Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Giáo dục, trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, dành thời gian gặp mặt các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đến từ mọi miền của tổ quốc nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ, đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ “trồng người” cao quý mà Đảng, Chính phủ, nhân dân giao phó.
Theo Bộ trưởng, năm học 2018-2019 là năm học thứ 5 ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Năm học vừa qua, mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, một số kết quả chưa được như mong muốn song nhìn chung giáo dục và đào tạo nước ta đã có những chuyển biến tích cực.
Chất lượng giáo dục các bậc học được nâng lên. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Công tác quản lý giáo dục tiếp tục có nhiều đổi mới, diện mạo của một nền giáo dục phát triển và hội nhập đang dần hoàn thiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp ngày càng phát triển theo hướng chuẩn hoá, cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng.
Bộ trưởng cho biết: Tính đến ngày 15/8/2018, cả nước có 1,16 triệu giáo viên mầm non, phổ thông và khoảng 70 nghìn giảng viên đại học, trên 150 nghìn cán bộ quản lý giáo dục các cấp, với trên 99% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo.
Mặc dù công tác phát triển đội ngũ vẫn còn những hạn chế, bất cập nhưng về cơ bản đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhiều thầy cô giáo là những tấm gương sáng để đồng nghiệp và học sinh học tập, noi theo.
Để ghi nhận và vinh danh những đóng góp, hy sinh của đội ngũ nhà giáo, hàng năm, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều hoạt động, chương trình tri ân, tôn vinh nhà giáo có những cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp giáo dục.
Đồng thời, Bộ cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tôn vinh, tri ân các nhà giáo công tác ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhà giáo đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu.
“Tối qua, chương trình “Thay lời tri ân” do Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đã diễn ra rất xúc động với những câu chuyện về sự hy sinh, mất mát thầm lặng của các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Có những người gắn bó cả cuộc đời với học sinh vùng khó; có người đã hy sinh cả hạnh phúc riêng để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Những tấm gương bằng xương bằng thịt ấy đã có mặt trong buổi diện kiến Thủ tướng ngày hôm nay” – Bộ trưởng chia sẻ.
Dù còn muôn vàn gian khó nhưng nhìn chung đội ngũ nhà giáo trên cả nước đã thấm nhuần tinh thần đổi mới, kiên định vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, thực sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.
Bộ trưởng mong mỏi, tại cuộc gặp gỡ hôm nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên toàn ngành rất mong sẽ nhận được những chỉ đạo, chia sẻ, căn dặn của Thủ tướng Chính phủ để tiếp thêm động lực cho toàn ngành phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng.