đổi với học viên khóa tập huấn 200 báo cáo viên nguồn

Chiều 22/5, không báo trước, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đến thăm khóa tập huấn 200 báo cáo viên nguồn về thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới. Khi Bộ trưởng tới, các học viên đang say sưa trình bày - phản biện về bảng kiểm đánh giá các mức độ đạt được của học sinh theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực mà các nhóm đã xây dựng. Ngồi lẫn cùng người học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe phần thảo luận.

“Tôi rất vui khi đến đây thấy không khí sôi nổi của buổi tập huấn, các bức tường trong phòng học được lấp kín bởi sản phẩm làm việc của các thầy cô”, Bộ trưởng phát biểu khi kết thúc phần thảo luận chuyên môn của học viên.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, Bộ Giáo và Đào tạo đánh giá rất cao tầm quan trọng của khóa tập huấn 200 báo cáo viên nguồn. Bởi lẽ các thầy cô tham dự khóa tập huấn này sẽ là hạt nhân quan trọng nhất, là người “làm nền móng” cho việc bồi dưỡng chuẩn bị đội ngũ để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Sau khóa tập huấn, 200 báo cáo viên nguồn sẽ phát triển tài liệu bồi dưỡng cho 4 đối tượng và triển khai bồi dưỡng cho 800 giảng viên sư phạm chủ chốt. Những giảng viên chủ chốt này tiếp đó bồi dưỡng cho gần 7.000 tổ trưởng chuyên môn, 28.000 giáo viên cốt cán các cấp học, hơn 1.000 cán bộ quản lý cấp Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, 4.000 Hiệu trưởng trường phổ thông cốt cán. Từ những “nòng cốt” đó, việc tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông sẽ triển khai trên toàn quốc.

Qua đánh giá thực tiễn và một số khảo sát cục bộ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, còn nhiều giáo viên, Hiệu trưởng trường phổ thông, cán bộ quản lý cấp Sở/Phòng Giáo dục vẫn chưa hiểu rõ về chương trình giáo dục phổ thông mới. Các thầy cô chưa rõ sẽ phải xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, thiết kế bài học, kiểm tra đánh giá học sinh, chuẩn bị cơ sở vật chất… ra sao để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Trách nhiệm của 200 báo cáo viên nguồn là làm cho gần 1 triệu cán bộ quản lý và giáo viên hiểu, nắm vững mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt và cách thức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời 200 báo cáo viên nguồn phải cụ thể hóa được các phương pháp dạy học, kiểm tra tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, để giáo viên, hiệu trưởng, cán bộ quản lý cấp Sở/Phòng áp dụng rồi dần dần có những sáng tạo riêng.

"Có lẽ phải nhiều năm sau chúng ta mới có đội ngũ giáo viên với văn hóa dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất. Nhưng nếu chúng ta không cố gắng từ giờ thì nhiều năm nữa chúng ta sẽ không có được đội ngũ đó và đất nước sẽ tụt hậu so với thế giới khi nhiều nước đã thực hiện việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực từ lâu. Mặt khác, chúng ta cũng không thể không cố gắng khi đoàn tàu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã lăn bánh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói. Ông lần nữa nhấn mạnh trọng trách của 200 báo cáo viên nguồn với sự nghiệp đổi mới của giáo dục Việt Nam.

Xác định công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này rất khó khăn nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn 200 học viên của khóa học nói riêng và đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành nói chung có niềm tin vào sự thành công và cùng nhau cố gắng. Bên cạnh đó, ngay từ bây giờ, khi được bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp để dạy học, kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực học sinh, các thầy cô cần áp dụng luôn vào việc dạy học của mình.

Cách làm này sẽ giúp giáo viên tích lũy được kinh nghiệm thực tế để khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, các thầy cô có thể thực hiện tốt công việc của mình. Việc các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng khác về dạy học phát triển phẩm chất, năng lực, cũng là cách để mỗi người đáp ứng được tốt yêu cầu mà chương trình mới đặt ra.

Cuộc đến thăm bất ngờ và trao đổi tại khoá tập huấn 200 báo cáo viên nguồn của người đứng đầu ngành giáo dục, theo cô Nguyễn Thị Hồng Chuyên (giảng viên trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên), đã khích lệ, động viên tinh thần rất nhiều cho các học viên. Những chia sẻ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng giúp cô và đồng nghiệp ý thức sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới của nền giáo dục Việt Nam.

Khóa tập huấn 200 báo cáo viên nguồn về “Giáo dục phát triển năng lực và triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới” do các chuyên gia của Đại học Melbourne (Australia) đứng lớp giảng dạy. Trong đợt 1 (diễn ra từ ngày 16/4 đến 21/4), các học viên trao đổi để hiểu rõ những nguyên tắc chủ chốt của giáo dục phát triển năng lực và các yêu cầu cốt lõi đối với giảng viên cốt cán trong chương trình GDPT mới. Học viên sau đó có 3 tuần để áp dụng các phương pháp học được vào thiết kế các bài học theo chương trình GDPT mới của Việt Nam và được chuyên gia của Đại học Melbourne hỗ trợ qua mạng.

Trong đợt tập huấn thứ hai (từ 20/5 đến 24/5), các chuyên gia và học viên sẽ cùng trực tiếp phân tích, hoàn thiện kế hoạch bài học học viên đã xây dựng. Trọng tâm của chương trình tập huấn lần này là phương pháp đánh giá sự phát triển phẩm chất năng lực học sinh trong quá trình dạy học theo các phương pháp tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.